Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng sống động, điểm đến hấp dẫn

Hà Hiền| 21/11/2015 12:07

(HNM) - Trở thành di tích quốc gia, nhiều công trình di tích có giá trị đặc biệt ở Đường Lâm đã, đang và sẽ được tu bổ, tôn tạo nhằm giữ lại


Khi nói về những giá trị có một không hai của làng cổ ở Đường Lâm, người ta vẫn thường ví nó như một "bảo tàng văn hóa sống động". Ở đó chứa đựng một quần thể di tích với mật độ dày đặc. Không gian, cảnh quan, môi trường của làng đa dạng, phong phú với hệ thống gò, đồi, mương, kênh, ao, hồ… gắn liền với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của cộng đồng dân cư, hội đủ đặc điểm tiêu biểu của nông thôn vùng châu thổ Sông Hồng, nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, Đường Lâm còn là địa danh gắn với tên tuổi những vị anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, Phùng Hưng, Giang Văn Minh… Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, trong quá trình sáng tạo, gìn giữ và trao truyền một khối lượng di sản văn hóa vật thể khổng lồ, người dân Đường Lâm từ hơn ngàn năm nay đã sáng tạo, bảo lưu được một khối lượng di sản văn hóa phi vật thể rất đa dạng, phong phú. Đến Đường Lâm, du khách sẽ được tiếp xúc với những tài liệu văn tự cổ tại các di tích. Nếu đến đúng dịp, du khách có thể hòa mình vào các sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật dân gian.



So với nhiều ngôi làng tiêu biểu ở 3 miền đất nước, rõ ràng làng cổ ở Đường Lâm có những giá trị nổi trội. Trong các cuộc hội thảo, GS Tomoda, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa quốc tế - Trường Đại học Sona Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) nói: "Việt Nam thật may mắn khi còn giữ được làng cổ ở Đường Lâm, thế hệ sau này nhìn vào đó có thể biết được thế hệ ông cha mình đã sống, sinh hoạt, lao động như thế nào. Giữ được làng Việt là giữ cho đời sau biểu hiện của tâm hồn Việt, văn hóa Việt. Để mất làng cổ Đường Lâm là Việt Nam mất đi một di sản văn hóa vô cùng quý giá, không gì có thể đong đếm được".

Để gìn giữ, bảo tồn di sản, đồng thời đưa Đường Lâm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, những năm qua, TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây, cộng đồng dân cư và những người yêu di sản trong nước, quốc tế đã chung tay, góp sức đầu tư nhiều tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các công trình di tích có kiến trúc điển hình bị xuống cấp. Nhiều công trình đã hoàn thành việc tu bổ như cổng làng Mông Phụ, Chùa Ón, nhà thờ Giang Văn Minh, nhà cổ của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, Hà Văn Vĩnh… được giới chuyên gia đánh giá là những tuyệt phẩm kiến trúc. Các dự án đang triển khai như Dự án tu bổ, tôn tạo đền thờ và lăng Ngô Quyền, đình Cam Thịnh, 12 điếm cổ, 10 giếng cổ… nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư. Ngoài ra, đền Phùng Hưng, đình Đoài Giáp và 40 ngôi nhà cổ dự kiến sẽ được tu bổ, tôn tạo trong tương lai gần.

Nhờ giữ được "hồn" làng Việt cổ, di tích Đường Lâm ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách tham quan. Tính riêng từ năm 2013 đến nay, Đường Lâm đã đón hơn 40 vạn lượt khách; website giới thiệu, quảng bá về di tích thu hút hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Hướng tới sự chuyên nghiệp, BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm đã bố trí đội ngũ thuyết minh viên tại di tích gồm 15 người có kiến thức, trình độ chuyên môn, có thể hướng dẫn mọi đối tượng khách du lịch, đồng thời phối hợp với ngành Du lịch để mở nhiều lớp tập huấn cho người dân làng cổ về cách làm sản phẩm du lịch, triển khai mô hình dịch vụ homestay tới các gia đình có nhà cổ, bước đầu thu được kết quả khả quan. Một số hộ dân đã biết làm cơm chay, con giống bằng rơm, làm tương, kẹo lạc, kẹo dồi… để phục vụ cho du khách. "Hiện tại, các hộ gia đình biết làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch chưa nhiều, chưa đồng đều. Song, với nhiều dự án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển du lịch, dịch vụ đang và sẽ được triển khai, bức tranh du lịch làng cổ Đường Lâm chắc chắn sẽ khác, đời sống của người dân sẽ dần khá lên", ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng BQL Di tích Làng cổ Đường Lâm nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng sống động, điểm đến hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.