Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu thiếu nhi: Nhiều sức hút, thiếu dài hơi

An Nhi| 25/05/2015 06:53

(HNM) - Mùa diễn cho thiếu nhi đang đến, sân khấu Hà Nội náo nhiệt và tươi trẻ hơn nhiều. Ngoài những chương trình tạp kỹ có sức hấp dẫn bởi công nghệ hiện đại hay yếu tố quốc tế, nếu sân khấu thiếu nhi xây dựng được những câu chuyện dài hơi thì sẽ tác động sâu hơn tới các em nhỏ sau sự thích thú.


Sự vào cuộc những năm gần đây của các đơn vị tư nhân trong mùa sân khấu thiếu nhi bằng những chương trình tạp kỹ đầu tư mạnh về công nghệ cũng đã kích thích các đơn vị công lập phải vận động hơn. Sự cạnh tranh giữa hai khối năm nay xem ra khá mạnh mẽ, đem đến tín hiệu vui cho các em nhỏ.


Nhà hát Tuổi trẻ không hổ danh là đơn vị đi đầu việc cuốn hút thiếu nhi đến với sân khấu, năm nay dàn dựng vở kịch vui "Dế Mèn phiêu lưu ký" phóng tác từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài. Vẫn bám sát câu chuyện về chuyến phiêu lưu của chú Dế Mèn đầy nghị lực, dũng cảm thực hiện ước mơ: "Hòa bình và chính nghĩa, muôn loài đều là anh em một nhà", nhưng vở kịch mang đậm ngôn ngữ vui nhộn hiện đại, không thiếu những màn nhảy nhót sôi động với những điệu chế vui từ các tiết mục đang được ưa chuộng. Đặc biệt trong đó sử dụng "phong cách mới" của Nhà hát Tuổi trẻ: Sự tương tác, đưa khán giả tham gia vào vở diễn. Điều này thể hiện ngay trong buổi tổng duyệt. Suốt hơn một giờ, sân khấu và khán đài không có khoảng cách, khán giả nhí tham gia reo hò, thưa dạ vâng, mách lẻo và nhảy nhót cùng dàn diễn viên. Nhiều em đến sớm còn được chính các diễn viên hóa thân vào các nhân vật đón từ ngoài cửa, trò chuyện thêm về "nhà Dế", cũng là một sự "lạ" của sân khấu.

Nhà hát Kịch Việt Nam chọn diễn hẳn một vở cho thiếu nhi dài đến cả giờ, là "Chuyện chàng dũng sĩ" đã được giải xuất sắc tại Liên hoan sân khấu ASEAN - Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Nói về người anh hùng Đam San của dân tộc Ê-đê ở Tây Nguyên thể hiện bằng ngôn ngữ nhạc kịch, kết hợp diễn, thoại, hát, nhảy múa, "Chuyện chàng dũng sĩ" hợp với thiếu nhi bởi cách dàn dựng của NSƯT Anh Tú không hề lên gân, lại có khá nhiều tình tiết vui nhộn, dí dỏm. Vở diễn lồng được rất nhiều sắc thái hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên như tiếng cồng chiêng, những điệu nhảy múa phóng khoáng đặc trưng… ít nhiều hình thành tư duy văn hóa trong khán giả.

Nhà hát Múa rối Việt Nam năm nay chọn một phần hấp dẫn nhất của tác phẩm "Tây du ký" để xây dựng chương trình phục vụ thiếu nhi: "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh". Vở diễn gồm những phân đoạn đánh Bạch Cốt Tinh khác nhau để các em không thấy nhàm chán nhưng lại liền mạch trong câu chuyện chiến đấu với kẻ ác có nhiều bộ mặt phải linh hoạt và tìm sự ứng phó.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam mở ra một thế giới sinh động trong mùa hè này bằng vở kịch xiếc "Rừng xanh và muông thú". Một câu chuyện liền mạch về cậu bé sống hoang dã trong rừng xanh, trải qua nhiều sự kiện kỳ thú với muông thú được các nghệ sĩ khéo léo thể hiện bằng những tiết mục xiếc đu dây, uốn dẻo, tung hứng, xiếc thú (gấu, voi, chó, khỉ…) giàu kỹ thuật và vui nhộn…

Khối tư nhân cho thấy họ rất nhanh nhạy và chịu đầu tư. Họ tổ chức các chương trình tạp kỹ đặc sắc, như Đông đô show mời nhóm ảo thuật bay Nhật Bản nổi tiếng thế giới "Zen Magic" đến biểu diễn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thực hiện liveshow của quán quân "Giọng hát Việt nhí" Thiện Nhân, cô gái rất được yêu mến nhưng hiếm khi bước lên sân khấu do còn tập trung học tập, Ths Tuyết Minh của Đoàn múa Khám phá làm chương trình gồm những tài năng múa nhí mang tên "Thế giới cổ tích"… Khối này cũng có những chương trình sân khấu vừa dài, vừa hay chẳng kém các đơn vị công lập. Như chương trình "Vương quốc hoạt hình" do nghệ sĩ Xuân Bắc dàn dựng với mong muốn: "Trẻ em được tiếp nhận kiến thức từ những nhân vật hoạt hình "hot" thông qua nghệ thuật sân khấu sẽ hữu ích hơn". Anh còn kết hợp với nghệ sĩ Tự Long làm tiếp chương trình "Bí mật chuyện kể" về cuộc chiến giữa học sinh ngoan và Ngưu Ma Vương nếu không kiên định, dũng cảm, mưu trí sẽ không thể chiến thắng hoàn toàn.

Nhìn tổng thể thấy rằng, sân khấu cho thiếu nhi phía Bắc năm nay đã nhộn nhịp và có nhiều sức hút hơn, nhưng vẫn thấy thiếu một sự dài lâu, ăn sâu. Điều này đâu chỉ ở việc cứ dựng những vở diễn thời lượng dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu thiếu nhi: Nhiều sức hút, thiếu dài hơi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.