Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp Tết cổ truyền

Vân Anh| 26/01/2017 07:11

(HNM) - Một vòng quay nữa của đất trời. Xuân mới Đinh Dậu đã ở trước mắt, như thường nghe “Trái đất vẫn xoay từ vạn thuở/Đông qua thời phải tới xuân sang”. Những ngày áp Tết Đinh Dậu, khi Hà Nội tràn ngập bầu không khí chuẩn bị đón xuân mới, những tranh luận về Tết xưa - Tết nay dường như không còn nhiều ý nghĩa:


1. Sáng 28 tháng Chạp năm Bính Thân, Hà Nội dậy sớm. Vẻ hối hả thường nhật dần theo chân hàng trăm nghìn người rời Thủ đô về quê đón xuân mới, để lại bầu không khí thanh bình ở thành phố ngàn tuổi.



Khí xuân ăm ắp mọi nơi, từ khu trung tâm ra ngoại ô thành phố, từ vẻ mãn nguyện của các bà, các chị rời chợ Tết với hàng hóa đủ đầy đến những chuyến xe chở đầy nào quất nào hoa. Những cụ ông hưởng Tết sớm theo cách của mình, thong thả đạp xe trên phố xá đã “lên màu” cờ hoa, cảm nhận bầu không khí Tết cổ truyền đã đến thật gần. Trẻ vào quãng nghỉ đón xuân, theo cha mẹ ra phố, cảm nhận Tết theo cách riêng, qua những món đồ chơi, những bộ quần áo mới, cách chuẩn bị của cha mẹ chúng cho lễ cúng Giao thừa và mâm cỗ đầu năm. Những hàng quà trên phố bắt đầu trưng biển báo nghỉ Tết, hẹn khách vào ngày tốt dịp đầu năm mới. Chợ hoa ở mọi nơi. Muốn mua “hoa thường”, cây cảnh thì lên đường Bưởi. Muốn có hoa Đà Lạt cho lạ mắt thì vào Lotte, BigC. Muốn đào, quất thì qua Cầu Giấy, Hàng Lược, đường Láng, Yên Phụ, Mai Dịch... Bánh kẹo mứt các loại ê hề từ trong siêu thị ra hè đường, rượu bia tràn trên phố. Từ bánh chưng, gà, lợn đến măng, miến, nem, mộc nhĩ, nấm hương, một chuyến ra chợ là có đủ.

Những ngày áp Tết, dọc ngang Hà Nội trong cảnh đủ đầy, vẫn có thể cảm nhận sự thú vị riêng có của Tết cổ truyền, khiến những tranh luận về ý tưởng đòi gộp “tết Ta” vào “tết Tây” trở nên vô nghĩa. Ba ngày trước, 22-1, cùng người bạn từ nước ngoài về Hà Nội đón Tết đến Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tại 50 Đào Duy Từ để xem lại không gian sinh hoạt trong ngày Tết Nguyên đán của người Hà Nội xưa được tái hiện tại đây. Trong ngôi nhà ba gian là ban thờ với mâm ngũ quả, cặp bánh chưng xanh, đào thế, câu đối, những gì không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên đán của các gia đình Việt ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Không kể sự bài trí có dụng ý của nhà tổ chức khi thêm vào không gian cổ kính những vật đã trở nên xa lạ với người thị thành, như giếng nước, căn bếp mái lá, người xem vẫn cảm nhận được điều đặc biệt trong khoảng không gian đậm phong vị Tết. Ở đó có sự ấm cúng, cảm giác thiêng liêng như khi ta biện lễ cảm ơn trời đất tổ tiên trong đêm Giao thừa, như mỗi lần nhớ về những ngày Tết cách nay mấy chục năm, khi cả nước còn thiếu thốn đủ bề. Bạn đồng hành, người chỉ có hai lần về Việt Nam vào dịp Tết trong suốt gần ba chục năm sống ở nước ngoài, nói rằng những gì được thấy ở đây giúp anh thêm niềm tin là không có ngày lễ nào khác, cả ở Việt Nam hay nơi anh đang sống, có thể khiến anh quên đi phong vị Tết cổ truyền của dân tộc. Anh nói khi ra về: “Mình nhớ thời niên thiếu đã trải qua ở đây, những dịp Tết mà cả gia đình gom góp thực phẩm cho ba ngày Tết được tươm tất, bằng người. Giờ đây, sống ở nước ngoài, gì cũng có mà khi Tết đến vẫn thấy trống vắng lạ thường”.

