Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Cao Duy Sơn: Lười biếng thì văn chương sẽ dần mất đi bản sắc cũng như tính hấp dẫn

Thi Thi| 22/11/2014 07:35

(HNM) - Nhà văn Cao Duy Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số Việt Nam là cây bút văn xuôi miền núi tiêu biểu, từng nhận nhiều giải thưởng văn học uy tín. Ông đồng thời là người gần gũi, tích cực động viên các cây bút trẻ sáng tạo.

Trước thềm Đại hội Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam lần V (ngày 2-12-2014), nhà văn Cao Duy Sơn có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về câu chuyện bồi dưỡng tài năng trẻ VHNT các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở mảng văn xuôi.

- Thưa nhà văn Cao Duy Sơn, VHNT về đề tài dân tộc thiểu số luôn được xem là một bộ phận đầy màu sắc, rõ dấu ấn riêng của văn nghệ Việt Nam. Không biết có phải vì đề tài này không dễ viết mà mười năm trở lại đây Hội có nhiều động thái tìm kiếm và bồi dưỡng tác giả trẻ, đặc biệt là ở lĩnh vực văn học?

- Bồi dưỡng thế hệ kế tiếp không chỉ là thể hiện tinh thần trách nhiệm của người đi trước, mà thực sự là nhiệm vụ cấp bách và nặng nề đối với Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đã có thời gian, tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số thưa vắng hẳn, lượng tác phẩm xuất hiện trên các báo, tạp chí rời rạc, về chất lượng cũng có điều phải bàn. Do đó, Hội đã chủ động mở lớp bồi dưỡng tài năng trẻ là người dân tộc thiểu số, phối hợp với các tổ chức Hội cơ sở nhằm phát hiện tác giả mới có triển vọng... Đáng mừng là liên tiếp những năm qua, đã xuất hiện một loạt tên tuổi là người dân tộc thiểu số và cả người Kinh như: Nie Thanh Mai, Hoàng Thanh Hương, Đinh Su Giang (Tây Nguyên), Lục Mạnh Cường, Chu Minh Huệ, Hoàng Chiến Thắng (Việt Bắc), Phạm Tú Anh, Kha Thị Thường, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử (miền Trung)... Những tác giả trẻ này, cùng với những nhà văn từng giành nhiều giải thưởng văn chương trước đó như: Inrasara, Dương Thuấn, Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân, Đoàn Hữu Nam, Hoàng Thế Sinh… góp phần tạo nên dấu ấn của VHNT các dân tộc thiểu số hôm nay. Ngay trước thềm Đại hội Hội VHNT các dân tộc thiểu số lần V, trong khoảng ba tháng trở lại đây, trên các báo, tạp chí văn nghệ xuất hiện nhiều tác phẩm văn học về đề tài này. Đó là sự cổ vũ lớn đối với văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số chúng tôi, nhất là tác giả trẻ.

Một số tác phẩm văn học về đề tài các dân tộc thiểu số. Ảnh: Mai Tùng



- Thưa nhà văn, ông từng có quan niệm riêng về bồi dưỡng tài năng trẻ văn học các dân tộc thiểu số, rằng không áp dụng khung mà chỉ làm bầu bạn?

- Theo tôi, sự trao đổi của người đi trước với thế hệ sau là những gì chung nhất, xuất phát từ trải nghiệm thực tế của mình. Nhưng bồi dưỡng không phải là đem khung định sẵn chiều ngang, chiều dọc rồi áp vào người nghe. Sáng tạo là cái riêng, không phải cứ mở lớp bồi dưỡng là sản sinh ra tài năng ngay. Tổ chức lớp bồi dưỡng thì phải xác định tâm tính điển hình của mầm tài năng, biết họ muốn nghe gì, cần gì, điều gì có thể khiến họ phản ứng... Phải coi đó là một thực tế của đời sống VHNT.

Tài năng trẻ cần không khí bầu bạn, kinh nghiệm, gợi ý, sự khích lệ, lời phê bình tinh tế của các tác giả uy tín. Với họ, cần kiên nhẫn, tạo môi trường VHNT tích cực cho sự tôi luyện bản lĩnh sáng tạo.

- Với tinh thần này, hẳn ông cũng có những gửi gắm riêng đối với tác giả trẻ tại đại hội sắp tới?

- Chúng ta có những cây bút đã ít nhiều thành danh nhưng vẫn đầy tiềm năng, đó là lực lượng sáng tác trẻ của VHNT các dân tộc thiểu số. Họ phản ánh tiếng nói, tâm tư của dân tộc mình cũng như hành trình chung của dân tộc Việt Nam. Những đóng góp của họ không chỉ mang ý nghĩa tích cực đối với văn nghệ miền núi, mà là đối với nền văn nghệ Việt Nam nói chung. Tôi mong lớp trẻ tham gia Ban chấp hành nhiệm kỳ V với tỷ lệ thích đáng, đặc biệt là tác giả nữ, nhiều chuyên ngành, nhiều vùng miền có đại diện. Mong rằng trong nhiệm kỳ sắp tới, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số sáng tác chuyên nghiệp hơn, bớt đi những dạng văn thơ thù tạc.

- Nói đến VHNT, trong đó có văn học các dân tộc thiểu số là nói đến bản sắc độc đáo, tính hấp dẫn của văn hóa các dân tộc và khả năng làm giàu thêm vốn văn nghệ của dân tộc Việt Nam nói chung. Hoạt động sáng tác hiện nay có biểu hiện lệch lạc nào đáng chú ý không, thưa ông?

- Điểm hạn chế của văn học các dân tộc thiểu số hiện nay là nhiều tác giả viết... như người Kinh. Để chuyển tải tinh thần, tâm hồn của người dân tộc thiểu số đến với bạn đọc, người viết phải đào sâu vào vốn văn hóa dân tộc mình, hiểu từ tâm tính, suy tư của con người đến hơi thở của rừng núi, những loài cây, ngọn cỏ, vật nuôi trên vùng đất mà mình gắn bó. Với những chi tiết thực của đời sống, nếu người viết không hiểu thì không thể chuyển dịch thành ngôn ngữ văn học, không tạo được hiệu quả thẩm mỹ đối với độc giả. Nếu lười biếng, chỉ dùng những ngôn từ, hình tượng có sẵn, không mang sắc thái, tình cảm của dân tộc mình thì văn chương về đề tài này sẽ dần mất đi bản sắc cũng như tính hấp dẫn.

- Xin cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Cao Duy Sơn: Lười biếng thì văn chương sẽ dần mất đi bản sắc cũng như tính hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.