Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể thụ động!

Thi Thi| 21/09/2014 06:02

(HNM) - Ngày 15-9, VTV Digital (Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài THVN) đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) thuộc Bộ Công an, chính thức khởi động

Nguy cơ hiện hữu

Đặt vấn đề bảo vệ bản quyền truyền hình nói chung và truyền hình số nói riêng là bởi công nghệ số đã và đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trong nhiều lĩnh vực, trong đó có truyền hình. Bảo vệ bản quyền truyền hình số là bảo vệ các chương trình truyền hình khỏi bị xâm phạm bản quyền thông qua mạng viễn thông như internet, các thiết bị di động... Không phải đến bây giờ thì phía truyền hình mới quan tâm tới vấn đề này. Nhưng, động thái của VTV cho thấy câu chuyện trên đã tới giới hạn của sự chịu đựng thông thường, nó cho thấy nạn xâm phạm bản quyền đã trở thành mối nguy lớn đối với sự tồn tại và phát triển của các đơn vị truyền hình hiện nay.

Vấn đề bản quyền không phải là chuyện riêng của Việt Nam, truyền hình thế giới nói chung cũng đang rơi vào thời điểm đầy thách thức khi công chúng bấy lâu chung thủy (và phụ thuộc) với truyền hình nay đã chuyển dần sang những sự lựa chọn khác. Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 50 của Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình Châu Á - Thái Bình Dương (ABU) diễn ra vào cuối tháng 10-2013, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này khẳng định rằng số người xem truyền hình đã giảm mạnh, số người "lướt web" ngày một nhiều hơn.

Bản quyền truyền hình luôn là vấn đề nóng của ngành truyền thông trong nước. Ảnh: Hải Anh



VTV, VTC cũng như nhiều đơn vị truyền hình khác ở nước ta cũng không phải là ngoại lệ trước thách thức này. Trong khi phải tìm mọi cách để lôi kéo khán giả, truyền hình đồng thời phải đối phó với nạn xâm phạm bản quyền chương trình, tác giả, tác phẩm. Thực tế cho thấy nhiều chương trình do phía truyền hình sản xuất, phải chi phí lớn để mua bản quyền phát sóng… đang bị khai thác một cách tự do, không phải để quảng bá mà chủ yếu là để thu lợi. Ông Phạm Anh Chiến (Giám đốc VTV Digital) nhận định: "Từ nhiều năm nay, các hoạt động xâm phạm bản quyền bằng nhiều hình thức như cung cấp các gói dịch vụ, quảng cáo nhờ các chương trình của VTV… đã thu về cho một số đơn vị hàng tỷ đồng. Đây là việc làm bất chính, không chỉ gây thiệt hại lớn cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nắm giữ bản quyền chương trình truyền hình, mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền quốc tế vì nhiều chương trình mà chúng ta mua bản quyền từ nước ngoài có điều khoản ghi rõ quyền khai thác qua hình thức nào, ở đâu".

Có thể dễ dàng kiểm chứng điều này bằng việc nhờ google tìm kiếm một vài chương trình giải trí của VTV trên internet, dễ thấy chúng xuất hiện phổ biến trên những mạng chia sẻ video toàn cầu. Vấn đề nằm ở chỗ đa số những nội dung này chưa được VTV cung cấp bản quyền để khai thác, vì vậy, đó rõ ràng là hành vi phạm pháp.

Đón đầu xu hướng… "xài chùa", chủ động đối phó

Ngoài sức hấp dẫn từ mối lợi thu được qua việc khai thác "chùa" đối với những chương trình có sẵn, một trong những nguyên nhân khác khiến nạn khai thác lậu là quan niệm chương trình trên các kênh sóng của VTV đều mang tính quảng bá, muốn khai thác kiểu gì cũng được. Thực tế không phải vậy bởi chỉ có một số kênh sóng của VTV mang tính chất quảng bá, nhiều kênh và nhiều nội dung khác của Đài THVN đều là sản phẩm có bản quyền, việc khai thác chúng phải dựa trên các điều khoản mà luật hiện hành quy định. Tuy thế, hành vi vi phạm bản quyền đang diễn ra ngày một phức tạp hơn, một phần quan trọng là bởi các hình thức xử lý vi phạm không đủ sức răn đe. Điều này cho thấy, không chỉ chạy theo rà soát, xử lý vi phạm đã xảy ra, các bên liên quan còn phải đón đầu xu thế, lường trước các dạng thức xâm phạm bản quyền để có cơ chế phù hợp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Bên cạnh giải pháp ngăn ngừa, xử lý vi phạm, điều quan trọng là các đài truyền hình cần chủ động tạo cơ chế hợp tác để khai thác chương trình đúng pháp luật, nhằm thu lợi chính đáng cho các bên. Trong nhiều năm qua, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã tính đến những giải pháp "đón đầu" nhằm ngăn chặn tình trạng bị "xài chùa". Theo chia sẻ của lãnh đạo VTC thì từ năm 2013, đơn vị này là cơ quan báo chí đầu tiên đưa nội dung truyền hình của mình lên Youtube. Đó là cách sử dụng mạng internet để chủ động mang chương trình đến với khán giả, đặc biệt là đồng bào xa Tổ quốc. Như chương trình truyền hình mừng xuân Giáp Ngọ 2014 đã được VTC phát trực tiếp liên tục trong hàng chục giờ qua địa chỉ Youtube.com/vtctv.

Tuy nhiên, ngay cả khi đã áp dụng nhiều giải pháp được cho là đã mang lại hiệu quả nhất định, VTC vẫn phải đối diện với nhiều mối lo, chẳng hạn như vấn đề kiểm soát thông tin trên mạng internet, nhất là bảo vệ sự toàn vẹn của nội dung chương trình. Liệu phía "chôm chỉa" có mạo danh chương trình hay không? Liệu có thể xảy ra việc các tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình mang tên VTC, VTV nhằm mục đích xấu về chính trị, văn hóa?...

Không nghi ngờ gì nữa, ngăn chặn nạn xâm phạm bản quyền truyền hình là phần việc mang tính sống còn của các nhà đài trong thời đại công nghệ số hiện nay, cần phải được thực hiện với tính chủ động cao và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị truyền hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể thụ động!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.