Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về tu bổ, tôn tạo di tích: Vẫn chồng chéo, bất cập

Minh Ngọc| 31/08/2016 07:16

(HNM) - Công tác tu bổ, tôn tạo di tích hiện phải tuân thủ các quy định về di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư công và nhiều nghị định, thông tư chuyên ngành... Không thể phủ nhận là, sau khi hệ thống quy phạm pháp luật từng bước hoàn thiện, di tích được bảo tồn, phát huy giá trị tốt hơn, “phong trào” làm mới di tích giảm

Ảnh minh họa



Chồng chéo, mâu thuẫn

Ngoài các luật, việc tiến hành các dự án tu bổ, tôn tạo di tích (DT) được quy định rõ nhất tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18-9-2012 của Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (Nghị định 70) và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL, ngày 28-12-2012 của Bộ VH-TT&DL (Thông tư 18) hướng dẫn thực hiện Nghị định 70. Điểm nổi bật của các quy định chuyên ngành này là hồ sơ dự án tu bổ DT cần thực hiện qua 3 bước: Thỏa thuận, phê duyệt chủ trương; thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án và thỏa thuận, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công thay vì chỉ có báo cáo kinh tế - kỹ thuật như trước đây. Trước khi thi công, chủ đầu tư các dự án phải xin ý kiến cộng đồng, chỉ khi nào cộng đồng ủng hộ thì dự án mới được triển khai. Đặc biệt, người đảm nhận vị trí chủ chốt trong quá trình thi công, tu bổ DT bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề do các đơn vị chuyên môn đào tạo, chứng nhận. “Việc thắt chặt các quy định đã góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tu bổ DT, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng về DT, ngăn chặn nguy cơ làm sai lệch DT…”, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa nhận định.

Bên cạnh những điểm hợp lý, sau hơn 3 năm đi vào cuộc sống, Nghị định 70 và Thông tư 18 bộc lộ không ít hạn chế. Cụ thể, quy định chi tiết về hồ sơ đề nghị thỏa thuận chủ trương lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ DT chưa có; thời hạn thỏa thuận, phê duyệt các dự án kéo dài, gây ra khó khăn không đáng có đối với các dự án tu bổ, tôn tạo DT, nhất là các DT cần tu bổ cấp bách. Đáng nói hơn, một số nội dung liên quan đến công tác tu bổ, tôn tạo DT của Nghị định số 59/NĐ-CP, ngày 18-6-2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định 59), ra đời sau Nghị định 70 gần 3 năm, lại mâu thuẫn với Nghị định 70... Theo Nghị định 70, các dự án gia cố, sửa chữa nhỏ hoặc xây dựng các công trình mới phục vụ việc phát huy giá trị DT có tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng mà không làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành DT thì chủ đầu tư chỉ phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật; nhưng theo Nghị định 59, chủ đầu tư phải thực hiện rất nhiều quy trình. Đáng nói hơn, dự án tu bổ DT tại địa bàn có DT quốc gia đặc biệt, được xem là các dự án quan trọng (nhóm A), thuộc quyền thẩm định của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng đã tạo ra “rào cản” cho các địa phương trong quá trình quản lý, tu bổ DT...

Di tích “gánh” hậu quả

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay: “Cả quần thể DT Cố đô Huế là DT quốc gia đặc biệt, trong khi các quy định hiện hành đánh đồng quy trình, thủ tục thực hiện dự án tu bổ DT đơn lẻ với tổng thể DT quốc gia đặc biệt, khiến chúng tôi “mắc kẹt”. Nếu không sớm được khắc phục, các dự án tu bổ, tôn tạo DT Cố đô Huế giai đoạn 2016-2021 với kinh phí đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng khó có thể triển khai tu bổ, tôn tạo kịp thời”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý, bảo tồn di tích Hội An (Quảng Nam) đề nghị các cơ quan chức năng cần làm rõ khái niệm DT quốc gia đặc biệt, tạo điều kiện cho DT được tu bổ kịp thời, đúng hướng. “DT quốc gia đặc biệt phố cổ Hội An chứa hàng nghìn di tích riêng lẻ, trong đó 83% thuộc sở hữu tư nhân. Trung bình mỗi năm, phố cổ Hội An có khoảng 200 nhà cổ cần tu bổ, tôn tạo. Căn cứ các quy định hiện hành, việc sửa chữa, tu bổ một công trình nhà cổ cũng phải thực hiện đầy đủ thủ tục của một dự án quan trọng. Thử hỏi, mấy người dân đủ hiểu biết và kiên nhẫn để tuân thủ đầy đủ các quy định khi chỉ sửa chữa một hạng mục nhỏ nào đó trong ngôi nhà của mình? Trong trường hợp hồ sơ dự án tu bổ DT nhà cổ gửi về Bộ VH-TT&DL và Bộ Xây dựng mà hai Bộ có ý kiến khác nhau thì địa phương biết xử lý thế nào cho đúng? Trước những bất cập này, Trung tâm Quản lý, bảo tồn di tích Hội An phải làm việc “cực chẳng đã” là để các hộ gia đình sửa chữa xong mới làm hồ sơ xin thẩm định. Biết làm thế là sai, nhưng thà sai còn hơn đánh mất DT”, ông Nguyễn Chí Trung nói.

Tương tự, công tác tu bổ, tôn tạo DT trên địa bàn Hà Nội cũng đang gặp khó. Để giải quyết, tháng 7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Báo cáo số 94/BC-UBND, gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được chủ động trong trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo DT trên địa bàn. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, Thủ đô hiện có 11 cụm DT quốc gia đặc biệt, 2.384 DT đã xếp hạng, số DT xuống cấp nghiêm trọng cần được tu bổ lên đến con số hàng trăm. Nếu không có cơ chế đặc thù cho Hà Nội, DT sẽ tiếp tục xuống cấp từng ngày.

Đã đến lúc những mâu thuẫn, bất cập trong các quy định hiện hành về tu bổ, tôn tạo DT cần được sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho công tác quản lý và phát huy giá trị DT một cách hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định về tu bổ, tôn tạo di tích: Vẫn chồng chéo, bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.