Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nếp xưa để quê hương luôn gần

Nguyễn Quang Long| 27/01/2017 08:02

(HNM) - Trong tâm thức người Việt, Tết thường có vị trí đặc biệt. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta, dù có ở nơi đâu cũng đều hướng về tổ tiên, nơi chôn nhau, cắt rốn...



Ca sĩ Lệ Quyên: Tết là lúc nhớ Hà Nội nhất

Mình định cư tại Pháp từ năm 1990, đến nay đã bước sang năm thứ 27. Những năm đầu mới sang Paris nhớ Hà Nội lắm. Anh chồng cũng chiều nên cố tình mua nhà ở ngoại ô Paris, nơi có tới 34 cái hồ và có những ngôi biệt thự kiến trúc theo lối cổ. Vì mình sinh ở phố cổ Hà Nội, phố Lương Ngọc Quyến, rất gần hồ Hoàn Kiếm.

Những ngày đầu tiên sang Pháp, hai vợ chồng đi bộ cùng nhau, mình cứ lẩm nhẩm bài hát Hướng về Hà Nội, bao giờ đến câu hát "Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, thanh bình tiếng guốc reo vui" thì lại khóc. Nước mắt cứ trào hết cả ra. Song rồi dần dần cũng quen, nhưng cứ đến Tết là dịp nhớ Hà Nội nhất. Cho đến bây giờ mình vẫn giữ nếp mâm cơm cúng như hồi ăn Tết ở Hà Nội, tự tay gói bánh chưng, làm dưa góp, làm giò chả, gà luộc, rồi bát canh măng, mọc, bóng. Riêng bóng và măng năm nào cũng phải gửi từ Việt Nam sang vì bên này không ngon bằng. Nói thì có khi có người tưởng mình mê tín, nhưng đến bây giờ mình vẫn kiêng không quét nhà đêm ba mươi cho đến ngày mùng Một. Hoặc có quét nhưng rác thu lại ở một chỗ chứ không đổ đi ngay.

Mẹ mình (NSƯT Khánh Hợi, một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng) năm nay đã 94 tuổi đang ở cùng mình. Bà luôn thấy vui vì những điều này. Các cháu cũng ý thức được và trân trọng những điều đó. Càng xa Việt Nam, xa Hà Nội càng muốn giữ lại những điều ấy để thấy quê hương luôn gần.

Ca sĩ Thu Phương: Tết là thiêng liêng

Cứ nhắc đến Tết là lại thấy xốn xang. Thực ra, cái sự chuẩn bị Tết, mà lại Tết nghèo nữa mới hay, mới hạnh phúc. Phương không bao giờ quên được đêm giao thừa đi hái những cành khế, cành lộc về treo. Nhớ mãi cảm giác mang chăn quần áo ra phơi đầy sân, rồi ngồi lau lá bánh... Nhất là sau này khi lên Hà Nội, rồi đi nửa vòng trái đất sống thì càng nhớ điều đó nhiều hơn.

Vì thế mà sang Mỹ sống rồi nhưng Phương vẫn thấy dịp Tết thật đặc biệt, tưng bừng. Các con khăn đóng áo dài, đi chợ hoa của cộng đồng. Đến ngày đến tháng là phải mua cá về cúng ông Công, ông Táo. Đêm 30 không làm gì ngoài việc cúng giao thừa. Mọi năm Phương mua bánh chưng, nhưng năm nay bố Phương sẽ gói. Sẽ trải chiếu ngoài sân cho các cháu ngồi xung quanh, để biết được cái lễ Tết dân tộc là sẽ như thế. Thậm chí đi kiếm mua lá mùi già để chiều 30 đun nước cho các con rửa mặt, nếu không có phải đun lá mùi thường (cười). Phương thích lắm.

Chuẩn bị Tết, thậm chí nấu một tô miến gà cũng hít hà tận hưởng. Gia đình Phương vẫn giữ phong tục mừng tuổi. Phương muốn gia đình mình phải sống đúng không gian ấy. Năm nào cũng bật ti vi, phải xem Táo quân mà ở nước ngoài khổ lắm, ở nhà 17h chiều bắt đầu cầu truyền hình thì Mỹ sẽ là 3h sáng. Như vậy sẽ phải thức từ 3h cho đến 9h sáng hôm sau, tương đương với thời khắc giao thừa ở nhà. Xong Táo quân thì nghe Chủ tịch nước chúc Tết đồng bào. Đối với kiều bào ở nước ngoài điều đấy nó thiêng liêng vô cùng.

Sống ở nước ngoài thương lắm, phải dùng chữ "thương". Mình không những thương bản thân mà thương cả những người xung quanh giống mình. Cái cảnh bưng mâm cơm ra ngoài sân cúng giao thừa, cúng đất trời, tổ tiên trong khi xung quanh tĩnh lặng, không gian thì nó Tây, chẳng có cái gì. Phương sống xa quê hương nên muốn giữ tất cả những điều đấy. Nhất là bây giờ giữ cho con cái, để các cháu hiểu Tết dân tộc sẽ là không gian như vậy, món ăn như vậy. Bởi đối với Phương, Tết là truyền thống, là thiêng liêng.

Nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam: Mâm cỗ cúng tổ tiên rất quan trọng

Tết Việt Nam thì cộng đồng người Việt ở Đức thường có nhiều sinh hoạt. Khoảng 15 năm trước tôi thường tham gia giúp chương trình văn nghệ, sau này do công việc và gia đình, không có nhiều thời gian nên tôi ít tham gia hơn. Bên này ăn tết Tây là chính. Vì lúc đó dân bản xứ cũng nghỉ ngơi nhiều, bọn trẻ con được nghỉ đông hai tuần, nên có thời gian về thăm gia đình, ông bà nội. Còn Tết Nguyên đán thường ít đi đâu được do mọi người và cả bọn trẻ đều không được nghỉ. Nhưng nếu Tết năm nào vào đúng ngày nghỉ thì cả nhà sẽ dành thời gian lên chùa thắp nhang cúng Phật. Bọn trẻ cũng vái lạy, rồi được sư thầy lì xì phong bao màu đỏ, trong đó có tờ 1 euro và còn bốc thẻ đầu năm nữa. Dẫu bọn trẻ đọc thẻ chẳng hiểu gì nhưng vẫn rất thích. Những ngày Tết tôi cũng thường dành thời gian cho bạn bè thật thân, gặp gỡ bà con ở những buổi sinh hoạt cộng đồng tại Munich.

Tôi rời Việt Nam từ năm 1989, từ đó chưa có dịp được trở về ăn Tết lần nào nữa, cho nên ngày Tết của tôi và bọn nhỏ còn một việc không thể thiếu đó là gọi điện về Việt Nam chúc Tết ông bà ngoại (vợ chồng nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, tác giả ca khúc Huế tình yêu của tôi hiện ở tại TP Hồ Chí Minh). Còn một việc rất quan trọng là năm nào cũng phải làm mâm cơm cúng. Lúc trước thì tôi làm cỗ mặn, nhưng từ khi bà nội mấy đứa nhỏ về với tổ tiên đúng dịp Tết tôi chuyển sang cúng chay. Dù có thay đổi hay giảm bớt tối đa những thứ khác thì mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà ngày Tết mang ý nghĩa đặc biệt mà người Việt chúng ta không thể bỏ qua được.

Nghệ sĩ opera Tùng Lâm: Tết là dịp hướng về cội nguồn

Bà xã mình (nghệ sĩ Phương Mai, giải Nhất cuộc thi Hát thính phòng nhạc kịch toàn quốc lần thứ IV năm 2009) sang Nga học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Liên bang Nga Gneshin trước mình một năm, đến bây giờ đã được 4 năm, còn với mình đã 3 năm ở nước Nga. Với mình năm đầu tiên sang Nga cũng là Tết đầu tiên xa nhà với nhiều kỷ niệm nhất, khó quên nhất trong cuộc đời. Tết đầu tiên xa quê hương, gia đình nhưng lại có một niềm hạnh phúc ngập tràn là trước Tết 2 tháng chúng mình chào đón hai bé sinh đôi Bông và Chíp. Vì ở Nga nên dịp Tết Nguyên đán chúng mình không được nghỉ mà vẫn phải học tập miệt mài. Nhưng cứ dịp Tết lòng lại thấy có một cảm giác đặc biệt, bồi hồi lắm, muốn về lắm. Nhớ khung cảnh chợ hoa, cảnh đường phố nhộn nhịp hay mùi hương ngày Tết và giây phút giao thừa của đêm 30 sum vầy gia đình.

Ngày còn ở Việt Nam, Tết nào mình cũng là người đi chợ hoa chọn mua những cây đào ưng ý nhất về nhà trang trí, rồi giúp bố mẹ dọn nhà, nấu nướng. Còn Tết ở bên này cũng không thiếu thốn lắm. Ở những trường nhiều sinh viên Việt Nam, các bạn tổ chức, phân công nhau trang trí, nấu những món ăn truyền thống, có cả gói bánh chưng, làm nem, luộc gà... Còn trường mình chỉ có 3 sinh viên Việt và phòng cũng nhỏ nên không tổ chức được và thường được các bạn trường khác mời đến tham dự. Cũng có khi các anh chị người Việt sống tại Nga đón đến nhà chơi trong những ngày Tết. Cùng đi chúc Tết mọi người, cùng ăn những món ăn truyền thống. Hai vợ chồng mình cũng thường đến Đại sứ quán Việt Nam thắp hương lễ Bác Hồ, đi chùa cầu bình an cho mọi người trong gia đình ngày mùng Một đầu năm. Hai vợ chồng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật như Xuân quê hương do Đại sứ quán tổ chức phục vụ bà con kiều bào.

Nói chung mọi người bên này cũng chuẩn bị chu đáo lắm. Quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị mâm cỗ để thắp hương đón một Tết cổ truyền như bao người Việt ở nhà. Đó là văn hóa dân tộc, là cội nguồn mà, chỉ có thiếu cái không khí ngày Tết ở quê nhà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nếp xưa để quê hương luôn gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.