Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản quyền tác phẩm văn học: Một nhánh mới đầy bỡ ngỡ

Hà Dương| 21/12/2014 04:41

(HNM) -

Có hay không vi phạm quyền nhân thân?

Những ngày qua, gia đình nhà văn Ngô Tất Tố, cụ thể là con gái và con rể nhà văn đã phản ứng về việc xuất bản hai cuốn sách này của Nhã Nam với ba nội dung: Vi phạm quyền thân nhân, in sai lỗi chính tả và "lộng ngôn" khi đề dòng chữ "Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ...". Nhóm làm sách và các đơn vị xuất bản cũng đã lần lượt trả lời trên truyền thông và mới nhất là tại cuộc tọa đàm diễn ra tối 17-12 vừa qua tại Hà Nội về ba nội dung này. Trong đó, Nhã Nam tiếp tục khẳng định không vi phạm quyền nhân thân (quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác phẩm). Hai ấn bản mà nhóm biên soạn và đơn vị này căn cứ để xuất bản là bản "Việc làng" của NXB Mai Lĩnh in năm 1940 và "Lều chõng" của NXB Mai Lĩnh năm 1941, theo Nhã Nam là khả tín nhất và ra đời vào lúc tác giả còn sống. Các bản tái bản của Nhã Nam không bị cắt sửa so với hai bản in này. Bên cạnh đó, đơn vị làm sách cũng khẳng định câu "Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ..." chỉ là một mẫu câu trong xuất bản nhằm ngăn chặn tình trạng sao chép, xâm phạm bản quyền đối với bản in cụ thể (ở đây là bản in năm 2014 của Nhã Nam). Với những lỗi sai chính tả, đơn vị này đã tiếp thu và nêu rõ sẽ kiểm tra sửa chữa khi tái bản...

Trong khi đó, đại diện gia đình nhà văn Ngô Tất Tố vẫn nêu quan điểm về việc bản in báo năm 1939 mới là bản chính thức và cho biết sẽ tiếp tục công bố những tài liệu chứng minh bản in nào là bản in "nguyên gốc chuẩn mực"...

Ở đây, xin không đi sâu vào kết quả của cuộc tranh luận này mà xin nêu ra những vấn đề rất cần được quan tâm đã đặt ra từ cuộc tranh luận nêu trên. Đó là những căn cứ nào để xác định một bản in chuẩn khi tác giả đã qua đời? Mối quan hệ giữa những nhà nghiên cứu, đơn vị xuất bản sách với gia đình các nhà văn quá cố như thế nào? Việc giữ gìn khai thác nguồn văn học chữ quốc ngữ đặc biệt trong thời kỳ rực rỡ như giai đoạn 1930-1945 ra sao...?

Thiếu vắng nghiên cứu văn bản học về văn học quốc ngữ

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, người tham gia nhóm biên soạn bộ sách "Việt Nam danh tác" nêu rõ: Mỗi lần tái bản là mỗi lần tìm ra dị bản. Và các bản in này là đối tượng nghiên cứu của các nhà văn bản học. Tuy nhiên, ở ta hiện nay các tác phẩm văn học chữ quốc ngữ hầu như chưa trở thành đối tượng của nghiên cứu văn bản học. Viện Văn học thành lập từ năm 1960 đến nay nhưng chưa có dự án nào về nghiên cứu văn bản quốc ngữ... Đây chính là khó khăn đầu tiên cho những người làm xuất bản khi muốn khai thác những tác phẩm văn học nói chung và giai đoạn 1930-1945 nói riêng. Ngay như tiểu thuyết "Giông tố" của Vũ Trọng Phụng mỗi chương sách đã có thể tìm thấy từ 20 đến 50 dị bản khác nhau. Vậy việc xác định, lựa chọn bản nào phải cần đến sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu văn bản học.

Tại buổi tọa đàm về bộ sách tối 17-12, TS văn học Trần Ngọc Hiếu cũng nêu "Không chỉ có văn học dân gian mới có dị bản. Và nghiên cứu văn bản học là một lĩnh vực rất thú vị...". Nhiều ý kiến của một số nhà nghiên cứu khác cũng khẳng định bản in của các tác phẩm trong "Việt Nam danh tác" (đến nay đã có 14 cuốn văn xuôi gồm tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn, phóng sự) không phải là bản in khẳng định giá trị duy nhất và vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện.

Những tranh cãi trên góp phần vỡ ra nhiều vấn đề về nghiên cứu văn bản học, xuất bản, chỉ tiếc là mặc dù quyền tác giả không còn theo luật định nhưng liệu có phải còn thiếu một động thái nào đó mang ý nghĩa tinh thần đối với gia đình nhà văn, có thể gây nên những căng thẳng như trên. Tuy nhiên, phía đơn vị xuất bản cho biết đều đã gặp gỡ trao đổi với gia đình các cố nhà văn trước khi xuất bản sách... Thiết nghĩ, đa số gia đình các cố nhà văn đều mong muốn tác phẩm của cha ông được tái bản một cách tốt nhất và đến được với công chúng rộng rãi. Bởi danh tác dẫu vang bóng thế nào cũng vẫn luôn cần vọng tới được muôn đời sau. Nói riêng gia đình nhà văn Ngô Tất Tố thì con gái và con rể nhà văn đều là những người làm công tác nghiên cứu, nhiều năm nay đã cho công bố những công trình đáng quý về các tác phẩm của cố nhà văn. Hội Nhà văn Việt Nam hiện đã có riêng một bảo tàng văn học, trong đó việc sưu tầm lưu giữ để khai thác công trình của các nhà văn, đặc biệt là lớp nhà văn đã mất là một nội dung lớn và đặc biệt quan trọng.

Vì vậy, không chỉ đối với xuất bản mà cả ở khâu lưu giữ, khai thác dưới nhiều hình thức khác, nếu như có được những cuộc trao đổi giữa gia đình các nhà văn với các đơn vị trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết pháp luật và hỗ trợ lẫn nhau thì độc giả, những nhà nghiên cứu sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất.

Cuối cùng, nếu có thêm những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này thì cũng không phải là không cần thiết!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bản quyền tác phẩm văn học: Một nhánh mới đầy bỡ ngỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.