Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ, phát huy giá trị đình làng Xứ Đoài: Trùng tu thôi chưa đủ

Hà Hiền| 23/12/2015 07:37

(HNM) - Việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích đình làng Xứ Đoài trong xã hội đương đại như thế nào cho phù hợp luôn nhận được những ý kiến trái chiều của các nhà khoa học và cộng đồng.

Đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Ảnh: Linh Ngọc


Đã có nhiều ý kiến đưa ra nhưng ít ai quan tâm đến việc làm thế nào để phát huy chức năng xã hội của hệ thống đình làng, trong khi phải thực hiện tốt chức năng này thì đình làng mới có thể "sống".

Nhiều bất cập trong công tác tu bổ, tôn tạo

Từ lâu, đình làng được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ. Xứ Đoài với địa giới hành chính bao gồm một số huyện, thị xã phía bắc Thủ đô Hà Nội, một số huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay là vùng đất lưu giữ đậm đặc tinh hoa văn hóa của người Việt, trong đó có hệ thống đình làng.

Với đặc trưng là những công trình kiến trúc gỗ, trải qua thời gian, một số ngôi đình Xứ Đoài bị xuống cấp nghiêm trọng đã được Nhà nước và cộng đồng đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp nhằm gìn giữ di sản cho thế hệ sau. Song, trong quá trình thực hiện công tác trùng tu, một số đình Xứ Đoài cũng như nhiều công trình di tích được tu bổ hiện nay được "cấy" thêm những yếu tố mới khiến cho di tích trở nên xa lạ với cộng đồng.

Dành tâm huyết nghiên cứu về đình Xứ Đoài, ông Nguyễn Đức Bình (Group Đình làng Việt) chỉ rõ: Trong quá trình thực hiện công tác tu bổ đình Cam Thịnh (xã Đường Lâm, Sơn Tây), đơn vị thi công định dùng gạch để thay cho lớp ngói lót, song thật may mắn việc này đã được khắc phục kịp thời. Ở đình Quang Húc (xã Đông Quang, Ba Vì), những thanh dép hoành bị đặt sai vị trí thay vì đặt vuông góc với mặt đất.

Ngoài thanh dép, nhiều chi tiết của đình Quang Húc bị lệch lạc buộc cộng đồng phải yêu cầu đơn vị thi công dỡ ra làm lại, gây lãng phí hàng tỷ đồng. Đình Phùng (Đan Phượng) sau khi hoàn thiện việc tu bổ, hậu cung trở nên khác lạ vì mảng chạm rồng trước hậu cung bị đặt ngược. Nhìn cụm di tích đình Hương Canh, Ngọc Canh (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) sau khi được rót tiền tỷ tu bổ, nhiều người phải thở dài tiếc nuối vì cái gì cũng mới…

Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị sai lệch giá trị văn hóa, kiến trúc, nhiều đình Xứ Đoài còn đứng trước nguy cơ mất hẳn do bị xuống cấp nghiêm trọng. Tại huyện Ba Vì, những ngôi đình đã có tên trên bản đồ di tích như: Cam Đà (xã Cam Thượng), đình Đông Viên (xã Đông Quang), đình Vân Sa (xã Tản Hồng), đình Phú Hữu (xã Phú Sơn), đình Viên Châu (xã Cổ Đô)… đang bị mối mọt, kết cấu kiến trúc bị xô lệch, ngói vỡ nhiều. Những mảng chạm khắc tinh tế có một không hai tại đình Hạ Hiệp (Phúc Thọ) đang phải chống rơi rụng bằng dây thép buộc gá. Từ những ví dụ cụ thể nói trên cho thấy, những bất cập, hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Xứ Đoài không sớm được giải quyết, rất có thể bản sắc văn hóa Xứ Đoài sẽ bị ảnh hưởng.

