Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh bình Hà Nội Tết...

Minh Bắc| 13/02/2016 15:07

(HNMO) - Cũng như mọi năm, sắp hết kỳ nghỉ người ta mới hay nhắc tới những Tết năm ngoái, năm kia…để rồi so sánh và có thêm chút tiếc nuối hay mừng cho những cái khác biệt mà mình được thưởng thức, cảm nhận…



Năm nay thời tiết như chiều lòng người, ngày cuối năm và những ngày nghỉ lễ Bính Thân tiếp theo, Hà Nội đã ấm lên không còn mưa rét sùi sụt nữa. Nhớ các Tết trước, những ngày này, trời thường lây rây mưa phùn nên ngoài cái cảm giác rét, ta còn thấy buốt thêm. Đã qua mồng 5 Tết rồi mà trời vẫn còn nắng… Nắng vàng nhè nhẹ rải khắp phố phường nhưng vẫn vừa đủ lành lạnh cho người mặc thêm chiếc áo khoác mỏng du xuân…

Chả thế mà nhà văn Thạch Lam đã từng viết về Tết cách đây trên 70 năm: “Tết! Còn dịp nào trong đời ta nhiều thú vị vui tươi hơn nữa. Ngày Tết nhắc ta nhớ lại những Tết đã qua, và khuyên ta an hưởng ngay cái Tết bây giờ. Đêm giao thừa “thời gian qua nghỉ bước trên từng cao” là giờ khắc say sưa êm dịu nhất. Hương thơm thuỷ tiên, cánh hồng, hoa đào nở, hương làn khói trầm vấn vít đủ lên cao. Hưởng đi, trong cái khoái lạc của sáng suốt, trong cái minh mẫn của tinh thần, trong sự thư thái thảnh thơi của lòng bình tĩnh…”. Ngẫm lại giờ có lẽ cũng vậy chăng?

Vâng, thế rồi tự nhiên tôi muốn tìm hiểu xem Hà Nội giờ có cái gì khác với Tết trước, Tết xưa, nhất là ngày cuối năm và những ngày bước vào đầu năm mới…

Cũng như mọi năm, ngày cuối cùng (năm nay là ngày 29 tháng chạp), phố xá Hà Nội đã bớt người đi, các cửa hàng, siêu thị lớn hầu hết đã đóng cửa chỉ có chợ hoa ở Nhật Tân vẫn nườm nượp kẻ bán người mua. Trên đường phố, các cành hoa, cây đào, quất hối hả cùng các chủ nhân về từng nhà. Còn vỉa hè của các con phố chính như Hoàng Quốc Việt, khu vực cầu Long Biên, đường Âu Cơ vẫn còn rất nhiều đào, quất và cả những chậu mai vàng từ phương Nam ra…

Những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài dọn rác trên từng con phố nhỏ, to… Thời khắc giao thừa cả bầu trời sáng rực, các con phố chính vẫn còn đó những dấu ấn trang trí chào mừng Đại hội 12 của Đảng, người và người tấp nập tới các điểm bắn pháo hoa của thành phố… Trời se lạnh vẫn đủ cho các bé gái diện những bộ váy mới không thể nào đẹp hơn…Tiếng người lớn, trẻ em cười đùa rộn rã trên các con phố. Một không khí ấm áp, hạnh phúc rạng rỡ trên từng khuôn mặt người du Xuân!

Có thể nói Hà Nội đã đổi thay đến ngỡ ngàng với những công trình tầm cỡ như cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Quốc tế Nội Bài, cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cầu Đông Trù, đường vành đai 3 trên cao, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng, cầu Vĩnh Tuy... Và cả những khu đô thị với kiến trúc tuyệt đẹp đạt đẳng cấp quốc tế. Hà Nội, thời khắc giao thừa vẫn thế, nhộn nhịp nhưng điểm khác là không còn cái cảm giác ngột ngạt vì tắc nghẽn giao thông vì những gương mặt căng thẳng lo âu với những công việc thường ngày…

Hà Nội thay da đổi thịt rất nhiều nhưng một người bạn đi cùng nói với tôi nói, Hà Nội đẹp, đẹp lắm nhưng vẫn còn một Hà Nội cổ kính đẹp ngỡ ngàng nữa kia… Hà Nội đó đã từng hiển hiện trong tranh của họa sỹ Bùi Xuân Phái, sau này các bức tranh của ông đã gắn liền với thuật ngữ “Phố Phái”. Phố đó nằm trong hoài niệm của nhiều người.

