Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ di sản bằng công nghệ hiện đại

Thảo Nguyên| 29/01/2017 17:14

(HNM) - Mỗi lần đi qua ngôi chùa hay đình, đền cổ, tôi thường chạnh lòng tự hỏi, rồi những cột, những kèo, những vì, những đầu đao hay những mảng chạm khắc tuyệt đẹp này sẽ ra sao trước sự bào mòn của thời gian, mưa nắng và sự vô tình của chính con người? Ai sẽ là người gìn giữ chúng cho thế hệ mai sau?


Cách đây hơn 1 năm, Nguyễn Trí Quang, khi ấy mới 18 tuổi, đã cho ra mắt một phòng bảo tàng điêu khắc cổ Đại Việt trong không gian 3D với những tác phẩm tiêu biểu được tập hợp từ các đình, đền, chùa, miếu, cung điện… mà em gọi là phòng triển lãm VR3D. Đó là kết quả của những chuyến điền dã đến những ngôi chùa, những di tích cổ ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Cha em là nhà điêu khắc, hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn di sản, nhà lại có một xưởng thủ công mỹ nghệ nhỏ nên hay tổ chức những chuyến đi như vậy. Từ nhỏ Quang đã rất thích thú với những chuyến điền dã cùng gia đình. Đến đâu em cũng say sưa chụp ảnh rồi mày mò tự scan ảnh chụp bằng công nghệ 3D và lưu giữ chúng trong "phòng triển lãm" của mình. Với mỗi bức tượng, hiện vật, linh vật hay mỗi cánh cổng chùa, đình cổ được quét 3D như vậy, Quang lại tự tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của chúng.


Khi "bộ sưu tập" lên đến hơn 300 hiện vật thì Quang bắt đầu số hóa hoàn thiện một công trình tổng thể. Công trình đầu tiên là ngôi đình cổ Tiền Lệ (thuộc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, Hà Nội) mà sau này em chia sẻ: "Ước mơ của em đã hoàn thành, cũng là một trở ngại lớn đã vượt qua. Ngẫm lại thì từ lúc lên ý tưởng, mua thiết bị, tìm di tích..., tất cả như được thôi thúc, sắp sẵn để hướng đến nơi đây". Với công trình này, em đã lưu giữ gần như nguyên trạng một ngôi đình ảo với nhiều công năng thiết thực như một ngôi đình cổ thật.

VR3D là công nghệ mô phỏng mọi vật chân thực hơn trong trình duyệt web. Mọi vật được hiển thị trong môi trường 3 chiều, người xem có toàn quyền tương tác, xoay lật nó để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào. Vì vậy, ngôi đình ảo Tiền Lệ này sẽ được lưu giữ trường tồn trong không gian 3D. Những người làm công tác quản lý, tu bổ sẽ có một tham chiếu chính xác với đầy đủ màu sắc, kích thước, mặt cắt ngay cả khi di tích thực đã hạ giải. Những sai lệch, biến dạng khi sửa chữa, trùng tu dễ dàng được phát hiện và điều chỉnh...

Người nghiên cứu có cơ hội thỏa thích bóc tách, đo vẽ cấu kiện, xem bản dập của cả khu di tích. Và người yêu di sản có thể tham quan ngôi đình từ bất cứ đâu, bởi tất cả công nghệ này đã được Quang tối ưu hóa để phù hợp với mọi phương tiện như máy tính, điện thoại và mọi đường truyền mà không cần thêm bất kỳ một phương tiện hỗ trợ nào.

Những bản sao 3D chất lượng của Nguyễn Trí Quang như một sự bảo hiểm cho các di sản quý. Để có được thành tựu này, Quang đã làm việc ròng rã suốt 4 tháng trời tại thực địa, chưa kể 2 năm học hỏi và thử nghiệm. Công trình cần thu thập và xử lý một lượng dữ liệu cực kỳ lớn, gấp vài trăm lần dữ liệu của một bức tượng. Phải tiến hành chụp, quét và xử lý hậu kỳ từng phiên bản nhỏ, từng ngóc ngách chi tiết, ghi nhận từng thớ gỗ, kẽ gạch… của ngôi đình.

