Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đặc biệt ít người: Cấp bách lắm rồi!

Minh Ngọc| 10/02/2015 06:38

(HNM) - Ngày 9-2, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thảo bàn giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người, gồm Brâu, Rơ-măm ở khu vực Tây Nguyên, Pu Péo (Hà Giang), Ơ đu (Nghệ An) và Sila ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

Bản sắc đang bị đánh mất

Đại diện cho đồng bào dân tộc Sila ở Lai Châu, ông Pờ Chà Nga (60 tuổi) nói: "Điểm tiến bộ duy nhất chúng tôi thấy mừng là hôn nhân cận huyết thống của người Sila hầu như không còn, thay vào đó, người Sila nay đã lấy người của các dân tộc khác làm chồng, làm vợ, con cái sinh ra vì thế được khỏe mạnh hơn. Còn bản sắc văn hóa của chúng tôi đã và đang bị đồng hóa, biến dạng đến mức chính người Sila cũng giật mình. Trước đây, người dân Sila sống riêng biệt trên vùng núi cao, ở nhà chôn mái thấp, biết hát dân ca, dân vũ… Từ năm 1972 đến nay, người Sila ở Lai Châu sống theo làng xóm, cộng đồng dân cư dưới vùng thấp, ở nhà trệt lợp mái tôn và thế hệ trẻ hầu như không biết đến các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Tiếng nói theo đó cũng dần mai một, nhiều người nói tốt tiếng Kinh, ăn mặc như người Kinh. Đến cái nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con cũng không phải là nhà 4 gian, 3 cột truyền thống, mà là nhà cấp 4, lợp mái tôn, giống hội trường hội họp hơn điểm sinh hoạt văn hóa. Tình trạng này kéo dài, bản sắc văn hóa của dân tộc Sila sẽ mất hẳn".

Thiếu nữ dân tộc Pu Péo và Dao trong ngày hội.


Cùng chung băn khoăn như đại diện dân tộc Sila, đại diện dân tộc Rơ-măm cho biết, người Rơ-măm ở Tây Nguyên vốn có truyền thống dệt, may, nhưng hiện nay công cụ dệt may không còn, người biết dệt, may càng hiếm. Công cụ lao động để sản xuất, phát triển nông nghiệp vừa thiếu, vừa thô sơ, hạ tầng giao thông chưa phát triển, đi lại khó khăn nên việc trao đổi hàng hóa với bên ngoài gần như bế tắc. Những người con ưu tú của dân tộc được đi học, ra trường rất khó tìm được việc làm khiến cho cuộc sống, sinh hoạt văn hóa của người Rơ-măm vốn đã khó càng thêm khó. Còn đại diện dân tộc Pu Péo ở Đồng Văn (Hà Giang) trăn trở: "Dân tộc Pu Péo hiện chỉ có 737 người, cư trú trên địa bàn 4 huyện thuộc tỉnh Hà Giang. Bản sắc văn hóa của dân tộc là gì, bản thân người Pu Péo cũng khó có câu trả lời. Bởi, những thứ đặc trưng nhất như trang phục, ngôn ngữ, nhạc cụ đang mai một, trong khi nguồn kinh phí để khôi phục lại không nhiều".

Nhiều năm nghiên cứu về văn hóa các DTTS, PGS.TS Lê Ngọc Thắng (Viện Dân tộc học) cho rằng: Việt Nam có nhiều dân tộc cùng sinh sống là niềm tự hào, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc, làm đa dạng bức tranh văn hóa cho thế giới, nhưng đồng thời cũng đặt ra những trách nhiệm lớn đối với các cơ quan quản lý và đồng bào các dân tộc. Những năm qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm không nhỏ cả về vật chất và tinh thần cho đời sống đồng bào các DTTS nói chung, 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người kể trên nói riêng, song sự quan tâm ở một góc độ nào đó chưa toàn diện. Mặt khác, nhận thức của đồng bào các DTTS về việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa còn chưa đầy đủ nên khó tránh khỏi sự mai một, biến dạng hoặc mất đi.

Đồng bào phải là chủ thể văn hóa

Bàn giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa của 5 dân tộc ít người ở nước ta hiện nay, PGS.TS Lê Ngọc Thắng nhấn mạnh, muốn bảo tồn bản sắc văn hóa trước hết phải bảo tồn con người bằng cách tăng dân số, nâng cao chất lượng dân số các DTTS. "Con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng hưởng thụ văn hóa, trong khi đó số dân của các dân tộc đang vơi dần. Dân số giảm kéo theo nguy cơ mai một bản sắc văn hóa từ bên trong cộng đồng. Vì thế, nếu các cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến các giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc ít người mà không quan tâm đến việc duy trì, nâng cao chất lượng dân số thì mọi giải pháp đều khó khả thi", PGS.TS Lê Ngọc Thắng nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, PGS.TS Hoàng Nam (Viện Dân tộc học) kiến nghị, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các cơ quan chức năng nên coi mỗi đồng bào là một nhà khoa học vì không ai hiểu văn hóa của dân tộc họ bằng chính họ. "Người làm công tác quản lý có cái nhìn ở cấp vĩ mô. Người nghiên cứu có sự am hiểu về bề rộng nhưng thiếu chiều sâu. Khi nghiên cứu về bản sắc văn hóa một dân tộc cụ thể, giới nghiên cứu chúng tôi thường học đồng bào. Họ chỉ cho chúng tôi thấy rõ họ không chỉ sáng tạo ra văn hóa, mà còn gửi gắm tâm tư, tình cảm, ý tưởng, khát vọng, ước mơ trong các sản phẩm văn hóa đó. Khi hiểu rõ, các cơ quan quản lý, nhà khoa học và người dân sẽ có cái nhìn thống nhất về một vấn đề", PGS.TS Hoàng Nam khẳng định.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Vương Xuân Tình, Viện trưởng Viện Dân tộc học nhận định: Trước hết các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa của 5 dân tộc ít người càng kỹ càng tốt, sau đó xác định rõ thứ tự ưu tiên. Loại hình di sản cần được ưu tiên đầu tiên là ngôn ngữ, tiếp đến là trang phục, nhà cửa, dân ca, dân vũ, kiến trúc… Cũng theo PGS.TS Vương Xuân Tình, muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa 5 dân tộc ít người một cách bền vững, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nên gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch. Trên thực tế, Thái Lan đã rất thành công với mô hình này.

Lắng nghe ý kiến của những người có uy tín đại diện cho 5 dân tộc có số dân dưới 1.000 người và các nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn cho rằng, chính sách quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng, đúng hướng, cần được triển khai nhanh, không nhanh sẽ thành chậm. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại và đưa ra danh mục giá trị văn hóa cần được bảo tồn, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình, mục tiêu thực hiện cụ thể theo từng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đặc biệt ít người: Cấp bách lắm rồi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.