Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường văn học: Đã qua thời “hữu xạ tự nhiên hương”

Mai Hoa| 04/09/2016 06:56

(HNM) - Văn học Việt Nam phát triển theo định hướng

Sách hay cần đáp ứng nhu cầu thị trường và tính đến thị hiếu của độc giả.Ảnh: Khánh Huy


Câu hỏi: "Sách hay có bằng sách bán chạy? Sách bán chạy có chắc là sách hay?" cũng chuyển tải nhiều trăn trở. Và đâu là giải pháp để xây dựng một thị trường sách văn học lành mạnh, đưa nhiều tác phẩm tốt đến với bạn đọc?

Không thả văn học tự bơi

Thị trường văn học và văn học thị trường mang ý nghĩa rất khác nhau cho dù có sự liên hệ mật thiết. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, tác phẩm văn học là một loại hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt. Và đã là hàng hóa, đương nhiên sẽ vận hành theo quy luật thị trường. Mặt khác, sản phẩm văn học đến với bạn đọc chủ yếu thông qua con đường bán - mua, sách phù hợp với thị hiếu (nội dung, hình thức) thì được nhiều người tìm mua và ngược lại.

Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành, đặc biệt là "đầu nậu" rất thấm điều này nên họ điều tra thị trường, phân tích thị hiếu và nhu cầu của bạn đọc, dự báo xu hướng để tìm những bản thảo phù hợp, có thể giúp tăng doanh số. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - từng nhận định: “Một khi tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường, văn học buộc phải vận hành theo quy luật thị trường và tương thích với những yêu cầu cũng như sự điều tiết của nó. Theo đó, tác phẩm văn học vừa là sản phẩm tinh thần, vừa là hàng hóa, vận hành theo quan hệ giá trị cung - cầu”.

Tuy nhiên, vận hành theo quy luật thị trường không có nghĩa là thả văn học tự bơi trong sự hỗn độn, "nghiêng ngả" theo sự thao túng của các "đầu nậu" để rồi hình thành xu hướng tiêu dùng văn hóa một cách tiêu cực. Tại hội thảo khoa học quốc gia “Thị trường văn học và Văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn” vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học đã đề cập vấn đề thị hiếu và nhu cầu người đọc trong văn học thị trường hiện nay.

Trong đó nhấn mạnh tới quy luật thị trường và khả năng điều tiết sách văn học như một phạm trù văn hóa. Nhiều câu hỏi đã được đưa ra và rất đáng để suy ngẫm như: Có hay không chuyện “báo động giả” về thị hiếu hoặc tình trạng nhà xuất bản tiếp tay cho "đầu nậu"? Công tác quản lý đã theo kịp với nhu cầu bạn đọc và sự phát triển của thị trường? Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nếu quản lý tốt thị trường văn học thì giá trị nghệ thuật của những cuốn sách gần gũi với đời sống sẽ có điều kiện thấm sâu vào người đọc, đem đến hiệu quả tích cực cho xã hội.

Thực tế cho thấy, khi thị trường văn học không được điều tiết một cách đúng mức, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, mà chịu sự chi phối tuyệt đối của yếu tố lợi nhuận, sẽ mang đến những hệ lụy khó lường. Chẳng hạn, sẽ có sự nhầm lẫn về giá trị tác phẩm văn học khi coi giá trị nghệ thuật không bằng giá trị thương mại, tuyệt đối hóa quan điểm "sách bán chạy là sách hay". Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng: “Thực tế cho thấy, không loại trừ hiện tượng sách bán chạy là sách hay. Có điều, những trường hợp như thế là hiếm hoi”.

Chủ động tiếp cận độc giả

“Sách muốn bán chạy, trước tiên phải là sách hay. Các tác phẩm bất hủ từ xưa đến nay đều bán rất chạy”, điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, để sách hay luôn bán chạy đòi hỏi rất nhiều yếu tố bổ trợ. Thời "hữu xạ tự nhiên hương" đã dần qua, các nhà văn giỏi ngoài viết hay còn phải biết quảng bá tác phẩm, biết nhận diện xu hướng và thị hiếu của bạn đọc. Theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, giữa một biển sách, người đọc bị ngợp, bị nhiễu loạn thông tin.

Nhà văn phải biết quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình thông qua việc tổ chức những buổi ra mắt sách hiệu quả, tổ chức dịch thuật để xuất khẩu… “Tôi ủng hộ quan điểm sách hay muốn trở thành sách bán chạy thì phải có chiến dịch quảng bá. Các nhà văn đừng chủ quan cho rằng mình chỉ cần viết ra những cuốn sách hay, còn lại thì tùy nhà xuất bản, nhà phát hành, khách hàng... Cũng không thể làm lơ với thị hiếu của người đọc. Sự chuyển đổi mối quan tâm của nhà văn với đời sống sang nhà văn với độc giả, theo quan điểm biện chứng, là tinh thần thực tiễn của sáng tác văn chương…”, ông Bùi Việt Thắng phân tích.

Trong bối cảnh văn hóa đọc và thị hiếu người đọc có mối liên hệ mật thiết, việc quảng bá sản phẩm văn chương thực sự mang ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, để sách hay đến được với nhiều bạn đọc và qua đó, góp phần tác động tích cực vào văn hóa đọc của cộng đồng thì ngoài sự chủ động quảng bá tác phẩm của các nhà văn, rất cần có sự giúp sức của các nhà phê bình thông qua việc phân tích, định hướng dư luận về chất lượng tác phẩm. Việc thẩm định, quảng bá tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có nội dung bổ ích còn cần có sự tham gia công tâm của các cơ quan giữ vai trò xét và trao giải thưởng văn học bởi chọn đúng tác giả - tác phẩm chất lượng để trao giải là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá các tác phẩm hay.

Văn học, dù là hoạt động sáng tạo thì vẫn phải vận hành theo quy luật thị trường, theo phương châm "hiện đại, nhân văn, giàu bản sắc dân tộc", hướng đến nhiệm vụ nâng cao dân trí, vì sự phát triển của đất nước. Và vì vậy, nói như nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng - “sách hay cũng cần đáp ứng nhu cầu thị trường và tính đến thị hiếu của độc giả”.

Nhà phê bình, nhà báo Nguyễn Hòa: Giá trị văn chương không thể ra đời từ sự hời hợt, cảm tính, thiếu tri thức và trải nghiệm, càng không thể ra đời khi tác giả bị cuốn theo thị hiếu thời thượng. Một khi đã gia nhập thị trường văn học, mỗi nhà văn cần tìm ra cách thức giải quyết hài hòa quan hệ giữa giá trị văn chương trường tồn và giá trị văn chương nhất thời, không mải mê với giá trị này mà lãng quên giá trị kia...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường văn học: Đã qua thời “hữu xạ tự nhiên hương”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.