Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cộng dồn” trách nhiệm quản lý, nâng cao ý thức cộng đồng

Minh Ngọc| 23/11/2014 06:15

(HNM) - Trước những bất cập, hạn chế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH), một lần nữa những người làm công tác quản lý DSVH của Hà Nội và các nhà khoa học đã

Các ý kiến được tiếp cận từ góc độ lý luận và thực tiễn, cho thấy định hướng bảo tồn, phát huy giá trị DSVH ở Hà Nội ngày một rõ nét, là cơ sở đúng đắn cho các ngành chức năng xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp, hạn chế sự mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và phát triển.

Phát lộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long làm dày thêm kho tàng di sản văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Hải Anh


Thách thức không nhỏ

Với hơn 5.000 di tích, hơn 1.000 lễ hội, hơn 1.000 làng nghề thủ công truyền thống và hơn 800 DSVH phi vật thể khác mới được nhận diện, kiểm kê, sự "giàu có" của Hà Nội về DSVH là không thể phủ nhận. Sự "giàu có" ấy, một mặt góp phần làm cho bản sắc văn hóa của Thăng Long - Hà Nội thêm rõ nét; mặt khác, buộc những người làm công tác quản lý di sản ở Thủ đô phải tìm ra hướng đi đúng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bằng nhiều cách khác nhau, những năm qua, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã "cứu" hàng trăm di tích thoát khỏi tình trạng xuống cấp nghiêm trọng hoặc biến mất, làm "sống lại" nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống. Quá trình bảo tồn diễn ra đồng thời với việc khai thác giá trị di sản mà nhờ đó, đến nay, những di sản tiêu biểu như Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Gióng, Khu di tích Cổ Loa… trở nên quen thuộc đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác, đang phải đối mặt với thách thức không nhỏ.

Bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị DSVH nói: "Chúng tôi đã nhận dạng một số thách thức đối với DSVH phi vật thể (PVT) trên địa bàn Hà Nội. Đó là sự mai một của loại hình di sản truyền khẩu, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn và tập quán xã hội. Số người thực hành di sản ngày một ít đi, nguồn lực cho công tác quản lý di sản vừa thiếu vừa yếu, nguồn tài chính hỗ trợ cộng đồng phục hồi, bảo tồn và trao truyền di sản vừa ít, vừa không thường xuyên… Lo ngại hơn, việc thực hành một số DSVH PVT đang bị hành chính hóa, nhà nước hóa, nhất là DS lễ hội. Thực trạng này không hẳn do lỗi quản lý, mà do sự nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ".

Nhận thức kém có thể dẫn tới hệ lụy khó lường. Thời gian qua, nhiều di tích đã xếp hạng ở huyện Phúc Thọ như đình Võng Ngoại (xã Võng Xuyên), Ngọc Tảo (xã Ngọc Tảo), Thanh Đa (xã Thanh Đa), Tam Hiệp (xã Tam Hiệp)… đã bị mất toàn bộ hồ sơ, gây khó khăn cho công tác quản lý, tu bổ. Miếu Phương Độ (xã Phương Độ), đền Vũ Lâm (xã Long Xuyên), chùa Ân Phú (xã Xuân Phú)… bị mất gần hết di vật, cổ vật; giá trị lịch sử, văn hóa giảm hẳn. Ở quận Hoàn Kiếm, trong khu vực bảo vệ I của 19 di tích đã xếp hạng vẫn còn sự hiện diện của 98 hộ dân với 408 nhân khẩu, 10 cơ quan, đơn vị, trường học và 5 cửa hàng; 57 di tích đã biến dạng hoàn toàn, không còn yếu tố thờ tự… "Những năm gần đây, quận Hoàn Kiếm luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH và thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, ở nơi đất chật, người đông, giá cả đắt đỏ như Hoàn Kiếm, việc giải phóng mặt bằng để trả lại không gian vốn có cho di tích chưa bao giờ là điều dễ dàng", ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di sản của Việt Nam được nhiều du khách tới tham quan. Ảnh: Viết Thành


Huy động sức mạnh tổng hợp

Theo Cục trưởng Cục DSVH (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Thế Hùng, ngành văn hóa Hà Nội cần xây dựng trung tâm dữ liệu về DSVH, thường xuyên tiến thành thanh tra, kiểm tra để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm đối với di sản, đồng thời đề cao vai trò giám sát của cộng đồng.

Trong khi đó, những ý kiến từ cơ sở, đặc biệt là từ những nơi làm tốt công tác bảo tồn, bao giờ cũng có ý nghĩa gợi mở kế sách phù hợp. Theo ông Nguyễn Huy Bái (Trưởng BQL Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng), muốn làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích thì trước hết, phải bảo đảm có được sự hài hòa các yếu tố nhân lực - chuyên môn - kinh phí và công tác quản lý. Nhân lực ở đây không chỉ là bộ máy quản lý, mà bao gồm cả cộng đồng. Chuyên môn không chỉ là kiến thức được đào tạo bài bản ở trường lớp, mà còn là kỹ năng, cách xử lý tình huống phát sinh. Kinh phí ở đây không đơn thuần là nguồn thu mang lại cho di tích, mà bao gồm cả nguồn lợi mà di tích có thể mang lại cho xã hội.

Đối với DSVH PVT, bà Lê Thị Minh Lý đề xuất, Hà Nội nên đưa 100 di sản vào danh mục ưu tiên, trong đó có 14 di sản cần được bảo vệ khẩn cấp; từng bước điều chỉnh, bổ sung và xây dựng cơ chế quản lý DSVH PVT trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng… Đó là đề nghị xác đáng được đúc rút từ thực tiễn. Chẳng hạn, như ý kiến của Phó BQL phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long, nhiều lễ hội trong khu phố cổ được khôi phục trong thời gian qua như Lễ hội vua Lê đăng quang, Lễ hội đền Bạch Mã, đền Phù Ủng, đình Yên Thái… là nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Theo Phó Giám đốc Sở VH,TT &DL Hà Nội Trương Minh Tiến, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP Hà Nội xây dựng các chủ trương, kế hoạch phù hợp, làm sao gắn trách nhiệm quản lý nhà nước với chính quyền các địa phương và cộng đồng dân cư. Trước mắt, Sở sẽ tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân di dời "hiện vật lạ" ra khỏi di tích; tập trung đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở; tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho DSVH…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long:

Để phát huy giá trị nhiều mặt của DSVH Thăng Long - Hà Nội thì ngoài việc xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn phù hợp, chúng ta cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc khôi phục những phong tục, tập quán tốt đẹp, những DSVH PVT và truyền thống thanh lịch của người Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng ta có thể xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Thủ đô, trong đó chú trọng khai thác và phát huy những giá trị tiềm năng, đặc sắc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cộng dồn” trách nhiệm quản lý, nâng cao ý thức cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.