Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về những ồn ào quanh tiểu thuyết dán nhãn “ngôn tình”

Thi Thi| 24/05/2015 06:39

(HNM) - Một thời gian sau khi quyết định tạm dừng đăng ký xuất bản dòng sách



Bài viết dưới đây không đi sâu phân tích các thể loại, những hay, dở của dòng "ngôn tình" - điều mà những người đọc quá rõ, và ngay cả người chưa đọc cũng có thể dễ dàng tìm hiểu. Thông qua ý kiến của nhiều nhà văn, bạn đọc, chuyên gia, người viết mong cùng độc giả đề cập được nhiều hơn những vấn đề của văn hóa đọc, xuất bản...

Hai trong số các cuốn sách ngôn tình bị nhắc nhở, xử phạt.


Một khái niệm được “biến tấu”

Thật ngạc nhiên nhưng cũng thật dễ hiểu khi công văn của Cục Xuất bản - In và phát hành được gửi các NXB thì các diễn đàn đều ngầm cho rằng nội hàm dòng "ngôn tình" ở đây là những cuốn tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường. Ngạc nhiên vì tiểu thuyết lãng mạn đã ra đời dường như từ lâu trong lịch sử văn học thế giới, và đương nhiên không phải là độc quyền của văn học Trung Quốc. Trò chuyện với Báo Hànộimới, nhà lý luận phê bình văn học trẻ Ngô Hương Giang (Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Dòng văn học lãng mạn khởi phát từ Châu Âu, cụ thể là Pháp, trong đó những gì dữ dội nhất mà ngôn tình Trung Quốc đề cập thì văn học Châu Âu cũng đã khai thác rồi. Tất nhiên, chưa bàn đến giá trị tư tưởng và chất lượng tác phẩm ở đây.

Theo đúng ngôn ngữ của chuyên gia, "ngôn tình" được coi là một diễn ngôn (một lối thể hiện) của tiểu thuyết thì đương nhiên nó tồn tại bình đẳng như các dòng văn học khác. Nó có những tác phẩm chất lượng cao trong giới hạn đặc điểm thể loại của nó và cũng có những thứ khó chấp nhận, ăn theo. Vậy thì, nếu như có ý kiến cho rằng công văn của cơ quan quản lý "cấm" xuất bản ngôn tình cũng lại là một suy diễn thái quá. Tạm dừng đăng ký, rà soát, xử lý các đầu sách "vô bổ, tuyên truyền lối sống trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam" là hợp lý. Chỉ có điều, động thái này cũng phản ánh tình trạng lâu nay trong hoạt động xuất bản của ta là vẫn nặng về xử lý phần ngọn. Sách ra chán chê rồi mới có sửa chữa, thu hồi, thậm chí vẫn còn nhiều cuốn độc hại mà chưa bị rờ tới. Chưa kể, đâu phải chỉ "ngôn tình", nhiều dòng sách khác cũng đầy "thảm họa".

Một khi các NXB còn chưa được tháo gỡ những khó khăn về cơ chế hoạt động, đội ngũ biên tập viên còn mướt mồ hôi chạy định mức giấy phép thay vì chuyên tâm làm bà đỡ, một khi các đối tác chỉ lăm lăm kinh doanh thì... nguy cơ trà trộn những thứ phản văn hóa hoặc vô bổ ở tất cả các dòng sách sẽ có thể còn tiếp diễn. Một đơn vị phát hành tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc cũng thừa nhận: Tác phẩm "ngôn tình" bên cạnh việc giải trí cũng có nhiều vấn đề mà người biên tập phải tinh ý và nhạy cảm để xử lý. Hợp đồng bản quyền phải chú ý tới những điều khoản bảo đảm bên mua bản quyền được cắt bỏ, biên tập những nội dung trái với thuần phong mỹ tục.

Một góc nhìn của ngôn ngữ và văn hóa đọc

Có một điểm còn ít được đề cập khi nói tới ngôn tình Trung Quốc là sự xâm nhập một cách "tự nhiên" và "có chủ ý" của một hệ thống ngôn ngữ mới lạ tới bạn đọc mà đa phần là giới trẻ. Về vấn đề này, nhà ngôn ngữ Nguyễn Xuân Hòa, Hội ngôn ngữ học Hà Nội, chia sẻ: Hầu như mới có những phát biểu riêng lẻ, chứ giới ngôn ngữ học cũng chưa có nghiên cứu cụ thể về những tác động của hiện tượng này trong văn học, đời sống... Nhà văn DiLi khẳng định: Truyền bá ngôn ngữ là truyền bá văn hóa. Đọc truyện đừng nghĩ là giải trí đơn thuần, đó là sự hình thành tư duy. Từ yêu thích truyện tranh Nhật, trẻ con đang chuộng đồ Nhật trong mọi hoạt động hằng ngày. Hơn 20 năm qua, chưa bao giờ giá sách văn học thu hẹp khủng khiếp như hiện nay. Trong đó, đặc biệt là 4 năm gần đây, sách "ngôn tình" chủ yếu của Trung Quốc chiếm đến hai phần ba. Rất nhiều học sinh cấp hai đang đọc sách ngôn tình Trung Quốc...

Tuy nhiên, về vấn đề này, nhà lý luận phê bình Ngô Hương Giang lại có cái nhìn lạc quan hơn, và cho rằng: Ngôn ngữ có tính tiếp biến và khả năng tự chọn lọc. Bản thân ngôn ngữ là lớp vỏ để chuyển tải tư duy, nó đã từng được "văn hóa hóa" trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những gì thuộc về giải trí nhất thời, không phù hợp sẽ tự đào thải hoặc sẽ được thay đổi với một nội hàm khác bên trong lớp vỏ cũ. "Ngôn tình" cũng phản ánh một câu chuyện lớn hơn sau vấn đề thể loại là văn hóa đọc. Có ý kiến cho rằng: Có nền tảng văn hóa, có kỹ năng đọc thì chả cứ "ngôn tình" mà bất cứ sách gì cũng có thể tiếp nhận được cái hay, gạn được cái dở. Hay như nhà văn Trang Hạ từng chia sẻ với truyền thông: Nếu như sách "ngôn tình" chiếm 5% thời gian đọc thì không sao, còn nếu như chiếm 100% những gì bạn đọc thì là thảm họa. Lại nhớ đến câu nhà văn Phan Việt đã nói, đại ý: Đọc sách thì nên tìm những cuốn "khó" hơn so với hiểu biết của mình để tự mình vượt lên những tầm tư tưởng mới. Điều này có lẽ giống với quan điểm của Joubert, trích trong cuốn "Tôi tự học" của học giả Nguyễn Duy Cần: "Ta không bao giờ trở nên thông thái được nếu chỉ chịu đọc hay chịu học những gì ta ưa thích mà thôi"...

Vì lẽ ấy, trong mọi trường hợp, nhất là khi NXB không làm tốt vai trò "bộ lọc" thì bạn đọc sẽ phải làm "người tiêu dùng thông minh" và phụ huynh sẽ phải biết con mình thực sự đang đọc gì, đọc như thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về những ồn ào quanh tiểu thuyết dán nhãn “ngôn tình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.