Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chân trần nhảy lửa với người Dao

Theo Tiền Phong| 11/02/2016 11:04

Phàn Mềnh Kinh đưa cho tôi chiếc áo chẽn của người Dao, dặn: “Trước khi lao vào đống lửa, hãy khoác áo này lên người để tổ tiên nhận ra anh. Có thần linh phù trợ, anh sẽ không bị bỏng khi nhảy múa trong than lửa”.


Trò chơi

Nhà của Phàn Mềnh Kinh hôm nay có khách từ xuôi lên, nên bản Nam Hồng (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) nhộn nhịp khác thường. Người thăm hỏi khách, người giúp đồ xôi giết gà hái rau, tiếng cười nói huyên náo, tiếng khèn sáo trống chiêng rộn ràng, bất chấp trời mưa rét, khí núi dần tỏa ra lạnh buốt.

Sau bữa tối, khách đề nghị được xem trò chơi nhảy lửa. Trò này rất phổ biến trong các dịp sinh hoạt cưới xin, hội hè, giỗ Tết của người Dao, nhưng đối với khách phương xa thì ít nhiều còn lạ lẫm.

Vì bà con đều gọi nhảy lửa là “trò chơi” chứ không phải nghi lễ, nên người hiếu sự như tôi không thể bỏ lỡ cơ hội tham dự cuộc vui. Một du khách khác là anh Hoàng Phong, cũng muốn trải nghiệm cảm giác nhảy múa trên đống lửa. Cả hai cùng đề nghị với chủ nhà Phàn Mềnh Kinh và ngay lập tức được hưởng ứng.

Phàn Mềnh Kinh bảo: “Hai anh ghi lại tên tuổi để lát nữa thầy cúng sẽ cầu xin cho các anh. Người Dao thì không cần, vì đã được tổ tiên nhận biết từ khi làm lễ Cấp sắc. Khi cúng, các anh nên yên lặng, không nói bằng tiếng dân tộc khác. Nếu cẩn thận thì các anh nên vào bếp ngâm tắm nước thuốc đã pha sẵn cho sạch sẽ, tổ tiên càng vui hơn”.

Ảnh: Hoàng Hắc Đạo


Một đống củi to được đốt lên, cháy rừng rực tỏa sáng giữa khung cảnh núi rừng về đêm hoang liêu tịch mịch. Một chiếc bàn nhỏ được đặt ở góc xa, bày biện đèn, hương, hoa, rượu và một con gà trống luộc trang trọng phía trước bát hương. Thầy cúng Triệu Vàn Khiền nhanh chóng bắt tay vào việc cúng và cầu xin tổ tiên trước khi mọi người nhảy lửa, một nghi lễ bắt buộc, không thể thiếu. Suốt hơn một giờ đồng hồ, bất chấp trời lất phất mưa, gương mặt ông luôn nghiêm trang thành kính khi cúng tế và dâng lễ vật lên tổ tiên. Cùng với lời khấn khi bổng khi trầm, thầy cúng gõ liên tục vào thanh cầu cơ bằng thép phát ra những tiếng “cành, cành” khi nhanh khi chậm, rất cuốn hút.

Trải nghiệm

Trong trang phục của người Dao, hai chúng tôi ngồi lẫn cùng những chàng trai Dao khác trên những chiếc ghế băng đặt dọc theo bàn cúng. Không có phụ nữ nào được tham gia, kể cả phụ nữ Dao, họ chỉ túm tụm vòng trong vòng ngoài hướng mắt vào đống lửa đang cháy rừng rực và thỉnh thoảng nổ lép bép bắn ra những bụi than đỏ. Ngoại trừ thầy cúng và những người tham gia nhảy lửa đang khá trang nghiêm, không khí của đám đông xung quanh thoải mái, tự nhiên hơn với lời rì rầm khe khẽ và ánh mắt tò mò.

Như những người nhảy lửa khác, tôi để chân trần đặt xuống nền sân lạnh giá. Bàn chân như tê đi, đầu gối, bắp chân có cảm giác căng hơn tạo nên sự run rẩy không rõ vì giá lạnh hay một điều gì lạ lẫm khác điều khiển. Những người ngồi bên cạnh tôi thì lắc lư run rẩy thật sự, hai chân dậm thình thịch, người co giật rất mạnh, trạng thái như xuất thần. Ban đầu là người dẫn nhảy Phàn Sành Tòng, tiếp theo là hai người nữa xô ghế nhảy xổ vào đống lửa, lăn lộn trên lửa, hai chân dẫm đạp, tay bốc than hồng văng ra tung tóe. Mọi người cùng ồ lên reo hò phấn khích.

Anh Hoàng Phong bắt đầu dậm dật chân tay, người rung lên và lao vào đống lửa, tuy không nhanh và mạnh mẽ như những người khác. Anh cũng dẫm lên những hòn than nóng và nhảy múa như những người khác, nhưng rõ ràng là động tác gượng gạo và dè dặt hơn. Một người vô tình hất tung cả vốc than vào người khiến anh nhảy dựng lên, tạo những tiếng cười sảng khoái cho người xem.

