Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di tích Nhà tù Hỏa Lò: “Trường học” trực quan, sinh động

Hà Hiền| 12/02/2016 07:29

(HNM) - Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX là một trong những nhà tù lớn nhất, kiên cố nhất Đông Dương khi đó.



Trong số hàng trăm cựu tù chính trị từng bị giam giữ ở chốn "địa ngục trần gian" có 5 chiến sĩ ưu tú Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười - sau này trở thành những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng. Ngày nay, di tích đặc biệt này được quan tâm bảo tồn xứng tầm, trở thành "trường học" trực quan sinh động - một trong những điểm đến hấp dẫn của Thủ đô.

Du khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Đình Nam


Sinh hoạt Đảng trong điều kiện khó khăn nhất

Theo các tài liệu lịch sử, từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò 1.800 tù nhân, trong đó có các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến... Trại giam chật hẹp không có sàn, tù nhân bị xiềng xích, bị cùm và phải nằm nền nhà với manh chiếu rách. Những đồng chí bị chúng xếp vào loại "nguy hiểm" thì bị giam vào nhà lim chật hẹp, tối tăm, bị tra tấn dã man…

Với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, những chiến sĩ cách mạng kiên trung vẫn một lòng đấu tranh vì chân lý. Tranh thủ khoảng thời gian được ra sân vài tiếng mỗi ngày, các đảng viên cộng sản đã trao đổi, bàn bạc việc thành lập chi bộ tại nhà tù, đề ra kế hoạch hoạt động giữa các trại, hình thành các tổ chức quần chúng. Khoảng cuối năm 1931, đầu năm 1932, chi bộ Đảng ở Nhà tù Hỏa Lò được thành lập, do đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Bí thư. Chi bộ hoạt động thông qua các tổ chức quần chúng như: Hội Lao tù, Đoàn thanh niên cộng sản, Ban trật tự, Ban tranh đấu... Ở trại giam nữ, những đồng chí đã biết rõ nhau cũng bí mật họp thành tổ Đảng và bí mật liên lạc với chi bộ trại nam. Trong những năm 1931-1932, hoạt động của chi bộ trong tuyên truyền, huấn luyện, đấu tranh với địch, bút chiến với Quốc dân đảng được triển khai tương đối mạnh.

Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp lại bắt bớ, giam cầm hàng nghìn chiến sĩ cộng sản, chiến sĩ yêu nước. Nhiều tù chính trị được "ân xá" thời kỳ 1936-1939 bị chúng bắt lại. Một lòng kiên trung với cách mạng, số đảng viên bị giam tại đây đã bí mật lập ra "Nhóm phê bình". Đây là lực lượng trung kiên chỉ đạo mọi mặt hoạt động của tù chính trị. Thời gian này, đồng chí Đào Duy Kỳ được các đồng chí tín nhiệm, giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt tù chính trị từ giữa năm 1942 đến giữa năm 1943. Thông qua sự hoạt động sôi nổi của các ban, các tổ chức quần chúng, các chiến sĩ cộng sản, với tinh thần "Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao", đã thực hiện nhiều cuộc đấu tranh trong nhà tù, góp phần cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp 1946-1954, một lần nữa chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò được thành lập vào ngày 6-1-1950. Theo lời kể của các nhân chứng thì đây là chi bộ đầu tiên được thành lập trong nhà tù thời kháng chiến chống Pháp có sự chỉ đạo, công nhận của tổ chức Đảng cấp trên và tồn tại cho đến khi Pháp trao trả tù binh.

Dù được thành lập và hoạt động tự phát hay có tổ chức thì việc thành lập và tổ chức sinh hoạt Đảng tại Nhà tù Hỏa Lò cũng đã góp phần bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất cách mạng, ý chí chiến đấu của các chiến sĩ, đảng viên kiên trung. Bằng chứng là các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc, cao nhất của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Phát huy giá trị di tích trong thời kỳ mới

Hòa bình lập lại, "phần lõi" của Nhà tù Hỏa Lò được bảo tồn, tôn tạo thành di tích lịch sử văn hóa. Trên diện tích hơn 2,3 nghìn mét vuông, Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý, giới thiệu về quá trình hình thành nhà tù, về cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị bắt giam tại đây. Trại giam tù chính trị được phục chế nguyên gốc với hình ảnh những chiến sĩ bị cùm chân, gầy guộc nhưng ánh mắt luôn thể hiện thần thái của người chiến sĩ cộng sản một lòng đấu tranh vì chân lý, vì lẽ phải.

Sau khi tham quan, tìm hiểu về Di tích Nhà tù Hỏa Lò, dù là những người con đất Việt hay du khách quốc tế đều thấm thía bài học về tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng của người Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Back Jae Wan chia sẻ: "Nơi đây thể hiện rõ ý chí của người bị giam cầm về chiến tranh và hòa bình. Tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng với ý chí bất khuất của các chiến sĩ Việt Nam yêu nước". Michel Stralovici, nguyên phóng viên Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã khẳng định trong một chuyến tham quan di tích, rằng: "Buổi tham quan thật cảm động, cuộc gặp này với lịch sử đã giúp cho chúng tôi thấy rõ hơn tinh thần anh dũng của các chiến sĩ đã tranh đấu cho nền độc lập và thống nhất đất nước Việt Nam". Chung cảm xúc, bà Vũ Thị Phụng (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho hay: "Chúng tôi sẽ sống và làm việc thật tốt, sẽ cống hiến hết mình. Đó là cách tốt nhất để chúng tôi tỏ lòng kính trọng với thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh vì dân, vì nước; đồng thời lan tỏa những giá trị của di tích đến với mọi người".

Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện mở cửa phục vụ khách tham quan tất cả các ngày trong năm. Bà Nguyễn Khánh Hồng, Trưởng phòng Trưng bày - Tuyên truyền (BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò) cho biết, trung bình mỗi năm, di tích đón hơn 220 nghìn lượt khách tới tham quan, học tập, nghiên cứu, trong đó có khoảng 70% là khách nước ngoài. Ngoài các trưng bày cố định, đội ngũ cán bộ của di tích không ngừng nghiên cứu, sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật về các chiến sĩ từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò để thực hiện các trưng bày chuyên đề; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích và tổ chức trưng bày lưu động giới thiệu về di tích đến với đồng bào, chiến sĩ cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích Nhà tù Hỏa Lò: “Trường học” trực quan, sinh động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.