Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở cải lương "Mai Hắc Đế": Nổi bật bài học bảo vệ Tổ quốc

An Nhi| 26/01/2015 06:47

(HNM) -

Tạo hình của các nghệ sĩ trong vở Mai Hắc Đế.


"Chuyện tình Khau Vai" thuộc dạng kịch bản sân khấu đầu tay, được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng vào cuối năm 2013, đã tạo nên cú "sốc" của cải lương phía Bắc. Vở diễn không chỉ được khán giả miền Bắc thừa nhận, mong chờ từng suất diễn mà khi du Nam, tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, như người ta nói là "thánh địa" của cải lương, nó đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Trong hành trình tìm kiếm kịch bản hay, đồng thời được sự tin tưởng của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, năm nay Nhà hát Cải lương Việt Nam tiếp tục chọn kịch bản "Mai Hắc Đế" và quyết định đầu tư lớn cả về nhân lực và kinh phí để tạo nên một vở diễn tầm cỡ trong năm 2015. Đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên lại được giao dàn dựng tác phẩm.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ ấp ủ đề tài này từ rất lâu bởi cũng như nhiều người Việt Nam khác, ông luôn cảm phục tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí giành độc lập tự do, tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc của Mai Hắc Đế. Xuất thân từ dân nghèo, bằng tài trí tuyệt vời, Mai Thúc Loan đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai, tạo nên trang sử oai hùng trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta.

Trong kịch bản, TS Nguyễn Thế Kỷ không giấu tham vọng tái hiện cuộc đời Mai Hắc Đế kể từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, lãnh đạo công cuộc chống giặc ngoại xâm, giành độc lập và xưng đế. Trong đó, điểm nhấn được tác giả khắc họa nổi bật là cuộc khởi nghĩa cách nay 1.300 năm, quy tụ hơn 40 vạn nghĩa binh. Điều này rõ là đã "làm khó" đạo diễn Triệu Trung Kiên cùng ê kíp sản xuất. Lâu nay, với những đề tài này, sân khấu vẫn diễn theo lối ước lệ, giờ muốn cho khán giả hình dung rõ quy mô của một cuộc khởi nghĩa thu hút bằng ấy con người mà chỉ dùng 40-50 diễn viên thì không thể tạo ra hiệu quả. Thế nên, đạo diễn đã chọn cách sử dụng màn hình led, cho chiếu những hình ảnh minh họa hòa hợp với diễn xuất của diễn viên trên sân khấu để tạo hiệu ứng cảm thụ tối đa cho người xem.

Khi dựng một tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử, cái khó nhất là làm sao để tác phẩm bớt khô khan. Với "Mai Hắc Đế", người xem có thể nhận ra sự phối hợp hiệu quả giữa tác giả và đạo diễn trong xử lý vấn đề này. Giống như tác phẩm đầu tay, "Mai Hắc Đế" rất rõ chất thơ, khi chuyển thể cải lương hầu như chỉ cần ghép nhạc là đủ, ít khi phải soạn lại lời. Những lời ca ngọt ngào, tình cảm tràn ngập trong vở diễn cộng với thủ pháp nghệ thuật trữ tình được đạo diễn chú trọng sử dụng, tạo nên những phân cảnh làm người xem xúc động.

Hầu hết diễn viên của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã được huy động cho vở diễn này, tổng cộng khoảng 150 người. Trong đó, những vai chính được giao cho những "giọng ca vàng" của nhà hát như Quang Khải, Minh Lý, NSƯT Vương Hà. Trước sức ép diễn xuất thường thấy ở một vở diễn lớn được kỳ vọng, dàn diễn viên này đã phải tập trung cao độ và chịu khó chịu khổ để có thể vào vai tốt nhất. Như nghệ sĩ Quang Khải chia sẻ, lịch tập luyện vất vả là thế nhưng anh vẫn phải bảo đảm chế độ ăn để làm sao tăng được 5kg, khi vào vai giúp cho hình ảnh Mai Hắc Đế được khỏe khoắn. NSƯT Vương Hà đã lui về hậu trường nhiều năm, nay đã quyết định trở lại để nhận vai Bạch Vân - một vai diễn đòi hỏi tài diễn xuất đủ để lột tả nội tâm nhân vật...

Khán giả được xem miễn phí các buổi công diễn đầu tiên của vở "Mai Hắc Đế", vé mời nhận tại Nhà hát Cải lương Việt Nam (164 Hồng Mai, Hà Nội). Sau đó, vào tháng 3, "Mai Hắc Đế" sẽ được lưu diễn tại Nghệ An.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vở cải lương "Mai Hắc Đế": Nổi bật bài học bảo vệ Tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.