Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài học nào từ “sự cố” trong ngày khai hội Chùa Hương?

Hoàng Lân| 03/02/2017 20:25

(HNMO) – Mùa hội xuân Đinh Dậu 2017 mới bắt đầu nhưng đây đó đã xuất hiện những hình ảnh phản cảm, điển hình như hành vi cướp lộc trong ngày khai hội Chùa Hương, hình ảnh đám đông chen lấn xô đẩy tại Lễ hội Đền Sóc...


Sự việc ngoài kế hoạch

Ngày 2-2, trên địa bàn Hà Nội đồng loạt diễn ra lễ khai hội tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Mỹ Đức. Đó đều là những lễ hội lớn: Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội đền Cổ Loa và Lễ hội đền Hai Bà Trưng. Tất cả các lễ hội này đều có tầm quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng nói chung, không chỉ với cư dân Hà Nội. Có lễ hội bao hàm nghi thức, nội dung đã được công nhận là một phần di sản văn hóa thế giới (Hội Gióng). Có lễ hội kéo dài đến 3 tháng, thu hút hàng triệu người về tham gia, chiêm bái...

Sự cố phát lộc phản cảm ở Chùa Hương không nằm trong kế hoạch của BTC Lễ hội Chùa Hương (Ảnh: Zing).


Những năm trước đây, tại những lễ hội này không thiếu chuyện phản cảm xảy ra, từ nạn “cướp lộc” đến hành vi bói toán, kinh doanh sách mê tín dị đoan, đổi tiền mệnh giá nhỏ để thu lợi, xả rác bừa bãi, hàng quán lộn xộn trong khu vực tổ chức lễ hội... Sau nhiều năm các cấp chính quyền kiên trì thực hiện giải pháp chấn chỉnh việc tổ chức, các lễ hội đã dần đi vào quy củ, những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa tại lễ hội ngày càng ít xảy ra.

Chính vì vậy, năm nay, ngay trong ngày khai hội Chùa Hương và Đền Sóc, việc tại hai nơi này xảy ra hành vi “cướp lộc” đã gây bức xúc trong dư luận. Trên mạng xã hội, sau khi đoạn clip về việc một nhà sư tại Chùa Hương phát lộc cho người dự hội, dẫn đến cảnh tranh cướp được đưa lên, cư dân mạng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với hành vi này. Nhiều người cho rằng đó là hành vi báng bổ đức tin, những người tham gia trò tranh đoạt không chỉ thể hiện hành vi ứng xử thiếu văn minh, tự làm xấu hình ảnh bản thân, mà còn làm vẩn đục bầu không khí linh thiêng, thấm đẫm chất văn hóa truyền thống của người Việt trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Rất nhiều người chen lấn, xô đẩy tranh cướp lộc đã tạo nên hình ảnh phản cảm trong ngày khai hội Chùa Hương.


Ngày 3-2, trả lời báo giới về “sự cố” trong ngày khai hội Chùa Hương 2017, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2017 khẳng định, việc phát lộc dẫn đến tranh cướp, khiến dư luận bức xúc là việc không có trong kế hoạch của BTC. Một nhà sư đã thực hiện việc phát lộc và BTC Lễ hội đã có ý kiến với nhà chùa về việc này, tránh để xảy ra “sự cố” tương tự.

Cần có phương án, giải pháp linh hoạt

Nhìn tổng thể, hoạt động lễ hội tại Việt Nam ngày càng trở nên quy củ hơn. Dù còn có “sạn” nhưng không thể phủ nhận sự tiến bộ trong công tác tổ chức Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Sóc, Lễ khai ấn Đền Trần… Có được điều đó là nhờ công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều giải pháp đã được thực hiện, bao gồm nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quy hoạch hệ thống hàng quán, phân luồng giao thông…

Trước đó là hành vi cướp lộc tại Hội đền Sóc cũng khiến nhiều người bức xúc vì hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận đám đông.


Tuy vậy, với hiện tượng tranh cướp lộc vừa xảy ra tại Chùa Hương, Đền Sóc, cần phải thấy rằng, tâm lý đám đông, ý thức bằng mọi giá có được lộc chùa, lộc thánh cho riêng mình là nguyên nhân dẫn đến cảnh chen lấn, tranh đoạt, như đã từng thấy tại Lễ khai ấn Đền Trần nhiều năm trước đây. Đó là những "sự cố" có thể xảy ra tại lễ hội, có thể dự đoán trước. Bởi thế, để những hành vi phản cảm đó không xảy ra trong mùa lễ hội, điều cần thiết đối với BTC lễ hội là phải có phương án dự phòng, có giải pháp riêng cho những tình huống phát sinh. Có thể giả định về tình huống có thể xảy ra như: ùn tắc, đám đông hỗn loạn, những bãi giữ xe lấy giá “trên trời”…, từ đó hình thành phương án đối phó một cách hiệu quả.

Chuyện “cướp lộc” ở Lễ hội Chùa Hương đã qua đi, không phải là sự cố lớn nhưng để lại trong dư luận sự nhức nhối về cách ứng xử của một bộ phận người Việt. Sự nhức nhối đó có thể tái phát nếu bài học về sự cố này không được phổ biến rộng rãi, thúc đẩy các địa phương trong cả nước có tổ chức lễ hội trong thời gian tới tăng cường giải pháp cho những tình huống phát sinh, trước mắt là tại Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định), Hội Gióng ở đền Phù Đổng (Hà Nội), Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)… Bài học ở đây là ngoài tăng cường việc tuyên truyền về lề lối ứng xử văn minh khi tham gia lễ hội, các địa phương cần phải dự kiến tình huống có thể xảy ra và có giải pháp cụ thể cho từng tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học nào từ “sự cố” trong ngày khai hội Chùa Hương?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.