Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chữ Nôm không vắng bóng trong đời sống hiện đại

Ánh Tuyết| 21/10/2016 07:28

(HNM) - “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của GS.TSKH Nguyễn Quang Hồng là công trình đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu chữ Nôm từ góc độ của lĩnh vực văn tự học, vốn đi song song và cùng với ngôn ngữ học làm thành hai nội dung nòng cốt cho khoa học ngữ văn.



- Thưa giáo sư, trong dòng chảy của xã hội hiện đại hôm nay, đâu là động lực thôi thúc giáo sư triển khai công trình liên quan đến văn tự học chữ Nôm?

- Khoa học ngữ văn cổ điển Việt Nam gồm 3 bộ phận, cũng là 3 chuyên ngành nghiên cứu: Văn tự học, văn bản học, văn tịch học. Theo logic tự thân của khoa học ngữ văn, thì văn tự học về chữ Hán và chữ Nôm mà trọng tâm là chữ Nôm phải là lĩnh vực cần được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Nghiên cứu về văn tự đặc biệt cần có những tri thức về ngôn ngữ, về tiếng Việt.

- Vậy công trình của giáo sư có những điểm mới gì và có những tác động như thế nào đối với công tác nghiên cứu về văn tự chữ Nôm?

- Theo tôi, không chỉ đối với người nghiên cứu lịch sử, mà đối với tất cả các ngành nghiên cứu khác, đặc biệt là thuộc khoa học xã hội và nhân văn nước ta, nhà nghiên cứu đều cần khai thác những tư liệu thành văn của các bậc tiền bối trong quá khứ, thường thể hiện qua chữ Hán và chữ Nôm. Bởi vậy, các nhà sử học, nhà khảo cổ, nhà ngữ học, hay nhà nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa trong quá khứ đều không thể không sử dụng đến chữ Hán và chữ Nôm. Công trình “Khái luận văn tự học chữ Nôm” của tôi góp phần kích thích tôn trọng chữ Nôm, một sáng tạo đặc sắc của dân tộc, một phương tiện không chỉ để thông tin, mà quan trọng hơn là chuyển tải văn hóa từ quá khứ đến hiện tại.

Trong công trình này tôi đã chỉ rõ sự tương đồng và đưa ra phát hiện mới về sự khác biệt đặc trưng giữa chữ Nôm và chữ Hán, qua đó chứng tỏ chữ Nôm không chỉ mô phỏng chữ Hán mà còn có sự sáng tạo riêng của nó. Cụ thể, trong chữ Hán không có một chữ “hội âm” nào và văn tự học chữ Hán cũng chưa có khái niệm “hội âm”, trong khi đó chữ Nôm có một bộ phận hội âm. Phát hiện này khi được công bố đã khiến các học giả quốc tế rất ngạc nhiên.

Không dừng lại ở đó, trong chuyên luận này, lần đầu tiên vấn đề chữ Nôm Việt hội nhập với khu vực và thế giới đã được đề cập. Tôi và những đồng nghiệp của mình đã dành 12 năm để xác lập các mã Unicode cho chữ Nôm, từ đó đưa chữ Nôm lên bàn phím máy tính, giúp người dùng máy tính có thể gõ chữ Nôm trên máy tính giống như gõ chữ Hán, chữ Hàn.

- Ý kiến của giáo sư về vai trò của chữ Nôm trong đời sống văn hóa, xã hội hiện nay như thế nào?

- Công trình dành một chương để trình bày về vai trò của chữ Nôm trong xã hội. Vai trò này được xem xét trong các môi trường khác nhau với văn hóa dân gian, tín ngưỡng và văn hóa, khoa học và giáo dục, chính trị và hành chính quốc gia, văn học và nghệ thuật. Những minh chứng này cho thấy chữ Nôm không hẳn vắng bóng trong đời sống hiện đại. Chữ Nôm là một di sản quý báu của dân tộc, có vai trò đáng trân trọng trong tạo lập nền văn hiến của dân tộc. Ngày nay điều đó đúng không chỉ riêng với chữ Nôm Việt, mà cả với chữ Nôm của các dân tộc anh em. Bởi vậy, nghiên cứu một cách nghiêm túc các hệ chữ Nôm, đặt chúng vào vị thế xứng đáng trong đời sống dân tộc xưa và nay, chính là góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cổ truyền của các dân tộc Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn giáo sư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ Nôm không vắng bóng trong đời sống hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.