Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những bức ảnh đắt giá “Đường xuân chiến dịch 1975” lần đầu giới thiệu tới công chúng

Hoàng Quyên| 25/04/2015 15:37

(HNMO) – Gần 100 bức ảnh đắt giá của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành ghi lại bước chân thần tốc của quân và dân ta trong cuộc tổng tấn công năm 1975 thống nhất đất nước đã được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày và tổ chức khai mạc vào sáng nay (25-4). Trong đó, có 80% là bức ảnh lần đầu tiên giới thiệu với công chúng.

Nhà báo Đinh Quang Thành tặng toàn bộ bức ảnh tại triển lãm cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (ảnh VOV)


Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam; nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành khai mạc triển lãm ảnh “Đường xuân chiến dịch 1975”.

Là phóng viên thời sự của Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo Đinh Quang Thành đã bám sát những bước chân thần tốc của các chiến sỹ, ghi lại hàng nghìn bức ảnh, tư liệu quý về các chiến dịch, trải dài từ Bắc vào Nam, đặc biệt là thời khắc của quân đội ta tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc Lập.

Triển lãm “Đường xuân chiến dịch 1975”, giới thiệu gần 100 bức ảnh trong hàng nghìn bức ảnh, tư liệu của ông, với 4 nội dung: Triển lãm “Đường xuân chiến dịch 1975” với 4 nội dung: Hành trang đi chiến dịch; Giải phóng Huế - Đà Nẵng; Tiến về Sài Gòn và Đất nước trọn niềm vui, tái hiện trung thực chiến thắng lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của dân tộc. Trong đó, có tới 80% bức ảnh lần đầu được giới thiệu tới công chúng.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành kể lại rằng: "Ngày 26/3/1975, khi đang công tác tại Hải Phòng, nhận được thông báo từ cơ quan, tôi gấp rút trở về Hà Nội. Về tới nơi, ba lô, quần áo, súng ống và các dụng cụ tác nghiệp đều đã chuẩn bị trước, xe ô tô chờ sẵn đợi giờ xuất phát. Không có nhiều thời gian, tôi chỉ kịp thông báo với vợ mang hai đứa con sinh đôi khi đó mới hơn 5 tuổi đến để gặp giây lát trước khi lên đường. Vì chiến tuyến đang sôi sục, tôi chỉ kịp dặn dò vợ, ôm 2 con vào lòng trong vài giây ngắn ngủi, chẳng kịp để vợ lưu luyến, bịn rịn. Thời khắc đó, con người ta không thể nghĩ suy nhiều thứ quá bởi không khí đất nước, chiến tranh đang vô cùng khẩn trương”…

Tại triển lãm, người xem có thể gặp lại những bức ảnh nổi tiếng của ông như: “Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất”; Sư đoàn 304 đã trao lá cờ truyền thống cho Trung đoàn 66 Anh hùng thuộc Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn II để cắm trên nóc Dinh Độc Lập, nhân dân Sài Gòn tập trung tại cổng Dinh Độc Lập đón bộ đội vào giải phóng thành phố, hay bức ảnh chụp vào sáng 2-5-1975 về Đại tướng Văn Tiến Dũng – Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo quốc tế tại Dinh Độc Lập, giới thiệu toàn bộ diễn biến cuộc Tổng công kích giải phóng Sài Gòn…

Bức ảnh mà nhà báo Đinh Quang Thành chụp Trung tướng Phạm Xuân Thệ và Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 khi đang họp tác chiến xác định mục tiêu đánh vào Sài Gòn. Điều đáng nói ở bức ảnh này là Trung tướng Phạm Xuân Thệ cùng các đồng đội họp tác chiến bằng chiếc bản đồ do nhà báo Đinh Xuân Thành tặng. Trong triển lãm "Đường xuân chiến dịch 1975" bức ảnh này đã được nhà báo Đinh Xuân Thành tặng lại trung tướng Phạm Xuân Thệ.


Trong buổi khai mạc triển lãm, Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng có mặt để chia vui với nhà báo Đinh Quang Thành. Trong cuộc tổng tấn công năm 1975, Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi ấy là Đại úy Trung đoàn phó Trung đoàn 66, sư đoàn 304, quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Nhà báo Đinh Quang Thành đã chụp bức ảnh cuộc họp của Ban chỉ huy Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 (trong đó có Trung tướng Phạm Xuân Thệ) xác định các mục là tiêu Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân của quân đội ngụy Sài Gòn. Sau này, tại buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Đinh Xuân Thành cũng đã trao tặng Trung tướng Phạm Xuân Thệ bức ảnh lịch sử này.

Triển lãm sẽ mở cửa đón khách từ ngày 25/4/2015 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

* Một số bức ảnh của nhà báo Đinh Quang Thành được trưng bày tại triển lãm:

Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất

Sư đoàn 304 đã trao lá cờ truyền thống cho Trung đoàn 66 anh hùng thuộc Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 để cắm trên nóc Dinh Độc Lập

Nhân dân Sài Gòn tập trung tại cổng Dinh Độc Lập đón bộ đội vào giải phóng thành phố

Xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập cùng xe tăng 843 do Trung úy Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập) tiến vào án ngữ ngay trước thềm Dinh

Các chiến sĩ của xe tăng 843

Máy bay chở quân ngụy Sài Gòn bị bắn rơi trên đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn vào sáng 30-4

Quân ngụy cởi bỏ trang phục ngụy, đầu hàng tại Dinh Độc Lập vào ngày 30-4

Ngày 2-5-1975 Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức họp báo quốc tế tại Dinh Độc Lập, giới thiệu toàn bộ diễn biến cuộc Tổng công kích giải phóng Sài Gòn

Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong giới học sinh, sinh viên bị địch bắt đầy ra Côn Đảo đã cùng các chiến sĩ cách mạng phá các trại giam, trở về Sài Gòn ngay trong ngày 2-5-1975.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những bức ảnh đắt giá “Đường xuân chiến dịch 1975” lần đầu giới thiệu tới công chúng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.