Theo dõi Báo Hànộimới trên

Văn học, nghệ thuật phải góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác

Tuệ Diễm| 04/10/2015 07:36

(HNM) - Cái ác, cái xấu, sự thờ ơ đang hiện hữu trong xã hội chúng ta, trong khi đó, các tác phẩm văn học - nghệ thuật có tính giáo dục, tính thẩm mỹ cao lại chưa đến được với rộng rãi công chúng. Rất nhiều vấn đề đã được đưa ra tại hội thảo

Thị trường sách văn học, nghệ thuật còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của công chúng.



Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương tổ chức, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý văn hóa, nhà xuất bản, các văn nghệ sĩ khắp cả nước... Tại hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng: "Nhân cách con người hình thành qua sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân, nhưng "phần nhiều là do giáo dục mà nên" như Bác Hồ đã khẳng định. Đó là ảnh hưởng của truyền thống gia đình, nhà trường, cộng đồng và văn học nghệ thuật". Bản thân văn học, nghệ thuật có tính giáo dục, nhưng với cơ chế thị trường hiện nay, có không ít tác phẩm dễ dãi, chạy theo thị hiếu thấp kém, hạ thấp nhân cách con người, ảnh hưởng tiêu cực đến xây dựng hình ảnh con người Việt Nam.

Cơ chế thị trường cũng khiến cho một số lượng không nhỏ trong đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật chạy theo văn hóa nước ngoài, làm mất đi bản sắc văn hóa Việt. Để minh chứng cho tác hại của xâm thực văn hóa, ảnh hưởng nhân cách con người, PGS - TS Nguyễn Xuân Đức chỉ rõ: "Xã hội hiện nay đang tồn tại sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách. Một phần do tác động của văn học, nghệ thuật. Một thực tế, hôm nay trên truyền hình, phim ảnh xuất hiện trang phục, kiểu tóc, thì ngày mai đã thành mốt trên thị trường. Giới trẻ thiếu định hướng đang chạy theo trào lưu, ăn, ngủ, sinh hoạt theo thần tượng. Chưa kể, nguy hại hơn là học theo phim bạo lực, lối sống ăn chơi, trụy lạc".

Tham luận tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa tỏ ra lo ngại trước tình trạng lai tạp văn hóa đang hiện hữu ở mọi phương diện, lĩnh vực nghệ thuật. Nhiều ca sĩ của Việt Nam có ảnh hưởng lớn đến giới trẻ copy phong cách, trang phục biểu diễn của ca sĩ Hàn Quốc. Sự sáng tạo văn hóa trong cơ chế thị trường trở nên hời hợt, chạy đua theo số lượng... TP Hồ Chí Minh là một trung tâm giải trí, thu hút hàng nghìn văn nghệ sĩ hoạt động, nhưng theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, trong năm 2013 có 86 vở diễn được cấp phép thì chỉ có 4 vở chính kịch; đến năm 2014 số vở diễn chính kịch còn lại 2. Bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tác phẩm văn hóa độc hại xuất hiện ngày càng nhiều. Các tác phẩm dễ dãi, chiều theo xu hướng của thị hiếu - thị trường ngày càng áp đảo. Và việc quảng bá, giới thiệu tác phẩm bộc lộ nhiều bất cập, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng không nhỏ đến sự lựa chọn của công chúng".

Trong bối cảnh văn hóa có ít nhiều sự lộn xộn, xuống cấp, tiêu cực, TS Nguyễn Thanh Tâm, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Huế, cho rằng, văn học, nghệ thuật góp phần giáo dục con người từ nhỏ. Tuy nhiên, sáng tác văn học cho thiếu nhi đang thiếu trầm trọng. Các quầy sách cho thiếu nhi chủ yếu tập trung tại thành phố, trong khi trẻ em nông thôn thì không được tiếp cận. Do đó, cần thiết phải công nghệ hóa, sân khấu hóa, điện ảnh hóa... văn học thiếu nhi.

Ở một khía cạnh khác, nhà biên kịch Hồng Ngát đặt vấn đề: "Nếu chúng ta nói khó đưa tác phẩm đến với công chúng, thì tại sao thời chiến tranh, văn nghệ sĩ vẫn làm tốt nhiệm vụ. Họ vẫn sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật giá trị cao trong tình cảnh đói khát, bom, đạn quanh mình. Xã hội hiện đại, chúng ta hội tụ đầy đủ điều kiện tốt nhất để đưa tác phẩm đến công chúng nhưng lại chỉ thấy tác phẩm không sâu, không có tính giáo dục, thẩm mỹ cao". Theo bà Hồng Ngát, đó chính là do sự thờ ơ, chậm đổi mới cách quảng bá tác phẩm làm nên thất bại. "Bây giờ tác phẩm nghệ thuật phải tự tìm đến công chúng, chứ không còn cái thời công chúng truyền nhau chép tay một bài thơ, bài nhạc hay" - bà Hồng Ngát nói.

Thực tế đã chứng minh, các tác phẩm điện ảnh được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất hàng tỷ đồng, nhưng không bố trí chi phí cho quảng bá dẫn đến tình trạng phim đem ra rạp không bán được vé. Trong khi điện ảnh tư nhân, họ tìm mọi cách, mọi chiêu trò để phát triển, quảng cáo, tiếp thị. Từ đó xuất hiện những bộ phim thị trường là "vua phòng vé" như "Ma dai", "Để mai tính", "Mỹ nhân kế"… Đa số phim giải trí có nội dung phản ánh bạo lực, hài kệch cỡm và cảnh nóng, nhưng có hẳn công nghệ lăng xê, quảng bá phim. Thậm chí điện ảnh tư nhân bây giờ chọn cách quảng bá từ khi phim chưa bấm máy. Chuyện một cô người mẫu làm phim về cuộc đời đã được ê kíp sản xuất đưa tin ra công chúng trước 1 năm khởi quay. Và hiện nay, mỗi ngày phim đang quay thì lượng tin tức được đưa ra càng dồn dập…

Rõ ràng, đòi hỏi đổi mới trong công tác phát hành, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật là hết sức cần thiết. Cùng với đó, các biên tập viên mảng văn hóa, văn nghệ của nhà xuất bản, kênh truyền hình, phát thanh phải nâng cao nghiệp vụ để sàng lọc những tác phẩm độc hại. Những cái "bắt tay" cùng Hội văn học, nghệ thuật để công bố các tác phẩm, chất lượng tốt đến với công chúng cũng là một trong những giải pháp được đưa ra tại hội thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Văn học, nghệ thuật phải góp phần đẩy lùi cái xấu, cái ác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.