Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sắc Xuân Yên Tử

Theo Xây dựng| 11/02/2016 14:42

Thường niên mỗi độ Xuân về, TP Uông Bí lại rộn ràng mở hội Yên Tử chào Xuân. Hội Xuân Yên Tử Bính Thân 2016 có nhiều sắc mới. Công tác chuẩn bị khai hội, hành lễ, đón chào du khách được tổ chức sớm hơn.


Trời đất như hiểu lòng người, sớm xua đi cái rét cắt thịt mùa đông, ban nắng ấm và sớm chiều những hạt mưa bay, tưới mát mầm xanh đại ngàn Thượng Yên Công.


Nhìn cánh hoa mai Yên Tử nở rộ, rung rinh trong gió xuân, Chủ tịch UBND TP Uông Bí không giấu được niềm vui cho biết: Lễ hội Yên Tử là thường niên, nhưng năm nào mở hội, lòng người cũng lâng lâng chào đón như đón chào Xuân mới, điềm lành mới. Cây trổ lộc xanh, mai vàng tươi sắc, gió đưa hương rừng mát dịu... là đón thần lộc xông đất, xông nhà.

Lễ hội năm nay, tuy không trùng khớp các sự kiện lớn, kỷ niệm 707 năm ngày Phật hoàng nhập thế. Năm lẻ, nhưng lễ hội thì không đơn lẻ. Cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP xác định: Lễ khai mạc tổ chức trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện văn minh lễ hội, để danh thơm Yên Tử lan tỏa khắp mọi miền đất nước và bè bạn quốc tế.

Non sơn Yên Tử chắc có từ thời kỳ địa chất thứ II. Nhiều người đã đặt chân trên đất này, nhưng mấy ai đã biết hết thần tích nơi đây. Núi Yên Tử, đời trước có tên gọi khác nhau: Tượng Sơn, Bạch Vân Sơn, Tổ Sơn, Núi Xẻ. Tên núi gắn liền với sự tích, như Núi Voi, bởi lẽ hình dáng núi giống như một con voi khổng lồ; Bạch Vân Sơn, núi mây trắng; Tổ Sơn, là núi cao nhất trong dãy Bảo Đài Sơn này. Còn truyền thuyết Núi Xẻ, vì núi Yên Tử cao hơn núi Yên Phụ ở bên kia sông Kinh Thày, nghịch đạo con cao hơn mẹ, trời sai thiên lôi xuống trị tội. Trong một đêm mưa dông chớp giật, sau một tiếng sét nổ kinh hoàng, một đỉnh cao trong dãy Bảo Đài Sơn vỡ toác làm đôi. Từ Sông Cấm nom rõ hình thù quả núi bị xẻ đôi, nên có tên là Núi Xẻ.

Giữa cánh cung trùng điệp của núi rừng vùng Đông Bắc, Yên Tử, chóp núi cao trên 1.000m, vút lên như một tòa tháp, đã từng nổi tiếng là cảnh quan danh thắng. Các triều đại phong kiến xưa đã xếp Yên Tử vào hạng “danh sơn ngoạn mục” của đất Việt. Với cảnh trí địa linh, nơi đây là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt, nơi phát tích thiền phái Trúc Lâm. Trong quần thể di tích Yên Tử rộng lớn hiện có 11 ngôi chùa và hàng trăm am tháp. Chùa Đồng ở trên đỉnh cao nhất 1.068m (so với mặt nước biển). Một ngọn tháp cao 3 tầng bằng đá, ngọn tháp này có từ thời “Cảnh Hưng thập cửu niên 1758 là cổ nhất. Một rừng Tháp Tổ lớn nhất Việt Nam, gắn liền với những sự tích huyền thoại về ông vua nhà Trần và phái Thiền Trúc Lâm.

Hội Xuân Yên Tử bắt đầu từ ngày mùng chín tháng Giêng và kéo dài hết 3 tháng. Sau lễ Phật, tổ chức long trọng dưới chân núi Yên Tử, là cuộc hành hương của hàng vạn người leo núi lên chùa Đồng, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Thú vui trảy hội là leo núi lên chùa Đồng ở độ cao 1.068m. Đường vượt đèo cheo leo, chốc chốc lại gặp ngôi chùa, ngọn tháp cổ, con suối, thác nước trong xanh, rừng cây nguyên sinh. Mỗi nơi là một kho tàng cổ tích thắm đượm tình người. Lên đến đỉnh núi tựa như cổng trời, một ngôi chùa toàn bộ đúc bằng đồng nguyên chất, chênh vênh trên triền đá, hương bay khói quện trong sương sa ánh bạc. Từ trên đỉnh cao này, khi trời quang mây tạnh có thể phóng tầm mắt, chiêm ngưỡng được cả vùng biển miền Đông Bắc.

Gần 1.000 năm trước, Yên Tử được coi là “phúc địa thứ tư của Giao Châu”. Nhiều văn tự lưu giữ ở Viện Hán Nôm ghi: “Năm Tự Đức thứ 3, vua sắc phong núi Yên Tử xếp hàng danh sơn”.

