Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng chuyện ứng xử với tục hiến sinh

Mai Hoa| 03/07/2015 06:38

(HNM) - Sáng 2-7, Bộ VH-TT&DL tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015 tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Khẳng định sự tiến bộ rõ rệt trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội 6 tháng đầu năm, nhưng có rất nhiều vấn đề được các đại biểu

Dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ở nhiều lễ hội. Ảnh: Giang Sơn



Những điểm sáng đáng ghi nhận

Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/TƯ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 229/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội đã tạo định hướng để các ngành, các cấp tập trung làm tốt công tác quan trọng này. Chính vì vậy, không thể phủ nhận những điểm sáng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm. Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy phân tích: "Từ lễ hội quy mô quốc gia đến các lễ hội nhỏ phạm vi làng, xã, phần lễ đã được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm. Việc quản lý thu chi tiền công đức, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quy hoạch hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực, giảm thiểu tình trạng đổi tiền lẻ công khai cũng như tình trạng ép giá, cờ bạc trá hình…".

Cùng chung quan điểm, Chánh Thanh tra Bộ Vũ Xuân Thành đánh giá: "Qua kiểm tra, có thể thấy tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng được khẳng định. Các khu di tích và nơi tổ chức lễ hội, sự tham gia của các doanh nghiệp cũng tăng tính chuyên nghiệp lên nhiều, việc phục vụ du khách được thực hiện rất tốt. Ví như ở Tây Thiên, mô hình BQL lễ hội, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phối hợp tổ chức lễ hội rất hiệu quả. Việc không đổi tiền lẻ trong khuôn viên di tích được làm tốt, cho thấy miễn là có sự đồng lòng giữa chính quyền địa phương và các đơn vị hữu quan, việc dù khó đến mấy cũng có cách giải quyết".

Không để ảnh hưởng cả cộng đồng lớn!

Vấn đề nổi cộm nhất trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm chính là việc một số địa phương tổ chức hội làng còn duy trì hoặc phục dựng những nghi thức tạo ra những ý kiến trái chiều gay gắt như Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với nghi thức "chém lợn"; Hương Nha và Xuân Quang (Phú Thọ) với nghi thức "đập đầu trâu". Bàn về chuyện này, theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hội Di sản Văn hóa Việt Nam thì "tục hiến sinh luôn có sự biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất định. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, giải quyết hài hòa, có lý, có tình về tục hiến sinh. Cái gì tốt thì giữ lại phát huy, cái gì không còn phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của xã hội thì phải có sự điều chỉnh theo hướng vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa phù hợp với hoàn cảnh xã hội trong thời đại ngày nay".

Về phía Bộ VH-TT&DL, quan điểm Cục trưởng Cục VHCS Trịnh Thị Thủy là "trong việc quản lý lễ hội truyền thống, cần trân trọng giữ gìn và phát huy những mặt tốt, thận trọng giải quyết những mặt không phù hợp; giáo dục, thuyết phục cộng đồng để họ tự nguyện chuyển đổi, không nên dùng biện pháp hành chính. Tôn trọng vai trò và phát huy tính chủ động của cộng đồng, nhưng không thể thả nổi, mà cần phải làm rõ vai trò của Nhà nước đến đâu, và những khâu nào". Chánh Thanh tra Bộ Vũ Xuân Thành nhấn mạnh: Cần dung hòa giữa việc tôn trọng cộng đồng làng, xã với việc tôn trọng cộng đồng rộng lớn hơn, thậm chí là toàn thế giới. Vì vậy, rất cần có hình thức thích hợp để thay thế các tập tục không phù hợp với xã hội văn minh.

Trao đổi với các đại biểu, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Di sản Nông Quốc Thành cũng cho rằng "không nên đặt vấn đề cấm hay thay đổi một lễ hội cổ truyền nào đó chỉ vì có các hiện tượng tiêu cực đi kèm theo, mà cần chủ động xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục, tạo được sự đồng thuận trong giới khoa học để định hướng cộng đồng bằng truyền thông. Về quan điểm, các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế". Trong số các đại biểu địa phương, ý kiến của Trưởng phòng Di sản Sở VH-TT&DL tỉnh Điện Biên Trần Minh Thư cũng rất đáng chú ý: "Một tập tục đã tồn tại hàng trăm năm, hẳn nhiên phải có ý nghĩa nhất định trong đời sống cộng đồng. Vì vậy, trước phản ứng của dư luận, nhà quản lý văn hóa cần phải có những bước đi hết sức thận trọng khi can dự vào những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng và đời sống tinh thần. Một số nghi thức thiêng liêng trong lễ hội dân gian chỉ có tác dụng đúng mức với người dân bản địa, chứ không có tác dụng đối với người nơi khác. Ở một số lễ hội, BTC cần hạn chế số người tham gia để tránh những cú "sốc" về văn hóa với những người khác biệt về hoàn cảnh sống".

Đáng chú ý, đại biểu xã Khắc Niệm (Bắc Ninh), xã Hương Nha (Phú Thọ) đều tham gia phát biểu tại hội nghị, bày tỏ mong muốn duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, nhưng sẽ từng bước tuyên truyền để cộng đồng điều chỉnh cho phù hợp xã hội hiện đại. Tuy nhiên, giải pháp điều chỉnh cụ thể thế nào thì vẫn còn rất mơ hồ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nóng chuyện ứng xử với tục hiến sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.