Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở cải lương “Hà Nội gió mùa”: Đậm chất nhân văn

Diệp Bảo| 18/09/2014 06:12

(HNM) - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn

"Hà Nội gió mùa" giàu chất thơ, chuyển tải câu chuyện tình tay ba đắng chát giữa hai người đàn bà gồm Hân (vợ chính), Việt (vợ nhỏ) và ông Cơ. Câu chuyện ấy không chỉ liên quan tới hai người phụ nữ luôn bị nỗi ám ảnh giày vò, mà còn kết nối số phận hai người con trai giống nhau như tạc của họ là Đàm Nghĩa Hiếu và Đàm Nghĩa Phong. Cuộc đời đẩy đưa, số phận bắt hai chàng trai, dù gì cũng là con một nhà, trở thành những người đối đầu trên hai chiến tuyến. Phong, một sĩ quan ngụy, đã bắt được Hiếu - sĩ quan quân đội giải phóng, rắp tâm trả mối thù của mẹ (Việt) mà anh nhầm tưởng là do mẹ con Hân, Hiếu gây ra. Khi đất nước thống nhất, Phong phải vào trại cải tạo. Mâu thuẫn được đẩy lên đến mức tưởng như khó có thể gỡ nổi khi Hiếu, dù không muốn gieo thêm hận thù nhưng tội ác của Phong quá lớn… Cuối cùng, bàn tay tài hoa của ê kíp sáng tạo đã "gỡ rối cho nhân vật", tạo ra một cái kết thấu tình đạt lý…

Hà Nội gió mùa được phóng tác từ truyện ngắn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê - Ảnh: Đức Triết



Một câu chuyện trải dài đến mấy chục năm, lại có quá nhiều xung đột, không ít đạo diễn sẽ ham dàn cảnh đối đầu nảy lửa để tăng tính hấp dẫn cho vở diễn, có thể đi xa đến mức không thể "thu về" chủ đề chính. Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai làm khác, chị đau đáu hàng tháng trời trước kịch bản, lăn lộn trên sàn tập để tìm cách giải mã xung đột một cách hợp lý, tạo dựng một cái kết bảo đảm tính nhân văn. Vở diễn cho ra chất cải lương rõ ràng mà không bi lụy, mềm mại, trữ tình mà không làm mất đi tính khốc liệt của chiến tranh. Tác giả kịch bản, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái rất hài lòng với vở diễn khi cho rằng Hoàng Quỳnh Mai, với cách dàn dựng đậm chất trữ tình, lãng mạn đã giữ được thông điệp cốt yếu của tác phẩm và làm nổi bật được ý tưởng nhân văn mà bà cố gắng chuyển tải từ tác phẩm gốc là truyện vừa "Nhiệt đới gió mùa" của nhà văn Lê Minh Khuê.

Trong vở diễn, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai đã áp dụng phương pháp dàn dựng hiện đại, đem lại cho người xem sự thích thú: không tắt đèn chuyển cảnh mà "chạy cảnh" nhờ những cô gái trong trang phục áo dài trắng di chuyển hình cắt mô hình phố cổ, cầu Long Biên. Những nét đặc trưng riêng, "rất Hà Nội" như tiếng rao quà, gánh hàng hoa, phố phường vào đông với tiếng chổi tre của chị lao công… đã được thể hiện một cách tinh tế. Hình ảnh người Hà Nội thanh lịch, lối ứng xử nhã nhặn xưa cũ hiện ra qua từng câu thoại, qua lối diễn nhuần nhị, không chút gượng ép. Hiệu ứng dàn dựng và khả năng diễn xuất được nâng lên nhờ màn thể hiện sáng sủa của những "giọng ca vàng" như Hồng Hạnh, Hồng Hà, Bùi Thị Dung, Mạnh Hùng, Trọng Bình… Không ít khán giả cảm thán: "Xem xong, thấy thêm yêu Hà Nội với những cảnh riêng có ở đất này, thêm yêu cái rét đầu đông luôn gợi nhớ gợi thương".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vở cải lương “Hà Nội gió mùa”: Đậm chất nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.