2. “Khó đói chẳng lo ba ngày Tết”. Câu nói xưa giờ không còn nguyên nghĩa cũ. Tết cả, như cách mà nhiều người gọi tên Tết Nguyên đán, giờ diễn ra trong sự đủ đầy với đa số gia đình Hà Nội. Người ta lo cho sự vui chơi giải trí nhiều hơn là nghĩ chuyện mâm cỗ mùng Một sẽ có những gì. Nhưng như thế không có nghĩa Tết đoàn viên mất đi ý nghĩa sum họp, những bài học đạo lý làm người và truyền thống văn hóa được bồi đắp từ ngàn xưa.

Gần Tết Đinh Dậu, đến nhà người thân, lại được nghe kể lại chuyện Tết thời bao cấp. Rằng những năm trước, quãng những năm bảy mươi của thế kỷ trước, dù nhà có năm, sáu người con đã đi làm, lấy vợ lấy chồng có con đề huề cả nhưng Tết đến vẫn góp chung một nồi bánh chưng ở nhà ông bà. Nhà nằm trên phố Lý Thường Kiệt, ngay góc đường giao với phố Bà Triệu. Chừng 27-28 tháng Chạp là dâu rể xúm lại đãi đỗ vo gạo gói bánh. Từng ấy gia đình nhỏ, cả thảy phải gói khoảng trên năm chục chiếc, chưa kể bánh chưng bé cho lũ cháu đã bắt đầu biết “quyền” của mình. Mẻ bánh quy cho dịp Tết cũng được làm chung, các gia đình góp bột mỳ, đường, sữa rồi giao cho một người mang sang nhà bên kia đường có khuôn cắt, nướng hộ. Tối 30, cả nhà sum họp bên bữa cơm tất niên, gần Giao thừa thì tất cả đi bộ lên hồ Hoàn Kiếm ngóng pháo hoa, hòa trong dòng người từ khắp nơi đổ về tận hưởng cảm giác đặc biệt mỗi năm chỉ có một lần. Qua Giao thừa, cả nhà về lại nhà ông bà, nghe chúc Tết và chương trình thơ muộn rồi người lớn chia bài chơi tam cúc, vui vô kể. Lũ trẻ ngủ sớm, chờ sớm mùng Một ông bà mừng tuổi với lời chúc mau nhớn, học giỏi. Sau bữa trưa mùng Một thì các gia đình nhỏ mới đưa nhau đi chúc Tết bên nội, bên ngoại của mình.

Hôm trước, sau ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công, ông Táo, qua cửa hàng sách trên đường Phạm Văn Đồng, tìm được cuốn “Tết năm mới ở Việt Nam” của Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin. Sách được xuất bản vào năm 1999, có phần biên về Tết Nguyên đán của người Việt nói chung và một phần riêng về đặc điểm Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc ít người. Ra cách nay đã gần hai chục năm, tức chưa phải lúc người Việt đón Tết Dương lịch rầm rộ như bây giờ, những kỳ lễ khác như Noel cũng chưa được người người hưởng ứng nhiệt tình và tất nhiên là cũng chưa xuất hiện ý tưởng đòi “gộp Tết” như đã thấy gần đây, không rõ nguyên cớ từ đâu mà nhóm tác giả biên soạn cuốn sách này đưa ra dự báo khá thú vị về Tết Nguyên đán: “Chúng tôi - những người biên soạn cuốn sách này - có một dự cảm khoa học rằng: Khi nền kinh tế, chính trị, xã hội của ta càng phát triển thì Tết cả của ta sẽ càng mang tính ổn định hơn và xu hướng của nó sẽ là sự ưu thắng của văn hóa cổ truyền”.

Giờ đây, khi chuẩn bị tới giờ khắc tiễn năm cũ Bính Thân, đón năm mới Đinh Dậu, có thể cảm nhận rõ hơn về vị thế không thể thay thế của Tết Nguyên đán trong lòng người và trong hiện thực - điều mà các nhà nghiên cứu đã dự báo từ gần hai chục năm trước - nhờ yếu tố truyền thống mà nó chuyên chở, chứ không phải chỉ do sự đủ đầy hay thú vui tao nhã trong dịp này. Chuyện cũ sẽ mãi được kể lại, như ông bà kể lại ngày nào và giờ đến lượt chúng ta kể lại cho con cháu. Về những cái Tết đáng nhớ trong lịch sử nước Việt, như dân thành Thăng Long ăn Tết Mậu Thân 1428 “to chưa từng thấy” sau khi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh tan giặc Minh, như Tết Kỷ Dậu 1789 nghĩa quân Tây Sơn giúp Thăng Long sạch bóng quân Thanh xâm lược, như Tết năm 1973 khi Hiệp định Paris được ký và người Hà Nội trở về đón xuân mới trong không khí yên bình. Về những cái Tết thời bao cấp thiếu hụt triền miên nhưng ấm áp tình người, không thể nào quên… Đó là sợi dây liên kết các thế hệ, là nơi trao gửi, gìn giữ vẻ đẹp riêng có của Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp Tết cổ truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.