Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vui Tết, chơi xuân

Minh Ngọc - An Nhi| 26/01/2017 07:29

(HNM) - Xuân Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần, người Hà Nội không chỉ sắm Tết, mà còn thưởng thức Tết, chơi Tết qua những thú vui tao nhã từ xưa đến nay khi không gian truyền thống được tái hiện ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, những chương trình biểu diễn nghệ thuật đậm đà sắc xuân từ các sân khấu ngoài trời, rạp chiếu


Thấy hồn xưa trong Tết nay

Bên Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hơn 70 “ông đồ” vừa chăm chú viết chữ, vừa chia sẻ với người yêu nghệ thuật thư pháp ý nghĩa của từng nét chữ được viết ra. Theo ông Kiều Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Việt tâm bút Hà Nội, tục xin chữ của người Việt bắt nguồn từ sự hiếu học khi mọi người đến nhà thầy đồ xin chữ. Mỗi nét chữ được viết ra bởi bàn tay tài hoa, khéo léo, trí tuệ của các thầy đồ chứa đựng, chuyển tải thông điệp về tình cảm, tình yêu gia đình, tôn sư trọng đạo, giúp con người sống hướng thiện, có tinh thần, ý chí phấn đấu trong lao động, học tập.

Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút đông đảo bạn trẻ. Ảnh: Nhật Nam



Hội chữ năm nay được đánh giá cao về sự đổi mới trong công tác tổ chức. “Lều chõng” bằng tranh tre, nứa lá thay cho lều bạt, sắp đặt thành những dãy hàng tựa như những phiên chợ quê tạo cảm giác ấm cúng, thân thiện cho khách tham quan. Nhằm đáp ứng nhu cầu “xin chữ” đầu xuân, Hội chữ Xuân Văn Miếu hoạt động liên tục từ 8h30 đến 20h các ngày từ 21-1 đến 11-2 (tức 24 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng), riêng ngày 30 Tết Âm lịch sẽ hoạt động đến 2h sáng hôm sau, còn ngày mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch, hội chữ hoạt động đến 22h. Ngoài Hội chữ Xuân, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn phối hợp với các đoàn, câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống biểu diễn ca trù, quan họ, hát ví giặm… tại khu vực Hồ Văn; tổ chức chơi cờ người, cờ bỏi; giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử và các chương trình nghệ thuật tổng hợp tại sân Thái Học, vườn Giám…

Gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tái hiện không khí Tết Việt tại di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (số 9 Hoàng Diệu, Ba Đình) phục vụ khách tham quan trước, trong và sau Tết. Ngoài các di vật, hiện vật và khu vực khảo cổ mới phát lộ năm 2016, đến đây du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa đón Tết của người Việt qua các triển lãm tranh, ảnh, hiện vật. Không gian trưng bày, triển lãm của Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ); Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây… trong khu phố cổ Hà Nội cũng được sắp đặt, bài trí tương tự các gia đình Hà Nội và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây (từ ngày 19-1 đến 12-2), các họa sĩ liên tục giới thiệu, trình diễn nghệ thuật viết thư pháp, vẽ tranh dân gian ngày Tết… Đặc biệt, các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống sẽ biểu diễn âm nhạc phục vụ nhân dân tại đình Kim Ngân vào tối 29-1 (mùng 2 Tết); tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) vào tối 30-1 (mùng 3 Tết), tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ vào tối 31-1 (mùng 4 Tết), tại Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) vào tối 31-1 (mùng 5 Tết).

Ngập tràn niềm vui

Ngoài thưởng lãm các không gian văn hóa, những chương trình biểu diễn nghệ thuật với không khí vui tươi, cũng thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng Thủ đô, đặc biệt là vào đêm Giao thừa.

Từ 21h ngày 27-1 (30 Tết), những chương trình nghệ thuật lớn được tổ chức tại nhiều tụ điểm văn hóa ngoài trời mà người dân Thủ đô thường chọn lựa tập trung đón Giao thừa. Tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ đem đến chương trình tổng hợp các bài hát dân ca và trích đoạn chèo ngày xuân ở sân khấu Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám. Cách đó không xa, tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, có chương trình ca múa nhạc “Xuân quê hương” với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng. Tại sân khấu ở trung tâm quận Tây Hồ, đêm Giao thừa có các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long biểu diễn chương trình “Mừng Đảng, mừng Xuân” với nhiều tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, Thủ đô Hà Nội và về mùa xuân...

Cũng vào ngày 30 Tết, những chương trình truyền hình quen thuộc được công chúng đón đợi cũng rất hấp dẫn: “Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2017” vẫn lên hình từ 20h ngày 27-1 trên các kênh gộp sóng của VTV, với các gương mặt hài quen thuộc Quốc Khánh, Chí Trung, Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung, Quang Thắng... Những vấn đề nổi cộm trong năm thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường... được diễn với những lời thoại thâm thúy, hóm hỉnh sẽ mang đến cho mọi người tiếng cười cùng nhiều suy ngẫm trong đêm cuối năm.

Những ngày Tết tiếp theo, VTV liên tục mang đến các chương trình được dàn dựng vui tươi. “Đồng dao cánh én” là chương trình nghệ thuật phát sớm nhất của VTV trong năm Đinh Dậu - vào 0h5’ ngày 28-1 (mùng 1 Tết) trên VTV3. Người xem sẽ được thưởng thức Tết Việt của đồng bào 3 miền, với những phong tục tập quán, giai điệu âm nhạc đặc trưng. Vào 20h ngày 29-1 (mùng 2 Tết), “Gala Cười 2017” phát sóng trên VTV3 với hàng loạt tiểu phẩm vui nhộn, sáng tạo đem lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả như “Ông tơ, bà nguyệt”, “Bác thằng bần gặp thần lưu ly”, “Món nợ khó đòi”, “Cắp gặp cướp”. Chương trình quen thuộc với sự dẫn dắt của nhà báo Lại Văn Sâm là “12 con giáp” sẽ lên sóng VTV3 vào 20h ngày 30-1 (tức mùng 3 Tết). Vẫn là cuộc gặp gỡ các khách mời thuộc 12 con giáp có thành tích nổi bật trong năm 2016 của các lĩnh vực, nhưng chương trình luôn hấp dẫn bởi dành cho khán giả những màn trình diễn và tiết mục ấn tượng…

Hàng loạt các bộ phim được chuẩn bị công phu và giới thiệu rầm rộ thời gian qua cũng ra mắt tại các rạp vào những ngày Tết sắp tới. Phim Việt Nam “Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kung - Fu” khởi chiếu vào ngày 28-1 (mùng 1 Tết), trong khi “Nàng tiên có 5 nhà” ra rạp trước đó một ngày 27-1 (30 Tết). Các phim Mỹ “xXx: Phản đòn”, “Resident Evil: The Final Chapter” cùng khởi chiếu vào ngày 27-1 (30 Tết)… Những không gian, chương trình phong phú trong dịp Tết Nguyên đán sẽ đem lại giây phút vui vẻ, đáng nhớ trong mỗi người. Đồng thời, người Việt sẽ hiểu hơn về những giá trị văn hóa, truyền thống đạo lý tốt đẹp dân tộc nhằm chung tay giữ gìn, phát huy giá trị, phục vụ sự phát triển của quê hương, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui Tết, chơi xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.