Và Hà Nội đó hình như chỉ xuất hiện mỗi năm chỉ vài giờ vào rạng ngày đầu năm mới. Chả thế mà có người đã ví Hà Nội lúc đó đẹp hơn cả Pari hoa lệ cổ kính. Hà Nội không ồn ào người chen người nữa mà chỉ còn những ô cửa, mảng tường khoe kiểu dáng. Bên cạnh những kiểu nhà cũ là những khách sạn mi-ni với thiết kế kết hợp giữa hiện đại với cổ xưa lấp lánh ánh đèn màu. Hà Nội phố lấp ló đón ánh nắng ban mai đang làm tan những làn sương mờ như khói. Một vài cư dân phố cổ cùng mấy du khách nước ngoài thong thả tản bộ trên phố…



Cuối phố, một nhóm du khách khác đủ các lứa tuổi đang chỉ trỏ bàn luận gì đó rồi mang máy ảnh ra chụp cho nhau… Một “Phố Phái” như nguyên mẫu thuở nào, đẹp như mơ. Chỉ thế thôi, sang đến ngày hôm sau, các quán xá với nhiều món ăn đường phố lại tung ra để chiều thói quen của dân phố cổ cùng các du khách…

Nhớ lại mấy ngày Tết qua, Hà Nội cũng đã có nhiều điểm đáng khích lệ khi chính quyền lo toan đến đời sống văn hóa tinh thần cho người dân thủ đô. Các việc tuy nhỏ cũng đã được Hà Nội chú ý đến khiến nhiều người khen ngợi. Đó là một vài địa điểm rút kinh nghiệm từ Tết trước, nay đã tổ chức tốt hơn việc giữ xe cho khách vào lễ chùa, không còn cảnh “chặt chém” tiền gửi xe. Ví dụ như Quận đoàn Tây Hồ đã tổ chức trông xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ từ ngày mùng 1 tới 15 âm lịch để người dân an tâm lễ Chùa.

Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều điểm vui chơi giải trí trong dịp Tết, như hội chợ hoa ở Ecopark, Phố chợ sách… rồi cả những biện pháp làm giảm sự xả rác thải xuống sông Hồng trong dịp Tết nữa…

Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những băn khoăn, đó là ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô. Mùng 2, mùng 3 Tết, rác vẫn vương vãi hai bên thành cầu Chương Dương, Long Biên. Đó là ý thức khi tham gia giao thông vẫn uống rượu, bia, không đội mũ bảo hiểm…

Ngoài ra cũng phải nói, Hà Nội vẫn thiếu những điểm vui chơi, giải trí ngày Tết. Văn Miếu bán vé vào cửa nhưng không hề có tổ chức các hoạt động vui, chơi đáng kể, chỉ sờ đầu rùa, mua chữ in sẵn với trang trí lơ phơ mấy chữ hoa…

Tết này sắp qua đi, Tết nữa rồi sẽ đến. Và ai cũng muốn Hà Nội phải luôn luôn đẹp, dĩ nhiên Hà Nội đẹp nhất lúc nào là còn tùy vào cảm hứng ký ức của mỗi người yêu Hà Nội. Với tôi, tôi muốn Hà Nội cổ kính nhưng không thể già lão. Hà Nội sẽ vươn lên thành một đô thị thông minh, hiện đại và đậm chất văn hóa Thăng Long – Hà Nội.

Mong chờ những Tết sau cho một Hà Nội đang vươn cao!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh bình Hà Nội Tết...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.