Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây "nền" cho văn hóa đọc

Thi Thi| 24/04/2016 07:04

(HNM) - Kế thừa các hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Bản quyền thế giới 23-4 từ hơn 10 năm nay và đặc biệt là ngày Sách Việt Nam từ năm 2014, suốt tháng 4, tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã, đang diễn ra các hoạt động, tích cực cổ vũ cho việc đọc sách.

Văn hóa đọc là nguồn lực vô giá góp phần chấn hưng dân trí.Ảnh: Tuấn Minh


Không có gì khác sau mỗi sự kiện, hoạt động kể trên là câu hỏi lớn: Cần tiếp tục làm gì để không chỉ là phong trào, mà phải thực sự xây nền, bắt móng bền vững cho văn hóa đọc của dân tộc?

Lượng đổi nhưng chất thì chưa...

Hình ảnh dễ thấy đối với người dân nhiều nước trên thế giới mà ta ngầm so sánh là gần như ở bất kỳ đâu, người ta đều có thể đọc sách, trên tàu, xe, những nơi công cộng như một thói quen, một nhu cầu thiết yếu. Còn hình ảnh dễ thấy ở ta là gần như bất kỳ đâu cũng thấy người ngồi… "nhậu".

Nói như vậy không có nghĩa là sự đọc không có những chuyển động mới tích cực. Tuy nhiên, những chuyển động ấy có đủ tạo nên thay đổi lớn về chất của văn hóa đọc hay chưa thì còn phải bàn. Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với Hànộimới rằng, thực tế là công chúng hôm nay đọc chưa bằng xưa và cũng ít hơn so với thế giới. Thúc đẩy văn hóa đọc không chỉ là đọc nhiều mà còn bao gồm đọc gì, đọc như thế nào.

Năm 2015, ngành Xuất bản công bố trên 29 nghìn tựa sách với hơn 360 triệu bản sách, tăng gần 5% so với 2014, trung bình mỗi người có khoảng 4 cuốn sách/năm. Song, đây chưa phải là con số phản ánh sức đọc của người Việt. Trừ đi lượng lớn sách giáo khoa và ước tính đối tượng thực sự đọc sách thì con số này "rơi" mạnh hơn nữa. Và so với con số từ 10 đến 20 đầu sách/người/năm của độc giả các cường quốc đọc trong khu vực và thế giới thì quả thực là một khoảng cách lớn.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ bày tỏ: "Gần đây, mỗi năm "nhà" Trẻ xuất bản khoảng 1.500 tựa sách, trong đó có 500-600 tựa sách mới. Mức độ tăng trưởng năm 2015 là 8% so với 2014. Tuy nhiên, những con số này cũng chưa đủ để khẳng định một cách mạnh mẽ sự phát triển chung của xuất bản cũng như văn hóa đọc trong cộng đồng. Bởi sự gia tăng này hoàn toàn có thể là sự mở rộng thị phần của NXB sang các đơn vị khác đang bị thu hẹp…".

Sách - nguồn tri thức phong phú cho giới trẻ.


Xuất bản nhiều sách thôi chưa đủ, để có thói quen đọc sách bền vững còn rất nhiều việc phải làm. Tháng 7-2015, trong cuộc trao đổi xây dựng đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, định hướng 2030" do Bộ VH,TT&DL xây dựng, các chuyên gia chỉ ra bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8-10% dân số và có đến 26% số người được hỏi thường xuyên không đọc sách. Ngoài ra, khả năng lựa chọn sách cũng như kỹ năng đọc sách hiệu quả cũng là một trong những khâu yếu của người đọc.

Trần Hùng John, chàng trai trẻ người Mỹ gốc Việt, tác giả cuốn sách "John đi tìm Hùng" (Giải thưởng Sách hay 2015) cho rằng: "Đọc sách phải kết hợp với trải nghiệm và phản biện". Thực tế, sự lưu hành của những xuất bản phẩm giải trí tầm thường trên thị trường phần nào phản ánh "gu" đọc đáng cảnh báo. Một số kỹ năng quan trọng khác như tốc độ đọc đạt mức trung bình 200-240 từ/phút đến 1.000 từ/phút cũng là một thử thách đáng kể.

