Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mong ước làm phim hoàn toàn Việt Nam

Hà Dương| 29/03/2015 06:45

(HNM) - Lê Lâm là đạo diễn điện ảnh Pháp, gốc Việt từng làm giám khảo Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ III (2014).



Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm, trong đó có phim tài liệu "Công binh - đêm dài Đông Dương" không chỉ trả lại tiếng nói bình đẳng cho những người lính thợ Việt Nam trong thời thuộc địa mà còn mang đến cho người xem những bất ngờ trong nghệ thuật điện ảnh tài liệu. Tháng 4 tới, phim "Công binh - đêm dài Đông Dương" sẽ được các đại học danh tiếng của Mỹ như Yale, Harvard, Temple mời để thảo luận...

Dịp này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với đạo diễn Lê Lâm về bộ phim cũng như mong muốn thúc đẩy điện ảnh Việt Nam của ông.

Đạo diễn Lê Lâm.


- Thưa ông, nguyên cớ nào khiến ông bắt tay làm phim tài liệu “Công binh - đêm dài Đông Dương”?

- Là người Việt du học, sống và làm việc ở Châu Âu đã khá lâu, tôi rất chú trọng đến việc bảo toàn uy tín của cộng đồng người Việt. Với địa vị một đạo diễn được biết rõ ở Pháp, tôi bao giờ cũng ưu tiên bản sắc Việt trong mọi lĩnh vực nghề nghiệp của mình. Trước tuyên bố năm 2005 ở Pháp về công nhận chính thức việc đóng góp tích cực của chính sách thực dân Pháp ở các thuộc địa cũ, tôi nghĩ phải trả lời nhận định sai lầm này bằng một bộ phim. Từ nguồn gốc các nghiên cứu sử học và các tư liệu khoa học nghiêm túc về lịch sử Đông Dương thời Pháp, tôi bắt tay vào viết kịch bản vào cuối năm 2009 và “Công binh - đêm dài Đông Dương”, khởi quay cuối năm 2010.

- Trong quá trình làm phim, điều gì khiến ông bất ngờ nhất về trang sử thấm nước mắt của một bộ phận người dân Việt Nam thời thuộc địa...?

- Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là trí nhớ nguyên vẹn của các bác lính thợ mà tôi gọi là “công binh” theo đúng thuật ngữ Bộ Lao động thuộc địa Pháp dùng. Dù các cụ đều hơn 90 tuổi, nhưng ai cũng nhớ rõ ngày nào, năm nào, tên tàu thủy nào, tên trại nào mà họ bị giam cầm và buộc lao động không lương bổng như nô lệ. Tuy nhiên, không có một bác nào trong 20 nhân chứng tôi gặp lại có một lời hận thù đối với nước Pháp. Họ đều hiểu rõ ai là người đẩy mình đến tình cảnh ấy. Ngay khi sống trên đất của đế quốc, các bác lính thợ cũng tranh đấu tích cực cho cách mạng và chống thực dân. Tôi thấy nể phục và tự hào vì mình là người Việt. Cũng vì lý do đó mà tôi thực hiện phim này cho con cháu chúng ta, nhất là thế hệ trẻ sinh sống ở nước ngoài thêm hiểu, tự hào về dân tộc mình.

- Phim tài liệu này đã được trình chiếu và đón nhận ra sao?

- Phim ra mắt khán giả tại 24 rạp của Pháp ngày 30-1-2013. Riêng tại thủ đô Paris chiếu trong 6 tháng. Và bây giờ vẫn tiếp tục được mời chiếu tại rạp ở địa phương hoặc các liên hoan phim (LHP), được các báo Le Monde, Liberation, l’Humanité, le Figaro khen ngợi.... Trước khi chiếu ở rạp, phim đã được tuyển dự chính thức ở rất nhiều LHP quốc tế nổi tiếng như Amsterdam, Pessac, Amiens, Hồng Kông, Sydney, Goterborg... với danh nghĩa phim của Pháp và đã đoạt nhiều giải thưởng hạng nhất tại LHP phim lịch sử Pessac, Amiens, Anaheim...

- Thưa đạo diễn, đây là phim tài liệu nhưng cách kể chuyện lại có nhiều yếu tố nghệ thuật, trong đó có việc sử dụng rối nước để tái hiện các sự kiện...?

- Tôi muốn kể một câu chuyện chân thực nhưng hấp dẫn và xúc động không phân biệt phim truyện hay tài liệu.

- Có thể thấy rõ màu sắc văn hóa Việt trong bộ phim tài liệu này của ông. Xin được hỏi quan điểm của ông về vấn đề tâm hồn Việt trong điện ảnh Việt hiện nay?

- Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy, tổng hợp các nghệ thuật khác. Đầu thế kỷ XXI ta đã thấy điện ảnh tích hợp luôn cả nghệ thuật kỹ thuật số. Tức là các môn xưa kia coi như là xa lạ nhất với nghệ thuật như toán học hay thống kê cũng hòa nhập vào ngôn ngữ điện ảnh. Phần hậu kỳ các phim bây giờ cần dùng rất nhiều hiệu ứng kỹ thuật số. Nhưng cái hại của nghệ thuật kỹ thuật số là làm con người lười đi. Không đọc sách, không tự nghiên cứu về khoa học, xã hội, văn học thì làm sao có những sáng tạo mới được. Paris là thủ đô điện ảnh quốc tế, mỗi tuần chiếu 400 phim khác nhau và ít nhất 10 phim mới ra thế giới. Gần như ngày nào tôi cũng coi ở rạp ít nhất 1 hay 2 phim. Vì vậy, các phim trong nước tôi có thể chỉ ra rất nhanh cảnh nào chép ở phim nào của nước ngoài. Hội nhập ngôn ngữ điện ảnh các nước khác vào văn hóa ta là làm nghệ thuật ta giàu và tiến bộ hơn, chứ “chép và dán” chỉ làm mình nghèo đi, làm mất tâm hồn dân tộc... Văn hóa trong điện ảnh không chỉ là hình thức, nội dung, đối thoại hay khái niệm của phim mà là cả ngôn ngữ điện ảnh. Vì văn hóa nằm ẩn ngay trong các cảnh phim mà đạo diễn thể hiện một cách vô thức trong phim.

- Vậy theo ông đâu là nội lực mà điện ảnh Việt cần khai thác?

- Điện ảnh Việt có tài năng, trí tuệ, văn hóa, kỹ thuật bắt đầu phát triển chẳng kém gì thế giới. Chỉ có điều là ta còn thiếu tự tin, dẫn đến thần thánh hóa và bắt chước không suy nghĩ mọi thứ của nước khác. Bên cạnh đó phát triển điện ảnh Việt cũng là bổn phận của Nhà nước. Phải có chính sách điện ảnh hẳn hoi thì mới phát triển điện ảnh quốc gia được.

- Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về công việc hiện nay?

- Tôi cũng đang thực hiện một số dự án làm phim nhưng chưa thể nói trước. Điều tôi muốn chia sẻ nhất là mong ước về nước quay một phim 100% Việt Nam, với diễn viên, nhà sản xuất Việt. Nếu thành công lúc đó mình mới tự hào là có một phim hoàn toàn Việt Nam.

- Cảm ơn đạo diễn và chúc ông sẽ có thêm nhiều thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mong ước làm phim hoàn toàn Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.