Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo chí văn nghệ vẫn đứng từ xa?

Thi Thi| 31/08/2014 06:33

(HNM) -

Sức mạnh còn "tiềm ẩn"

Cả nước hiện có hơn 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam; hội VHNT tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cùng báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành. Bên cạnh đó cũng phải tính đến một lực lượng các báo, trang tin điện tử với nhiều chuyên trang, chuyên mục văn nghệ phản ánh các hoạt động của lĩnh vực này trong cả nước. Rồi lực lượng phát thanh truyền hình cũng đóng góp hàng trăm chương trình, chuyên mục văn hóa nghệ thuật mỗi năm…

Một số ấn phẩm báo chí văn nghệ.


Hội nghị "Báo chí văn nghệ toàn quốc 2014" đã đánh giá báo chí văn nghệ cũng như các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề văn nghệ trên các ấn phẩm đang chiếm số lượng, thời lượng lớn hơn nhiều so với báo chí các chuyên ngành lĩnh vực khác. Báo chí văn nghệ cũng được ghi nhận ở việc góp phần thực hiện nhiệm vụ nói chung của nền báo chí cách mạng nước nhà; đồng thời ở góc độ riêng, lực lượng này đã sát cánh cùng sự phát triển của văn nghệ đất nước…

Tuy nhiên, sức mạnh báo chí văn nghệ vẫn ở dạng "tiềm ẩn" so với số lượng. Trong số 80 cơ quan kể trên, đa phần là cơ quan báo, tạp chí của hội VHNT tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và báo, tạp chí của hội chuyên ngành với mức độ ảnh hưởng trong đời sống chưa rõ nét. Bên cạnh đó, có lẽ cũng do quan niệm văn nghệ cho dù là báo chí đi nữa thì vẫn là thứ "thong thả" nên các kỳ hạn phát hành của lực lượng báo chí này dày nhất cũng chỉ là 1 kỳ/tuần, còn lại là 1-2 tháng/kỳ, thậm chí tạp chí văn nghệ ở một số địa phương còn có kỳ hạn 3 tháng/kỳ.

Lượng phát hành của ấn phẩm báo chí văn nghệ cũng khá khiêm tốn, cao nhất là 10 nghìn bản/kỳ với một số ấn phẩm TƯ như Báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an… Còn các báo, tạp chí văn nghệ địa phương có số lượng phát hành từ 500 bản đến 2.000 bản/kỳ với những đối tượng bạn đọc hạn chế ở đô thị, trung tâm tỉnh, thành, thị xã… Nhưng chưa phải đã đầy đủ, ẩn sau những con số ấy là nhiều câu chuyện khác cho thấy vị thế thực sự của báo chí văn nghệ.

Bất cập vị thế

Đã có thời gian, những tờ báo văn như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội được xem như một địa chỉ "đầy quyền lực" đối với người viết và người đọc. Nhưng hôm nay báo chí văn nghệ nói chung đang ở vào thế bị động và cạnh tranh không cân sức. Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ nói: "Cái thời Báo Văn nghệ được phát hành hàng vạn bản, có mặt trong mỗi trường học, trong hệ thống thư viện TƯ tới cấp xã đã qua lâu rồi".

Cái vị thế nửa vời, khó nói này của văn nghệ cũng giống như tình thế của xuất bản. Trong đó với danh phận người làm văn hóa văn nghệ, đương nhiên "phải giữ nếp nhà, giữ định hướng" và ít nhiều chịu lép vế về sức cạnh tranh ngoài thị trường. Nhưng những chính sách đặc thù cho báo chí văn nghệ, cho văn nghệ sĩ thì chưa thật sự được phát huy trong thực tế. Phát hành báo chí hiện nay vốn là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Ở đó, Báo Văn nghệ xác định "thua ngay từ đầu" vì ra "chiến trường" mà cái mình có chưa chắc đã là ưu thế cạnh tranh. Một ví dụ được nêu "Từ khi xóa bao cấp tới nay, trong danh mục báo chí được cấp kinh phí cho các cơ quan, đoàn thể, nhà trường, thậm chí cả các thư viện, báo chí văn nghệ luôn đứng ở vị trí cuối cùng. Trong số các tỉnh, thành phố thì cũng chỉ có một vài nơi mua tạp chí văn nghệ của địa phương. Khối doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc danh hầu như không có…".

Cùng với việc nêu ra những vướng mắc nói trên, những người trong cuộc cũng nhận ra những hạn chế nội tại khi chỉ rõ bản thân báo chí văn nghệ còn có "sức ì" nhất định. Mặc dù mang giọng điệu và cách thức phản ánh riêng, nhưng trước các sự kiện văn nghệ nổi cộm thì báo chí làng văn nhiều khi chưa có tiếng nói rõ ràng và kịp thời. Thậm chí, nhiều khi còn sa đà vào thông tin tiêu cực, rời bỏ dòng chủ đạo là vẻ đẹp, tính hướng thiện vốn là sức mạnh của văn nghệ…

Và như vậy, theo ý kiến của một đại biểu thì "Văn hóa văn nghệ là một thứ gì đó mong manh dễ vỡ; nếu muốn đắc dụng thì phải nâng niu, bao bọc chứ không thể hoàn toàn phó mặc". Còn Bộ TT-TT tại hội nghị này đã xác định, hoạt động báo chí những năm tới sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng báo chí văn nghệ ngoài nhiệm vụ chung của báo chí cách mạng thì còn có nhiệm vụ góp phần xây dựng phát triển văn học nghệ thuật, bồi đắp nhân cách con người Việt Nam cũng như xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Với tinh thần ấy, cũng mong sẽ có thêm nhiều động thái quyết liệt hơn chăm lo, hỗ trợ lực lượng văn nghệ sĩ và những người làm báo văn nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo chí văn nghệ vẫn đứng từ xa?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.