Không phủ nhận được cùng với sự bung nở của xuất bản những năm gần đây và sự tác động của các phong trào cổ vũ xã hội học tập, bầu không khí văn hóa đọc có những chuyển động tích cực, rõ nét. Theo ông Phạm Thế Khang, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, thì chuyển động này chủ yếu ở các thành phố lớn và để có thể tạo dựng bầu không khí đọc mạnh mẽ trong đời sống thì rất cần sự bền bỉ và đổi mới phương thức.

Hành động cụ thể cho một môi trường đọc, tự học

Lão nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lạc quan bày tỏ: "Tôi thấy người trẻ ngày một đọc sách nhiều hơn, thậm chí phản biện qua việc đọc. Quan trọng là chúng ta không ngừng tạo ra môi trường đọc tích cực để tiếp tục thu hút họ".

Quả thật, trong vài năm trở lại đây, đặc biệt trong ngày Sách Việt Nam vừa qua xuất hiện hàng loạt sáng kiến cho văn hóa đọc. Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đổi mới tư duy trong việc phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện để làm mới Hội sách. Bản thân các NXB bắt tay nhau để cùng tạo ra một cộng đồng đọc suốt nhiều thời điểm trong năm. Nhiều diễn đàn mở rộng, kết nối trang sách, việc đọc nói chung với cuộc sống như "Cộng đồng đọc hiện đại: Let's Read", cuộc thi "Tôi đọc sách"… PGS-TS Nguyễn Thị Lan Thanh, Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ: Cuộc thi đọc sách tại Thư viện Quốc gia vừa qua dành cho các em học sinh tiểu học Hà Nội đã cho thấy, mô hình này nếu được tổ chức thường xuyên trong nhà trường, sẽ góp phần khích lệ các em đọc sách một cách thiết thực, hấp dẫn.

Nhà báo Nguyễn Như Mai cho rằng, không thể chỉ đổ lỗi các phương tiện nghe nhìn khác đè bẹp văn hóa đọc, vấn đề là các gia đình có nuôi dưỡng lòng yêu sách và thói quen đọc cho trẻ em ngay từ nhỏ hay không. Ông khẳng định, sở dĩ hôm nay ông có thể viết sách cho trẻ em cũng chính là nhờ suốt thời trẻ đã tích lũy qua việc đọc. GS Ngô Bảo Châu viết trên mỗi cuốn sách của Tủ sách "Cánh cửa mở rộng" rằng, "Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình".

Khi chúng ta còn mải mê với phim Mỹ, nhạc Hàn, say sưa bên bàn nhậu thì nhiều thư viện trên thế giới vẫn sáng đèn suốt đêm. Lại nhớ, những bước nhảy vọt của kinh tế và sức mạnh văn hóa giúp Nhật Bản vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên đều bắt nguồn từ tinh thần khuyến học, để độc lập tự cường qua đọc sách của học giả Fukuzawa Yukichi cách nay hơn 2 thế kỷ.

Văn hóa đọc không ngay một chốc mà có, đặc biệt để có nền văn hóa đọc bền vững, vượt lên tính phong trào, rất cần mỗi gia đình, nhà trường và cả xã hội cùng biết nắm tay nhau và hành động.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc Quảng Văn Books, đại biểu dự buổi "Khai mạc ngày Sách Việt Nam lần thứ 3" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức: "Tôi xin có 6 đề xuất muốn thông qua Báo Hànộimới, kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

1. Phát động Dự án "Khởi động đọc sách" (Bookstart). 
2. Tổ chức hoạt động "Đọc sách buổi sáng tại trường học" do học sinh tự chọn, đọc trong vòng 10 phút tạo tinh thần thoải mái. 
3. Tổ chức "Tuần đọc sách cho trẻ em". 
4. Tổ chức "Năm đọc sách cho trẻ em".
5. Luật hóa quyền được đọc sách của trẻ em.
6. Công nhận và hỗ trợ các dự án dân sự về khuyến đọc, từ kinh nghiệm thành công của các mô hình khuyến đọc của các tổ chức dân sự như: Reading House ở các nước Châu Á và Châu Phi, BookTrust ở Vương quốc Anh, Read Aloud ở Mỹ…" 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây "nền" cho văn hóa đọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.