Rừng Yên Tử đẹp, ẩn chứa linh khí, ngay từ xa xưa các tín đồ đạo phật đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Thế kỷ thứ X, đạo sĩ An Kỳ Sinh (Yên Kỳ Sinh) đã đến nơi này tu hành và đắc đạo. Những năm sau đó, nhiều thế hệ tăng ni phật tử Việt Nam tiếp tục tìm đến Yên Tử tu hành, xây dựng chùa tháp và nhiều công trình thờ tự.


Trần triều, đạo Phật được coi là quốc đạo. Các vua nhà Trần đã phát tâm đầu tư xây dựng Yên Tử thành khu quần thể kiến trúc chùa tháp có qui mô lớn. Khởi đầu là cụ Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) đến Yên Tử tháng tư năm Bính Thân (1236). Kế đó là cụ Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông), vị vua anh hùng của 2 cuộc kháng chiến đại thắng quân Nguyên - Mông (1285 - 1288), mang lại thanh bình cho đất nước. Thời điểm vương triều hưng thịnh, nhà vua truyền ngôi cho con để tĩnh tâm nghiên cứu giáo lý đạo Phật. Năm 1299 vua Trần Nhân Tông bỏ chiến bào, bỏ ngai vàng thái thượng hoàng ở kinh thành đô hội, tự tìm đến non thiêng Yên Tử để tu hành.

Trần Nhân Tông đã xây dựng lên dòng Thiền Trúc Lâm, một tôn giáo tiến bộ, gắn đạo với đời. Người là vị sư tổ thứ nhất của Phật phái Trúc Lâm, mang Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng. Kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông là sư tổ Pháp Loa và Huyền Quang Tôn Giả. Cả 3 vị được gọi chung là Trúc Lâm Tam Tổ. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm; nơi phát tích hệ thống giáo lý gắn đạo với đời. Một tôn giáo vị nhân sinh, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Tư tưởng, học thuyết của Phật phái Trúc Lâm điển hình trong 3 thế kỷ (XII, XIII, XIV). Tinh hoa văn hóa xưa ấy hội tụ ở Yên Tử, lan tỏa đến bây giờ; và hình thành một tôn giáo lớn ở Việt Nam. Yên Tử 700 năm hiển hiện thủ đô Phật phái Trúc Lâm.


Sử sách thất truyền, hoặc ghi chép không đầy đủ, nay không rõ Lễ hội Yên Tử được hình thành từ bao giờ, tục truyền từ thế kỷ XVII - XVIII, trên đỉnh Yên Tử, ở độ cao 1.068m đã hiện diện một ngôi chùa, gọi là Thiên Trúc Tự, mái lợp ngói đồng. Trong chùa có 2 pho tượng cũng tạc bằng đồng, ngoài hồi có một phiến đá lớn bằng phẳng được gọi là Bàn cờ Tiên; cùng với một chữ hán cổ, khổ lớn, khắc chìm sâu vào vách đá, dịch nôm là chữ “Phật”.

Gắn liền với lịch sử phát triển dòng thiền Trúc Lâm tại Yên Tử là việc xây dựng và hình thành một quần thể các công trình kiến trúc gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, mộ, bia, tượng... Quần thể kiến trúc đồ sộ này được đặt trong một tổng thể cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng, trải dài gần 20km, tạo thành khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử đặc biệt của quốc gia. Một quần thể chùa chiền, lăng tẩm như một bảo tàng lớn ngoài trời về công trình kiến trúc xây dựng cổ, một bảo tàng văn hóa phi vật thể ẩn tích Đạo gắn với Đời ngàn xưa vốn có.

Thành phố Uông Bí được thiên nhiên ban tặng đất thiêng, được người xưa trao gửi tinh hoa văn hóa. Uông Bí đang khai thác tài nguyên quí báu đó để bồi đắp thêm mỹ tục địa phương, mở cánh cửa lớn cho làng du lịch. Chính quyền làm tốt công tác quản lý 15,5ha khu Trung tâm lễ hội mà Bộ Xây dựng và Bộ VHTT thống nhất chỉ đạo quy hoạch, nâng cấp 4,4ha bến xe Quay Đầu; thống nhất với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam GPMB 7 ô quán do lịch sử để lại, đầu tư 24 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, để xây dựng Nội viên. Công trình xây dựng Nội viên hài hòa với cảnh quan, nằm khuất trong vòm xanh thung lũng, mái không cao hơn nền sân chùa Hoa Yên. Các công trình xây dựng vừa tiện lợi cho du khách, vừa bảo vệ di tích cổ, giữ gìn cảnh quan non thiêng ngàn năm tuổi.

Xuân này, khách thập phương đến Lễ hội Yên Tử, mỗi người một tâm, người vãn cảnh du Xuân, người gửi đức tin cầu Quốc thái dân an - Vũ điều phong thuận, cầu xuân Bính Thân đắc tài sai lộc... Yên Tử bừng lên một vùng du lịch sinh thái trong đại ngàn gió núi, một vùng du lịch tâm linh. Tục truyền: “Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc Xuân Yên Tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.