Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim Việt gắn mác cấm trẻ em: Chỉ là chiêu thức PR?

Theo LOAN THANH| 21/10/2014 10:35

Mới đây, “Hương ga” bộ phim do Trương Ngọc ánh thủ vai chính đã chính thức được gắn mác 16+ trước khi ra rạp, vì những cảnh nóng và bạo lực chiếm đến 50% các phân đoạn.


Trailer phim cũng tiếp tục thu hút được sự chú ý của công chúng khi những cảnh bạo lực và giường chiếu xuất hiện với mật độ dày đặc. Vậy đây có phải là chiêu trò của nhà sản xuất khi gắn mác cấm trẻ em và sử dụng cảnh nóng, cảnh bạo lực để câu kéo khán giả đến rạp?

Lạm dụng sex, bạo lực

"Hương ga" là bộ phim được thực hiện dựa theo tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú. Phim kể về chuyến hành trình biến đổi nhân cách của một thiếu nữ ngây thơ tên Diệu trở thành nữ chúa giang hồ Hương ga gai góc đầy thách thức. Mới đây, hai tấm poster của bộ phim “Hương ga” đã được ê-kíp sản xuất của đạo diễn Cường Ngô công bố rộng rãi trên toàn bộ hệ thống rạp. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là dòng chữ 16+ màu đỏ phía dưới. Trailer quảng cáo phim cũng được tung ra với 70% thời lượng là cảnh nóng và bạo lực. Như vậy, với những cảnh đánh đấm, chém giết, đấu súng, đan cài những cảnh cưỡng hiếp và giường chiếu nóng bỏng của ba diễn viên Trương Ngọc ánh, Kim Lý và Chi Pu, phim "Hương ga" không dành cho lứa tuổi dưới 16.

Phim "Hương ga" gây chú ý vì ngập tràn cảnh nóng và bạo lực.


Trước "Hương ga", bộ phim mới của đạo diễn kỳ cựu Lưu Trọng Ninh "Bước khẽ tới hạnh phúc" cũng bị dán mác 16+ vì cảnh nude 100% của diễn viên chính. Trong trailer phim chính thức vừa được tung ra cũng chứa khá nhiều cảnh nóng của Quách Ngọc Ngoan và Ngân Khánh, khi bên cạnh cảnh khóa môi trong ô tô, hai diễn viên còn có cảnh nude hoàn toàn quay từ phía sau.

Trước đó, "Hiệp sỹ mù", bộ phim mới nhất của đạo diễn Lưu Huỳnh do ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng lần đầu làm nhà sản xuất, cũng bị cục Điện ảnh dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi vì vai nữ chính (do Ngọc Thanh Tâm đóng) có nhiều cảnh hành động bạo lực đẫm máu. Và "Không cân sức" - bộ phim về cuộc chiến giữa một cán bộ thanh liêm và những kẻ tham nhũng bị gắn mác 18+ vì nhà làm phim đã khá mạnh tay khi quay những cảnh phòng the. Thậm chí, diễn xuất của nữ diễn viên chính còn khiến nhiều khán giả lớn tuổi phải đỏ mặt.

Có lẽ, điện ảnh Việt đang ở thời kỳ "đỉnh cao" của những bộ phim, nhất là phim chiếu rạp lấy yếu tố sex, cảnh nóng để lôi kéo người xem. Bởi "Hương ga" chỉ là một trong rất nhiều bộ phim do Việt Nam sản xuất lấy cảnh nóng, bạo lực làm tâm điểm chú ý. Một danh sách dài các bộ phim điện ảnh trước đó như: "Mỹ nhân kế", "Cô dâu đại chiến", "Giữa hai thế giới”, "Săn đàn ông", và mới đây nhất là "Lạc giới" cũng đều lựa chọn những góc quay gợi cảm, những cảnh nóng, hay cảnh bạo lực gay cấn để tạo sức hút cho phim.

Từ thực tế này, nhiều người nghĩ rằng, dường như các đạo diễn làm phim cũng cảm thấy thiếu vắng hay không yên tâm, nếu như một bộ phim mới ra mắt mà không cài cắm được một vài cảnh khỏa thân, một vài cảnh tắm, hay những cảnh bạo lực, chém giết. Mặc dù, với những bộ phim lấy cảnh nóng làm "mồi câu" thì đa phần đều là phim thảm họa. Dường như với các nhà sản xuất, ngoài cảnh nóng, cảnh sex và cảnh bạo lực thì phim Việt không còn gì khác để giới thiệu cho khán giả?

Và một điều nghịch lý là, đa phần các bộ phim có trailer chứa nhiều cảnh nóng và cảnh bạo lực lại thu hút được rất đông khán giả tò mò đến rạp. Thậm chí càng dán mác 16+, 18+ thì phim lại càng cháy vé, đắt khách. Điều này phải chăng là một chiêu thức của nhà sản xuất, khi mà công chúng luôn có hứng thú với những bộ phim bị xếp vào hàng kiểm duyệt nửa kín nửa hở?

