Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đạo diễn Đinh Thái Thụy nói về phim "Mỹ nhân": Vẫn còn nuối tiếc

Thảo Nguyên| 18/04/2015 07:31

(HNM) -

ĐD Đinh Thái Thụy chỉ đạo trên trường quay phim truyện nhựa Mỹ nhân



- "Mỹ nhân" là phim điện ảnh đầu tiên của anh trong vai trò đạo diễn. Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án này?

- Ba năm trước, khi nhà văn Văn Lê cho tôi đọc kịch bản của ông, tôi đã rất thích và thầm ao ước được đạo diễn "Mỹ nhân". Nói ao ước là bởi lẽ tôi biết Hãng phim Giải Phóng còn có những đạo diễn tên tuổi có thể đảm nhận bộ phim này. Sau này, quả thực là lãnh đạo hãng phim đã lần lượt giao cho vài người. Ai đọc kịch bản cũng thích, song vì những lý do riêng mà các đạo diễn đều không nhận làm. Kịch bản đến tôi là người thứ tư. Tôi đã không ngần ngại thử sức, nhất là khi những đề nghị về chuyên môn của tôi được lãnh đạo hãng phim chấp thuận.

- Thực hiện một phim lịch sử có yếu tố dã sử ở Việt Nam thực sự là thách thức đối với các nhà làm phim, với anh chắc hẳn cũng vậy?

- Rõ là có nhiều áp lực, đặc biệt là thời gian chuẩn bị cho khâu tiền kỳ và thực hiện thu hình hơi gấp gáp. Nhưng, tôi tự tin trước cơ hội này vì nhận được sự cố vấn nghệ thuật từ đạo diễn - NSND Đào Bá Sơn, người thầy mà tôi có dịp sát cánh trong vai trò phó đạo diễn khi làm phim "Long Thành cầm giả ca"; bên cạnh đó là sự hưởng ứng của một êkíp chuyên nghiệp...

- Cụ thể thì anh đã chuẩn bị làm phim như thế nào?

- "Mỹ nhân" được dựng trên nền bối cảnh lịch sử thời Trịnh - Nguyễn, đời chúa Nguyễn Phúc Tần bắt đầu từ lúc còn là Thế tử rồi lên ngôi cho đến suốt quá trình trị vì (1648-1687). Khó lắm, vì kiến trúc dinh, phủ cùng trang phục và các đạo cụ liên quan đều rất hiếm, có thể nói là hầu như không còn; về sử liệu thì cũng không được phong phú như các triều đại khác. Một nhà nghiên cứu nói, làm phim này đỡ bị "soi" khắt khe vì không còn quá nhiều dữ liệu để đối chiếu, nhưng thách thức lớn là phải làm sao để chuyển tải không gian thời Chúa Nguyễn một cách mộc mạc và có nét riêng so với các triều đại trước và sau này. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu sử liệu, tham khảo ý kiến của các nhà sử học, dày công phục chế, dàn dựng lại gần như toàn bộ bối cảnh.

- "Mỹ nhân" hẳn cũng có vài chiêu thức để làm "mềm hóa" một tác phẩm thuộc đề tài lịch sử?

- Đây là bộ phim chính sử, được phát triển và hư cấu dựa trên những sự kiện có thật còn lưu trong sử liệu. Chúng tôi không chủ trương khai thác sâu yếu tố chiến tranh Nam - Bắc mà chỉ nhấn vào ba trận đánh, nhằm tạo chất hành động cho phim. Những cảnh được xem là "gia vị" tất yếu trong chuyện tình của các nhân vật cũng được khai thác chừng mực, hợp lý.

- Dư luận rất chú ý vào các dự án phim do Nhà nước tài trợ, đặt hàng. Anh có điều gì muốn chia sẻ lúc này?

- Cũng cần phải có cái nhìn công tâm hơn khi nhận xét. Thực tế, không phải đề tài phim nào cũng đáp ứng được nhu cầu của tất cả khán giả; ngược lại, không phải ai cũng có thể cảm thấy hứng thú với tất cả các bộ phim, chưa kể dòng phim chính sử rõ ràng là kén người xem. Tất nhiên, không thể vin vào những yếu tố khách quan để biện minh cho một bộ phim được ra đời dựa trên cách làm dễ dãi hay cẩu thả.

- Kinh nghiệm của anh rút ra sau khi làm "Mỹ nhân" là gì?

- Với "Mỹ nhân", tôi vẫn còn những điều phải tiếc nuối, phải trăn trở. Lịch sử Việt Nam có rất nhiều sự kiện để điện ảnh có thể khai thác, nhưng hiện tại, dòng phim cổ trang của chúng ta vẫn đang phải chuyển động trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề. Những khó khăn, những thách thức đó, dẫu có nói ra cũng chỉ để nói mà thôi bởi lẽ, với điện ảnh thì khán giả cần thấy hơn là cần nghe...

- Cảm ơn anh và chúc anh thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo diễn Đinh Thái Thụy nói về phim "Mỹ nhân": Vẫn còn nuối tiếc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.