Theo dõi Báo Hànộimới trên

Say tiếng hát chèo

Hoàng Văn| 23/08/2015 07:44

(HNM) - Bằng nhiệt huyết, tình yêu văn nghệ, những người nông dân làng Tử Dương, xã Cao Thành (Ứng Hòa) đã khôi phục thành công câu lạc bộ (CLB) hát chèo vốn có hàng trăm năm trước của quê hương. Không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa, những chương trình biểu diễn của CLB còn góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.


Được khôi phục vào năm 2006, CLB hát chèo thôn Tử Dương đã trở thành địa chỉ giao lưu văn hóa - văn nghệ quen thuộc của nhiều hội viên yêu thích làn điệu chèo trong xã đến tập luyện. Tuy là nghiệp dư nhưng tiếng hát, điệu múa của các bà, các chị vẫn làm say đắm biết bao khán giả. Những ngày thu tháng tám, chúng tôi đến thôn Tử Dương đúng vào dịp các "nghệ sĩ làng" đang hăng say tập luyện chuẩn bị cho chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9. Làn điệu chèo hòa quyện trong tiếng trống giữ nhịp ngân vang khắp vùng quê thanh bình. Chị Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm CLB hát chèo Tử Dương cho biết, hôm nay các thành viên tham gia tập luyện tiết mục "Quê hương ơn Bác" của tác giả Phạm Minh Tuấn: "Sông quê uốn khúc/ Như cánh tay mềm/ Phù sa bồi đắp/ hương lúa hương sen/ Cánh én chao nghiêng/ Gọi mùa xuân đến/ Nhớ ơn Người mang ấm no cho quê hương...".


Làn điệu chèo mượt mà, truyền cảm do bà Nguyễn Thị Thanh Vệ biểu diễn khiến chúng tôi bất ngờ bởi đã 67 tuổi nhưng những điệu múa, lời ca của bà vẫn rất nhịp nhàng, uyển chuyển. Chị Hà cho biết, bà Vệ là giọng ca chính, tham gia hát chèo từ những năm mười tám, đôi mươi nên vẫn giữ được kỹ thuật luyến láy, nhả câu rất hay. Tham gia CLB, bà vừa là diễn viên, vừa làm biên đạo hướng dẫn cho các hội viên trẻ. Hiện, CLB thường xuyên duy trì 30 hội viên ở mọi thành phần, lứa tuổi tham gia. Hội viên cao tuổi nhất là cụ Đỗ Năng Văn (78 tuổi), bà Nguyễn Thị Thanh Vệ (67 tuổi), hằng tuần vẫn miệt mài hướng dẫn cho lớp trẻ những làn điệu chèo cổ truyền của quê hương. Bên cạnh đó, cũng có những gia đình 2-3 thế hệ vì tình yêu văn nghệ đã tình nguyện tham gia nhằm khôi phục làn điệu chèo Tử Dương vang bóng một thời như gia đình ông Đỗ Văn Công, bà Nguyễn Thị Thanh Vệ, chị Nguyễn Thị Út...

Không những dựng lại các vở diễn, tích chèo cổ, CLB hát chèo Tử Dương còn tự biên, tự diễn nhiều tác phẩm hiện đại, có nội dung phản ánh những vấn đề thời sự trong cuộc sống hằng ngày như: "Quán bên đường" phản ánh về tình trạng vi phạm luật giao thông ở các vùng quê; "Niềm tin tất thắng" tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy... Đặc biệt những tiết mục này tham gia các hội thi đều giành giải cao như: Huy chương Vàng toàn quốc, giải nhì tiếng hát không chuyên thành phố và nhiều năm đạt giải nhất hội diễn văn nghệ huyện Ứng Hòa...

Theo ông Nguyễn Duyên Huỳnh, Trưởng thôn Tử Dương, những người tham gia CLB hát chèo trên tinh thần tự nguyện, không có thù lao. Thậm chí ban ngày họ vẫn làm việc đồng áng, nội trợ, tối đến lại quây quần tập luyện với mong muốn bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha. Để mỗi khi tết đến xuân về, lễ hội làng, ngày kỷ niệm... các hội viên trong CLB hát chèo Tử Dương lại tự tin bước lên sân khấu say sưa với những làn điệu chèo phục vụ nhân dân.

Có được những thành tích này không thể không nói tới đóng góp của ông Nguyễn Tiến Hùng - nhà tài trợ chính cho CLB. Từ khi thành lập CLB cho đến nay, ông Hùng đã hỗ trợ hơn 100 triệu đồng để mua sắm đạo cụ, trang phục diễn viên và thuê xe ô tô đưa đón hội viên đi biểu diễn, giao lưu với các quận, huyện trong thành phố. Trong suốt 10 năm qua, dù khó khăn đến đâu, ông Hùng vẫn luôn theo sát CLB để động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho CLB. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Hùng, để bảo tồn giá trị nghệ thuật hát chèo truyền thống của quê hương, ngoài nỗ lực của các hội viên trong CLB, rất cần sự hỗ trợ thêm của chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Say tiếng hát chèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.