Theo dõi Báo Hànộimới trên

GS.TS Đinh Xuân Dũng: “Cuộc vượt ải” ngoạn mục!

Mai Hoa| 31/07/2016 07:17

(HNM) - GS.TS Đinh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) TƯ vừa đánh dấu mốc son 50 năm gắn bó với công tác văn hóa - VHNT bằng chùm 5 tác phẩm do ông là chủ biên và tác giả, cùng xuất bản trong năm 2016.

GS.TS Đinh Xuân Dũng ký tặng sách cho độc giả.


Vừa chữa bệnh vừa viết

Chia sẻ cùng độc giả trong buổi ra mắt chùm 5 tác phẩm được xuất bản trong năm 2016, GS.TS Đinh Xuân Dũng cho biết: “Với tôi, đây là những sản phẩm khoa học đúc kết qua cả chặng đường 50 năm gắn bó với công tác văn hóa - VHNT. Trong đó, có 2 tác phẩm chỉ được tập trung xây dựng và hoàn thành trong vòng 5 năm qua, gồm cuốn Định hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam (542 trang) - Nhà Xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia - Sự thật; và cuốn Văn hóa và con người Việt Nam hiện nay - Mấy suy nghĩ từ thực tiễn (332 trang) - NXB Thông tin - Truyền thông”.

Không đi sâu vào nội dung chi tiết tác phẩm, bởi “muốn để độc giả tự đánh giá, nhận định về giá trị của các tác phẩm đó một cách khách quan, công tâm nhất”, nhưng GS.TS Đinh Xuân Dũng sẵn sàng chia sẻ lý do thôi thúc ông sáng tạo. Ông kể: “Ba năm trước, bước sang tuổi 69, tôi gặp bạo bệnh. Nhưng tôi luôn ý thức rõ, nếu không làm việc thì sức khỏe cũng yếu đi. Vì vậy, vừa làm việc, tôi vừa chữa bệnh, và thật may là càng chữa bệnh thì càng được việc! Nằm trên giường bệnh, tôi vẫn đọc, vẫn viết, viết ở trong tim óc mình hoặc nói, nhờ người ghi lại. Cũng trong thời gian khó khăn ấy, tôi vẫn làm nhiệm vụ do Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ và Hội đồng Chức danh giáo sư (liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, TDTT) phân công. Vì thế, có thể nói, sự ra đời của những tác phẩm này không gì khác là để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao, cũng là để tri ân các bác sĩ, gia đình, đồng đội và bè bạn thân thiết đã luôn đồng hành giúp tôi có thêm năng lượng vượt qua giai đoạn hiểm nghèo”.

Nói riêng về cuốn Định hướng và những nội dung cơ bản của lý luận văn nghệ Việt Nam, Trưởng ban Sách Đảng - NXB Chính trị quốc gia - Sự thật Chu Văn Khánh đánh giá: “Có thể xem đây là công trình đặt nền móng cho việc từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH và hội nhập quốc tế”. Phó Giám đốc NXB Thông tin - Truyền thông Ngô Thị Thúy Hạnh, sau khi chia sẻ về quá trình phối hợp giữa NXB này với GS.TS Đinh Xuân Dũng để xuất bản cuốn sách, khẳng định tác phẩm này thực sự là một tài liệu có giá trị về lý luận, thiết thực trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, VHNT Việt Nam đương đại.

Không ngừng phát huy phẩm chất của nhà khoa học - người lính

Ở tuổi 72, nhìn lại 50 năm gắn bó với công tác văn hóa - VHNT, GS.TS Đinh Xuân Dũng đã có 24 năm công tác trong quân đội, từng giữ vị trí Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội (1990-1998), Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 (Bộ Quốc phòng). Nói về đóng góp của GS.TS Đinh Xuân Dũng trong việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ, nhà văn Ngô Vĩnh Bình - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội chia sẻ: “Tôi may mắn được ở cùng đơn vị với GS.TS Đinh Xuân Dũng tại “nhà số 4 phố nhà binh” - cơ quan Văn hóa - Văn nghệ Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị và Tạp chí Văn nghệ quân đội; đồng thời chúng tôi lại là hàng xóm một thuở ở khu tập thể Quân đội 32 Lý Nam Đế - Hà Nội. Vì vậy, có thể nói, tôi là một trong những người đầu tiên đọc các tác phẩm của giáo sư khi ông còn trong quân ngũ, để thấy rõ nhà nghiên cứu văn hóa, nhà lý luận văn học này luôn coi văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, cũng như phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là nét độc đáo của văn hóa quân sự Việt Nam. Giáo sư thực sự tâm huyết với nghề, có thái độ làm việc vô cùng nghiêm túc, bền bỉ, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả, có tầm nhìn của một nhà quản lý”.

Trong chùm 5 tác phẩm của GS.TS Đinh Xuân Dũng có cuốn “Văn học - Tiếp nhận tác phẩm và suy nghĩ lý luận (388 trang) - NXB Hà Nội. Chia sẻ về tác phẩm này, ông nhấn mạnh: “Giữa lúc hiểm nghèo nhất, tôi lại muốn trở lại điểm khởi đầu của tôi, là văn học”. 50 năm trước (1966), GS Đinh Xuân Dũng giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. PGS.TS Phạm Thành Hưng nhớ lại những ngày theo học thầy Đinh Xuân Dũng: “Tôi rất xúc động vì 5 tác phẩm nhắc lại những kỷ niệm một thời của thế hệ chúng tôi. Tôi đi bộ đội năm 1971, năm 1972 bị thương; năm 1974 ra quân, về trường, được nghe thầy giảng, cứ run lên vì xúc động”. Bàn về 5 cuốn sách của GS.TS Đinh Xuân Dũng, ông Phạm Thành Hưng bày tỏ: “Trong tình hình vận động, phát triển rất khó lường của văn hóa - VHNT Việt Nam và thế giới, tính hệ thống của các quan điểm, tính kiên định về lập trường, thái độ dám chịu trách nhiệm về những quan điểm mà GS Đinh Xuân Dũng nêu ra trước những vấn đề của đất nước thật đáng trân trọng”!

GS.TS Đinh Xuân Dũng: Có hai mối liên kết trong 5 cuốn sách này. Thứ nhất là mối liên kết bên trong, tập trung những vấn đề văn hóa - VHNT gắn với vấn đề con người, cũng như toàn bộ vấn đề đời sống gắn với những nội dung cơ bản bức xúc cần phải giải quyết trên lĩnh vực văn hóa, góp phần tuyên truyền, triển khai thực hiện phần “Xây dựng, phát triển văn hóa con người” trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 33-NQ/TƯ (6-2014) của BCH TƯ “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thứ hai là mối liên kết với quá trình hoạt động của tôi trên các lĩnh vực, từ khi giảng dạy ở trường đại học cho đến khi hoạt động trong quân đội, làm các công tác do Đảng, Nhà nước giao, qua hoạt động thực tiễn, tôi suy ngẫm và viết ra.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS Đinh Xuân Dũng: “Cuộc vượt ải” ngoạn mục!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.