Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đồng dao mùa hạ”: Nét chung - riêng hài hòa

Yên Nga| 23/05/2016 07:27

(HNM) - Hai họa sĩ Trần Thanh Thục và Lê Tuấn Anh cùng mở triển lãm tác phẩm mới với chủ đề

Hai họa sĩ Trần Thanh Thục và Lê Tuấn Anh cùng mở triển lãm tác phẩm mới với chủ đề "Đồng dao mùa hạ", tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) từ ngày 23 đến 29-5. Đó là bản hòa ca của sắc màu, đẹp đẽ và cuốn hút.


Trần Thanh Thục và Lê Tuấn Anh theo đuổi mỹ thuật từ hơn 30 năm nay, mỗi người một vẻ nhưng đều sở hữu những giải thưởng mỹ thuật danh giá, có những triển lãm chung - riêng đáng nhớ, cùng có tranh nằm trong nhiều bộ sưu tập trong ở trong và ngoài nước.

Nữ họa sĩ Trần Thanh Thục sinh năm 1960, chọn chất liệu vải, tạo nên một loại tranh hiếm, lạ ở nước ta - tranh vải. Không một chút bột màu, không một nét vẽ nào, tranh của Thanh Thục được tạo từ vải, họa tiết và màu sắc cũng từ đấy mà làm nên những hình, những cảnh. Vẻ đẹp của tác phẩm được tô điểm nhờ đôi tay cắt, ghép, dán khéo léo. Họa sĩ kể rằng, có lần chị đến nhà người bạn làm thợ may, vô tình nhặt tấm vải vụn rồi cắt hình cái cây và trang trí nó. Thấy hay hay, chị nghĩ đến việc tạo ra những bức tranh từ vải. Rồi cứ thế mày mò, đắm đuối theo đuổi ý tưởng độc đáo đó đến mấy chục năm. Không có người đi trước để học hỏi, Thanh Thục tự mình chắt chiu kinh nghiệm.

Chị thích nói về sự thuận lợi, cho rằng mỗi tấm vải vốn dĩ đã là một tác phẩm nghệ thuật, nhờ công của nghệ nhân hoặc họa sĩ - những người đã tạo ra họa tiết trên nó. Những hình khối có sẵn làm nảy nở ý tưởng. Tuy thế, sự khó thì không phải ai cũng thấu. Với người họa sĩ, ý tưởng là cực kỳ quan trọng, nhưng ý tưởng xuất hiện rồi mà không tìm được vải phù hợp thì cũng chịu, hay cắt hoặc gắn sai một chút là cả bức tranh hỏng hẳn. Bởi vậy mà phải kỹ lưỡng từng chút một. Biết bao ngày tác giả đã phải tới khắp các chợ vải, lục tìm trong kho sưu tầm riêng, nín thở để cắt chính xác từng mảnh vải vụn. Kết quả là những bức tranh nhỏ xinh với cỏ cây hoa lá chim muông lớp lớp nổi lên như tranh 3D, hay những bức trường cảnh về phố Hà Nội, một đầm sen, một vùng dân tộc miền núi, một góc Sa Pa…, cho người xem cảm giác đầy đủ về hội họa. Thanh Thục rất tự hào về tranh độc bản của mình, những tác phẩm mà ngay chính chị cũng không thể lặp lại được.

Lê Tuấn Anh cũng là một họa sĩ cầu kỳ trong việc chọn, sử dụng chất liệu. Anh chuyên dùng giấy dó khổ lớn là hàng đặt riêng từ các làng nghề, sắp xếp chúng theo ý tưởng rồi phết sơn dầu lên. Tranh của anh có những vết loang, vết xước, vết rạn, có điểm gồ lên, có góc chìm xuống - kết quả của "cuộc gặp gỡ" giữa sơn dầu và giấy dó dưới sự điều khiển của tác giả, khiến người xem cảm giác về một không gian vừa hư vừa thực. Sinh ra ở khu phố cổ Hà Nội nhưng Lê Tuấn Anh thường sáng tác về làng quê êm ả với những cổng làng, cánh đồng, dòng sông, lũy tre và hình ảnh người nông dân.

Hai họa sĩ là bạn thân, từ khi cùng học tại ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho đến tận bây giờ. Trong sáng tác, dù đi con đường khác nhau nhưng đề tài mà họ hướng tới đều là ngợi ca thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống sum vầy, vui vẻ. Suốt bao năm qua, người này ngắm tranh của người kia để tạo động lực sáng tác cho mình. Và, cả hai hứa với nhau rằng, cứ hai năm lại làm chung một triển lãm để cùng tạo sự cộng hưởng về vẻ đẹp của quê hương, đất nước.

Khác với triển lãm chung lần đầu mang tên "Mùa thu", lần này, ở "Đồng dao mùa hạ" là những sáng tác mới nhất (thực hiện trong năm 2015-2016), phần nhiều là tranh khổ lớn. Họa sĩ Thanh Thục, dường như đã bứt khỏi lối làm tranh mỹ nghệ, quà tặng, đem tới cho người xem nhiều tác phẩm trường cảnh như "Khung trời tuổi hoa", "Một sớm mai", "Ánh nắng tinh mơ", "Phố cổ Hà Nội"... Còn Lê Tuấn Anh thể hiện vẻ đẹp của làng quê qua hình ảnh hoa sen. Hơn 40 bức tranh của mỗi họa sĩ song hành trong một triển lãm, giữ được nét riêng của mỗi người mà vẫn tạo ra sự hài hòa, tất cả cùng tấu lên bản "Đồng dao mùa hạ" Hà Nội đẹp đẽ và cuốn hút. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Đồng dao mùa hạ”: Nét chung - riêng hài hòa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.