Lắng nghe tiếng cầu cơ một lúc, bản thân tôi cũng cảm thấy sức nóng và sự bí bức, ngột ngạt trong cơ thể, dù hai bàn chân trần vẫn tái tê vì lạnh. Người tôi bắt đầu run lên và hai chân dậm gót đều đều xuống nền sân. Dường như có sức hút nào đó mãnh liệt từ lời khấn trầm bổng và âm thanh đều đều từ thanh cầu cơ đang tác động vào tôi.

Mắt tôi nhìn trừng trừng vào đống lửa và những hình người đang lăn xả vào đó với sự thích thú, chân tay rung mạnh hơn. Nhưng trong mắt tôi, đống lửa to với đám than vẫn hồng rực, không phải màu xanh và bé như hạt đậu để tôi có thể nhảy vào, theo kinh nghiệm mà những người từng nhảy lửa truyền lại về trạng thái sẵn sàng khi lao vào lửa.

Người tham gia nhảy lửa vừa được thầy cúng giải nhập. Ảnh: Lê Quân



Sực nhớ lời dặn của người già, lúc đêm hôm phải một mình nơi thanh vắng như ngõ tối, nhà hoang, nghĩa địa, tôi bấm mạnh ngón tay cái vào đốt ngón tay theo tuổi của mình để “kị tà”. Bấm mạnh, đốt tay dần có cảm giác đau, không khí như dễ thở hơn và rồi tôi bỗng rùng mình vì lạnh. Đúng lúc đó, Phàn Mềnh Kinh từ phía sau nhoài qua, vỗ vỗ vào vai tôi cười tươi rói: “Anh không được tổ tiên nhập rồi, đừng nhảy mà bị bỏng đấy. Chuyện thường thôi, em nhảy lửa nhiều lần rồi nhưng thỉnh thoảng cũng không nhảy được”.

Tôi vớ tạm đôi dép và khoác thêm chiếc áo rét, đứng lẫn vào đám đông xem mọi người nhảy lửa. Từng bóng người tung hoành trong than hồng lửa đỏ, ngoài lăn dưới đất, người nhảy lên không, than bụi bay tung tóe. Ai cũng có những phút giây thăng hoa hoành tráng với lửa. Sau khi thỏa thuê với lửa, người dẫn nhảy Phàn Sành Tòng cùng những người tham gia đều hướng về bàn thờ nơi góc sân thể hiện những điệu múa hoang dại huyền bí trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Phải chừng 15 phút múa lượn, thầy cúng Triệu Vàn Khiền mới giải nhập cho tất cả mọi người, đưa họ về với cuộc sống thực tại.

Huyền bí

Tất cả những người tham gia nhảy lửa, dù người nhảy nhiều đến độ mệt lả phải dìu kéo ra khỏi đống lửa, hay nhảy “choi choi” như anh bạn Hoàng Phong của tôi, đều không ai bị bỏng. Tôi kéo Triệu Tà Quyên, một thanh niên đã nhảy lửa rất hăng hái và xuất thần ra một góc để nhìn kỹ bàn chân, tóc tai, quần áo. Quả nhiên, không có vết bỏng cháy nào. Quyên cười hồn hậu: “Tôi nhảy lửa nhiều lắm rồi, nên quen chân, cứ thấy đống lửa bập bùng là người lại lâng lâng, rạo rực. Có tổ tiên phù hộ, không việc gì đâu. Nhảy xong lại thấy khỏe khoắn hơn”.

Anh Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng Văn hóa thể thao và du lịch huyện Hoàng Su Phì từng nhiều lần chứng kiến trò chơi này ở các thôn bản người Dao. Cũng như nhiều người, anh tin rằng, nhảy lửa là một trường đoạn saman giáo mà thầy cúng đã bằng cách huyền bí nào đó đưa con người vào một trạng thái u minh, giúp họ có thể “tị hỏa” (tránh lửa) trong thời khắc nhất định.

Nhưng có ý kiến: Mặc dù than hồng có thể nóng đến 500 – 600 độ C, nhưng tốc độ dẫn nhiệt rất chậm, trong khoảng gần một giây chạm vào thì nó không đủ để làm bỏng bàn chân người.

Nhiều cô gái đã chọn được người yêu là các chàng trai đã dũng cảm nhảy múa trong lửa. Hơn hết, nhảy lửa chính là sợi dây tình cảm đưa mọi người gần gũi nhau hơn khi cùng vui chung trong dịp Tết đến Xuân về.


Bí mật ở đây có lẽ là người tham gia nhảy lửa cần vượt qua sự e ngại ban đầu của tâm lý sợ lửa nóng, đồng thời dứt khoát và nhanh nhẹn hơn trong một số động tác chân tay.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chân trần nhảy lửa với người Dao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.