Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bạn biết gì về Việt Nam?

Đình Hiệp| 04/10/2015 07:18

(HNM) - Đó không chỉ là tên một cuộc thi do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức vừa kết thúc, mà còn là câu hỏi để những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam chia sẻ cảm nhận về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hiểu biết về các danh lam thắng cảnh của Việt Nam.


Việt Nam thay đổi chóng mặt sau 20 năm

294 bài viết của thính giả từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau gần nửa năm phát động là một con số ấn tượng. Các thí sinh tham gia "Bạn biết gì về Việt Nam?" 2015 phải trả lời 6 câu hỏi xoay quanh những chủ đề về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; những đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Việt Nam có bao nhiêu di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận… Vì thế, mỗi bài viết đều thể hiện một góc nhìn khác nhau về mọi mặt đời sống xã hội của Việt Nam.

Ba tác giả đoạt giải của cuộc thi “Bạn biết gì về Việt Nam?”.



Chia sẻ cảm xúc khi được nhận giải Nhất của cuộc thi, thính giả John Rutledge cho biết: "Là người Mỹ nhưng 3 năm nay tôi lại sống tại Trung Quốc vì đang làm việc tại Trường Đại học Cát Lâm. Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1995. Mặc dù khi đó Việt Nam chưa phát triển nhưng tôi vẫn nhận thấy ở đất nước các bạn có nhiều tiềm năng. Trở lại Việt Nam bằng tàu hỏa từ Trung Quốc, tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì không biết sau 20 năm Việt Nam phát triển như thế nào. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên đặt chân đến Hà Nội tôi đã có những cảm nhận thật tốt đẹp. Sau 20 năm Việt Nam đã thay đổi chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến đời sống của người dân, các công trình cao tầng mọc lên rất nhiều, thể hiện một Việt Nam hội nhập nhanh chóng".

Cơ hội để hiểu hơn về Việt Nam

Chưa từng đặt chân đến Việt Nam nhưng ông Prigodich Nikolai Vladimirovich, người Belarus đoạt giải Nhì của cuộc thi lại rất quan tâm đến đất nước xa xôi ở phía Nam. Ông chia sẻ: "Từ lâu tôi đã biết đến Việt Nam qua làn sóng của VOV phát bằng tiếng Nga. Tôi luôn tìm hiểu những thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa… của đất nước các bạn. Tôi cũng muốn hiểu thêm về những thay đổi trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Là một kiến trúc sư nên tôi cũng đặc biệt quan tâm đến kiến trúc của Hà Nội, Việt Nam".

Ông Prigodich Nikolai Vladimirovich cho biết, dù Việt Nam và Belarus cách xa nhau về mặt địa lý nhưng khi đặt chân đến Hà Nội ông lại cảm thấy rất gần gũi về tâm hồn. "Người hai nước chúng ta đều giản dị, yêu lao động. Chúng ta đã tạo dựng được tình hữu nghị đoàn kết từ lâu. Tôi có tình cảm sâu sắc với đất nước cũng như con người Việt Nam. Tôi đã từng nghe nói nhiều về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc các bạn. Tôi rất nể phục điều này và khi đó tôi cũng như nhiều người dân Belarus yêu chuộng hòa bình khác luôn cầu mong cho chiến tranh sớm kết thúc. Đất nước Belarus chúng tôi cũng đã trải qua cuộc chiến chống phát xít và gần 3 triệu người đã chết vì cuộc chiến này. Vì thế, chúng tôi hiểu rõ ‘\?những nỗi đau chiến tranh mà Việt Nam phải trải qua. Tuy nhiên, cả hai nước chúng ta đã vượt qua tất cả khó khăn này để hướng về phía trước" - P.Vladimirovich nói.

Với mong muốn tham gia cuộc thi để có cơ hội tìm hiểu một cách toàn diện hơn những thông tin về Việt Nam, anh Triệu Á Đông, người Trung Quốc đoạt giải Ba của cuộc thi cảm thấy rất vui khi lần đầu tiên được đến Hà Nội. Anh cho biết: "Ngay từ năm 1990, tôi đã nghe thông tin về Việt Nam qua VOV. Tuy là lần đầu tiên đến Hà Nội nhưng tôi không hề có cảm giác xa lạ mà rất gần gũi. Tôi phải cảm ơn cuộc thi đã trao cho tôi cũng như những người nước ngoài khác có cơ hội để tìm hiểu thông tin về Việt Nam một cách toàn diện hơn".

Giải thưởng dành cho những người đạt giải nhất, nhì và ba cuộc thi "Bạn biết gì về Việt Nam?" là các chuyến du lịch đến Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để những người nước ngoài quan tâm đến mảnh đất hình chữ S có thể trực tiếp tìm hiểu về đất nước và con người nơi đây, từ đó càng thêm gắn bó với Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạn biết gì về Việt Nam?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.