Dùng sex để câu khách là thiếu văn hóa

Bàn về vấn đề này, đạo diễn Đình Kính, Chủ tịch hội Điện ảnh Hải Phòng cho rằng, cảnh nóng, cảnh bạo lực có hai mục đích, một là phục vụ phim, tư tưởng chủ đề cho phim và một loại là đưa lên chỉ để câu khách. Có những bộ phim không đưa cảnh sex vào là hỏng, không có giá trị, nên bạo lực, sex, nude có nên đưa vào hay không còn tùy thuộc nội dung và ý định của nhà làm phim. Nếu đưa vào một cách văn hóa, phù hợp với nội dung, phục vụ cho mục đích muốn truyền tải thông điệp thì không có gì để nói, nhưng nếu chỉ đưa vào để câu khách thì là vô văn hóa. Hiện nay, có tình trạng nhiều phim sử dụng cảnh sex, bạo lực, với mức độ táo bạo và dày đặc, nếu cắt đi mà không ảnh hưởng đến nội dung phim thì cảnh đó nhất định phải gỡ bỏ.

Nhiều nhà sản xuất thường lạm dụng những mồi câu này, bởi có khi chỉ cần một câu nói hay một hành động văn hóa là có thể thay thế một cảnh sex nhưng thay vì làm thế, họ lại làm kỹ, sỗ sàng, thậm chí thô thiển hơn để hút khán giả. Lấy dẫn chứng về bộ phim "Vé trở về" cũng có nhiều cảnh nóng gây sốc của Ba Lan. Đạo diễn Đình Kính chia sẻ: "Bộ phim kể về một người phụ nữ không chồng sang Mỹ kiếm sống để lấy tiền nuôi người con trai nhỏ. Trong phim có hai cảnh nóng rất trần trụi, cảnh đầu tiên là cảnh chị làm tình với một người đàn ông không yêu, phân cảnh này được quay rất cận cảnh để biểu hiện tâm lý của việc quan hệ không có tình yêu.

Cảnh thứ hai là cảnh nude khi chị gặp người mình yêu, cảnh này được quay rất rõ, rất đẹp, nhất là khuôn mặt hạnh phúc của người phụ nữ. Nếu cắt hai cảnh này đi thì phim sẽ mất giá trị. Nhưng trong nhiều phim của ta hiện nay thì có quá nhiều cảnh nóng vô lý, phản cảm, không hề phục vụ gì cho nội dung của phim. Nhà sản xuất sử dụng nó chỉ để quảng bá, câu kéo khán giả đến rạp, mà khán giả đến rạp lại đa phần là người trẻ. Đây là cách kinh doanh của các nhà làm phim, bởi phim cũng là một hàng hóa nên họ phải đưa ra nhiều chiêu để bán và họ không ngại lách luật để áp dụng nó”.

Đồng tình với ý kiến của đạo diễn Đình Kính, nhà biên kịch Lê Đình Tiến cũng tỏ ra vô cùng bức xúc khi những phân cảnh sex, cảnh đánh đấm bạo lực xuất hiện vô duyên trên phim. Anh cho rằng: "Trong cuộc sống hiện nay, chúng ta cần phải đưa lên màn ảnh những gì thầm kín nhất. Nhưng sự thầm kín ấy phải đưa đến cho người xem một nhận thức, một cảm xúc đặc biệt về sự thầm kín đó, chứ không phải chỉ xuất hiện để câu kéo người xem”.

Vậy tại sao những bộ phim này lại lọt qua vòng kiểm duyệt? Một thành viên trong Hội đồng duyệt phim Quốc gia (xin được giấu tên) cho biết: "Xét duyệt tùy thuộc vào hội đồng, mà hội đồng thì có nhiều điều tế nhị, khó nói lắm! Nhìn chung tiêu chí của các hội đồng là cần thì để, không cần thì cắt, nhưng nhìn riêng thì có những phần tế nhị A, B, C gì đó mà chỉ họ mới biết được”.
- - - - - - - - - -

Trở thành phản cảm

Đạo diễn Trọng Trinh chia sẻ: "Hiện nay có rất nhiều bộ phim của Việt Nam sử dụng cảnh nóng hoặc gắn mác 16+, 18+, nó là cách giúp các nhà làm phim thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Thực chất đây là cách PR thường thấy của phim Việt nhưng nhiều khi nó trở thành phản cảm. Tôi cho rằng, phim như thế nào sẽ tùy vào văn hóa người làm phim, chiếu phim và quảng cáo phim. Người làm văn hóa đích thực sẽ không vì lợi nhuận, vì doanh thu mà sử dụng những cảnh nóng, những yếu tố giật gân, tò mò, gây sốc để lôi kéo người xem. Bởi dùng cách đó là phi văn hóa, lừa dối và không tôn trọng khán giả”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim Việt gắn mác cấm trẻ em: Chỉ là chiêu thức PR?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.