Phát huy chức năng xã hội của di tích

Theo ông Nguyễn Đức Bình, những ngôi đình Xứ Đoài có kiến trúc khá tương đồng nên các cơ quan chức năng có thể áp dụng kỹ thuật trùng tu đình Chu Quyến để trùng tu các di tích khác. Về vấn đề này, ông Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích) khẳng định: "Dự án trùng tu đình Chu Quyến là một trường hợp có kỹ thuật tu bổ điển hình, từng đoạt giải cao nhất về bảo tồn di sản của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đáng để nhân rộng. Song do điều kiện kinh phí và con người có hạn, Hà Nội cũng như các địa phương khác chưa thể áp dụng kỹ thuật trùng tu đình Chu Quyến với nhiều ngôi đình khác.

Trong bối cảnh hiện tại, đối tượng có vai trò cao nhất đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích vẫn là cộng đồng". Đại diện cho cộng đồng, ông Nguyễn Văn Quang (thôn Quang Húc, xã Đông Quang) kiến nghị: "Người dân phải được tham gia vào quá trình tu bổ, tôn tạo di tích để thực hiện chức năng giám sát của mình. Bởi hơn ai hết, nhân dân là người hiểu đình làng của họ nhất". Đồng tình với ý kiến này, song ông Trương Minh Tiến (Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội) nhấn mạnh: "Vai trò tham gia, giám sát của cộng đồng trong quá trình tu bổ di tích là vô cùng cần thiết nhưng không phải là yếu tố quyết định. Ý kiến của cộng đồng không phải lúc nào cũng đúng vì có những kỹ thuật chuyên môn cộng đồng không thể hiểu hết. Ví dụ như việc xử lý cột đình bị tiêu tâm hay chân tảng bị mối mọt, sau khi xử lý xong, cột khó có thể giống hệt ban đầu".

Tương tự, họa sĩ Bùi Hoài Mai phản ánh, trên thực tế, không phải nơi nào cộng đồng cũng quan tâm đến di tích như người dân Xứ Đoài. Có nhiều nơi, người dân thấy di tích được tu bổ càng mới, càng to càng thích, thậm chí có nơi cộng đồng tự thay thế di tích bằng công trình mới. Để khắc phục những hạn chế trong công tác tu bổ, tôn tạo đình Xứ Đoài, Nhà nước và cộng đồng phải chung một ý chí, mục đích".

Trước những ý kiến trái chiều, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) phân tích: "Lâu nay dường như chúng ta quá mải mê tìm cái đúng, cái sai trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Xứ Đoài mà quên đi chức năng xã hội của nó. Chức năng chính của đình làng là nơi sinh hoạt của cộng đồng hẳn ai cũng đã biết, vậy chức năng này hiện đã được phát huy tốt hay chưa? Giá trị văn hóa, tinh thần đình làng mang lại cho cộng đồng được quan tâm đúng mức hay chưa? Nếu đình làng Xứ Đoài phát huy tốt các chức năng như nó vốn có thì sẽ không có chuyện đình bị xuống cấp, dột nát, ngập lụt. Ngày xưa, Nhà nước không cấp kinh phí trực tiếp cho cộng đồng xây dựng, bảo vệ đình làng, tại sao đình làng vẫn giữ được đến hôm nay? Lật lại vấn đề như thế, không cần nói nhiều, bàn nhiều, chúng ta cũng phần nào hiểu được đâu là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, phát huy giá trị đình Xứ Đoài".

Như vậy, để giữ được không gian văn hóa và hồn cốt của những ngôi đình Xứ Đoài, việc đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, cứu di tích là cần thiết nhưng chưa đủ. Cùng với nguồn kinh phí, vai trò giám sát, vai trò chủ thể quản lý, chủ thể sáng tạo của cộng đồng cũng rất cần được khôi phục, phát huy. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, Xứ Đoài có tới hơn 100 đình làng, đình nào cũng bề thế như: Đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu, đình Quang Húc, đình Mông Phụ, đình Cam Lâm, đình Đoài Giáp, đình Hương Canh, đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh, đình Thổ Tang…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ, phát huy giá trị đình làng Xứ Đoài: Trùng tu thôi chưa đủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.