Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo, nhập cuộc cùng nhịp phát triển của Hà Nội

Mai Hoa| 22/01/2017 06:50

(HNM) - Như tin đã đưa, lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô năm 2016 vừa được tổ chức trang trọng đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.


Các tác giả đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2016.


Những điểm nhấn ấn tượng

Trong số 26 tác phẩm đoạt giải, có những đề tài đi sâu vào lịch sử và chiều sâu văn hiến Thăng Long - Hà Nội, nhưng đa số tác phẩm tập trung vào đề tài của Thủ đô hôm nay, với những con người đang nỗ lực phấn đấu vươn lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống thanh lịch, văn minh và hiện đại, cống hiến cho cộng đồng vẻ đẹp hài hòa cả về tinh thần và vật chất, truyền thống và cách tân của một Hà Nội đang trên đà đổi mới và hội nhập.

Đơn cử như chùm tác phẩm đoạt giải của Hội Nhà văn Hà Nội. Có 4 tác phẩm của Hội Nhà văn Hà Nội được vinh danh đợt này, gồm "Văn học hiện đại - sáng tạo và tiếp cận" (tập tiểu luận phê bình hơn 500 trang của tác giả Nguyễn Bích Thu), "Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015" (nhà thơ Nguyễn Việt Chiến), "Nhặt lời cho bóng lá" (thơ của Bùi Kim Anh), "Trăng vàng ngồi với trăng vàng" (thơ của Hoàng Việt Hằng). Trong đó, "Văn học hiện đại - sáng tạo và tiếp cận" là một tập sách dày dặn trên 500 trang với cách viết sắc sảo, có khám phá, cách đúc kết có bài bản theo phong cách hàn lâm, nêu lên nhiều hiện tượng và xu thế trong văn học Việt Nam đương đại, bổ ích đối với nhiều tầng lớp độc giả.

Còn với "Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975-2015", nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã giới thiệu và phê bình thơ theo lối cảm nhận riêng, đề cập không chỉ các tác giả trong nước mà cả các tác giả Việt kiều hiện đang sống, làm việc ở nước ngoài, và một phần trong số tác giả có đóng góp về thơ từ các thành thị miền Nam bị tạm chiếm trước đây, nay vẫn còn sáng tác. Tập sách dày trên 1.000 trang, được Hội đồng giám khảo đánh giá là "công trình tổng kết công phu ở thể thống nhất về Thơ Việt Nam đương đại"...

Bên cạnh những tác phẩm đậm chiều sâu của Hội Nhà văn Hà Nội, với các tác phẩm đoạt giải của 8 thể loại (điện ảnh, âm nhạc, văn nghệ dân gian, mỹ thuật, kiến trúc, múa, sân khấu, nhiếp ảnh), chỉ cần điểm qua tên tác phẩm cũng đã phần nào thấy được sự quan tâm của các văn nghệ sĩ với các đề tài gắn bó với Thủ đô. Ví như "Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây"; "Khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an" (Hội Kiến trúc sư Hà Nội); "Giấc mơ Long Biên", "Hà Nội có cây cầu mới" (Hội Mỹ thuật Hà Nội); "Làng ven đô và sự biến đổi văn hóa", "Tục hay lệ lạ Thăng Long - Hà Nội" (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội), "Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội", sách chân dung "Gương mặt nghệ sĩ múa Thủ đô" (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội)...

Có thể nói, mỗi tác phẩm đoạt giải đều mang giá trị riêng, thể hiện suy nghĩ, cảm nhận, sức sáng tạo và tâm huyết của các tác giả; một mặt tạo nên những công trình giàu giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác, luôn bắt nhịp, bám sát hơi thở cuộc sống và thực tiễn sinh động của đời sống xã hội Thủ đô.

Trách nhiệm và tâm thế nhập cuộc

Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ trên đà hội nhập, giới văn nghệ sĩ càng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong sáng tạo các tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, theo được nhịp phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và trao Giải VHNT Thủ đô năm 2016, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: "Lãnh đạo thành phố mong muốn các văn nghệ sĩ, bằng lao động sáng tạo của mình, hãy góp phần tích cực giữ gìn di sản tinh thần vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại, chắt lọc và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng cao đẹp của Thăng Long - Hà Nội, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển văn hóa Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, chung sức, đồng lòng thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".

Cũng bàn về tình yêu Hà Nội và trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ Thủ đô, nhà văn Hoàng Quốc Hải - người đã viết hơn 10.000 trang sách, trong đó phần lớn về đề tài Hà Nội - chia sẻ: "Nếu nhìn vào số lượng sáng tác tác phẩm VHNT, có thể khẳng định Hà Nội là vô địch so với cả nước. Tất nhiên, nhận định về chất lượng còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng chắc chắn giới văn nghệ sĩ Thủ đô có nhiều tác phẩm có thể tồn tại lâu dài. Điều đáng nói ở đây, đó là Hà Nội của chúng ta ngày càng phát triển hiện đại thì các vấn đề về văn hóa ứng xử và đạo đức xã hội càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, văn nghệ sĩ cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong nhiệm vụ này, chung sức cùng lãnh đạo thành phố trong xây dựng nhân cách người Thủ đô".

Thừa nhận những thách thức không nhỏ đang đặt ra đối với giới văn nghệ sĩ Thủ đô, chẳng hạn như tác phẩm phát hành "nhỏ giọt", "nhuận bút không đủ sống", các nhà hát, sân khấu, rạp chiếu phim không còn sức hút như ở thời hoàng kim... nhưng nhà thơ Bằng Việt vẫn tự tin cho rằng, những ưu điểm của 26 tác phẩm VHNT được trao giải kỳ này "giúp chúng ta có những gợi ý lạc quan về cách thức mà các hội viên đã nỗ lực cách tân và đổi mới để tác phẩm đi được vào lòng bạn đọc, làm nên từng dấu ấn tinh thần đáng lưu tâm cho thời đại đang sống".

Với đội ngũ hùng hậu giàu tài năng lại có được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội, có thể tin tưởng rằng giới văn nghệ sĩ Thủ đô sẽ có nhiều điều kiện sáng tác những tác phẩm giá trị, đúng như mong mỏi của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khi tặng bức trướng "Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới và Phát triển" nhân dịp Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội kỷ niệm 50 năm thành lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo, nhập cuộc cùng nhịp phát triển của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.