Để đến bây giờ, Quang có thể tự hào rằng chất lượng kỹ thuật mà VR3D thực hiện ở di tích này chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Trong vài năm tới cũng khó có công trình lớn nào đạt chất lượng số hóa và tương tác 3D chuyên sâu mà tiện lợi như ngôi đình này! Sau khi hoàn thiện nó, Quang còn cập nhật thêm cả tính năng xem bằng kính VR, hỗ trợ mọi loại kính (xem ngay trên web, không cần cài đặt) để những người tham quan có cảm giác được thực sự đi trong di tích.

Cháy hết mình với đam mê

Những giá trị mà Nguyễn Trí Quang cống hiến cho công tác bảo tồn di sản Việt không thể nói hết bằng lời. Nhưng không nhiều người biết, tất cả những gì em làm được đều là do em tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. Điều đó xuất phát từ niềm đam mê công nghệ, máy tính và văn hóa Việt của em. Đam mê đến nỗi, em đã xin gia đình cho nghỉ học từ năm lớp 9 để tập trung phát triển khả năng thiên bẩm của mình. Sau một đề án do Quang tự viết, cả nhà đã đồng ý và ủng hộ cho em cháy hết mình với đam mê khi bản thân em tin rằng con đường mình chọn là đúng. Quang tự học lập trình máy tính, tự tìm hiểu công nghệ 3D, tự học tiếng Anh, tự đọc sách văn hóa và tự nghiên cứu lịch sử. Với sự ủng hộ, tạo điều kiện của gia đình, em được tiếp cận với những công nghệ mới nhất của thế giới và phát triển nó thành "chưa từng có tiền lệ" trên thế giới.

Câu chuyện về Nguyễn Trí Quang hẳn sẽ khiến nhiều người… sốc! Có chút lấn cấn, lăn tăn khi em nghỉ học từ quá sớm nhưng hơn tất cả là sự thán phục trước đam mê, trí thông minh và khả năng làm việc tuyệt vời như một chuyên gia di sản của em. Những lấn cấn ấy hoàn toàn bị xóa tan khi đọc những dòng em viết, thấy những hiểu biết của em về văn hóa Việt.

Công nghệ số hóa 3D của Nguyễn Trí Quang không chỉ là niềm hy vọng cho việc bảo tồn vĩnh viễn những di sản quý của Việt Nam mà còn là công cụ tuyệt vời để lan tỏa, quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam với thế giới. Điều này đã được khẳng định khi ngôi đình ảo Tiền Lệ mà Quang vừa thực hiện được giới thiệu trên nhiều tờ báo quốc tế như một công trình kỹ thuật tuyệt hảo. Đó cũng là một bước tiến đáng kể về mặt kỹ thuật công nghệ của Nguyễn Trí Quang.

Sau những linh vật, những biểu tượng và công trình di tích, di sản được hoàn thiện, Nguyễn Trí Quang sẽ tiếp tục số hóa những di sản bình dị, vô danh, nằm ngoài nguồn lực bảo tồn của nhà nước, đó là những ngôi nhà cổ, cánh cổng, khoảnh sân, bể nước hay thậm chí là công cụ sản xuất của nhà nông, những thứ mà có thể chỉ một thời gian ngắn nữa thôi sẽ không còn tồn tại trong cuộc sống của chính người Việt. Quang làm điều này bởi em cho rằng, những di sản dạng này rất đa dạng và khó tìm (không có địa chỉ rõ ràng như đình chùa, cũng không có phong cách cụ thể qua từng triều đại hay niên đại lịch sử). Chúng phản ánh cuộc sống bình dị xung quanh chúng ta nhưng lại dễ dàng bị chúng ta lãng quên nhất. Em muốn lưu giữ lại chúng và mong muốn mọi người cùng giúp em lưu giữ chúng.

"Giúp em" ở đây chính là sự tương tác trực tiếp hay xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản, Quang kêu gọi mọi người nếu phát hiện thấy những vật dụng, những công trình đẹp, có giá trị văn hóa lịch sử thì gửi cho nhóm em ảnh chụp và địa chỉ. Em và những đồng sự của mình sẽ sàng lọc rồi lên kế hoạch số hóa theo từng vệt địa bàn. Và Nguyễn Trí Quang tin rằng, với sự giúp đỡ của cộng đồng, những giá trị tinh thần của người Việt sẽ được lưu giữ và bảo tồn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ di sản bằng công nghệ hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.