Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kể chuyện làng nghề bằng nghệ thuật kiến trúc

Mai Hoa| 05/02/2017 07:08

(HNM) - Gương mặt cương nghị, dễ tạo ấn tượng tin cậy ngay lần đầu tiếp xúc, KTS Nguyễn Văn Nguyên bước lên bục nhận giải thưởng kiến trúc Công trình của năm dành cho Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An - trong tiếng vỗ tay nhiệt thành của khán giả và đồng nghiệp.

Toàn cảnh công trình Công viên gốm đất nung Thanh Hà - Hội An.


KTS Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: "Tôi muốn công trình gốm này sẽ tăng cường kết nối truyền thống trong làng nghề. Giải thưởng là động lực để chúng tôi tiếp tục kể câu chuyện về những làng nghề trong giai đoạn sắp tới".

Kiến trúc vì cộng đồng

Không phải đến khi được Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam trao Giải thưởng Ashui Awards năm 2016 vinh danh Công trình của năm (tổ chức dịp trung tuần tháng 1-2017), Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An mới được nhiều người biết tới. Bản thân Giải thưởng Ashui Awards được tổ chức dựa trên bình chọn của cộng đồng (50%) và của Hội đồng tuyển chọn (50%) thông qua website: http://ashui.com/awards/. Vì vậy, như đánh giá của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, "các cá nhân, tập thể được nhận giải thưởng này đã có được sự ghi nhận của cộng đồng xã hội, của đồng nghiệp - và đó là điều thực sự ý nghĩa".

Trước đó, trong các hội thảo liên quan đến kiến trúc vì cộng đồng (KTVCĐ) - chủ đề chính của Hội KTS Việt Nam trong năm 2016 - Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An thường được nêu ra như một "ví dụ thú vị về cách làm KTVCĐ đầy tâm huyết, táo bạo, đương đầu với rủi ro" - như cách nói của KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch CLB KTS trẻ Việt Nam.

Khởi nguồn cho ý tưởng xây dựng công trình này cũng là cả một câu chuyện hấp dẫn. KTS Nguyễn Văn Nguyên là người con của đất Hội An, sau những năm tháng làm nghề và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, chàng KTS trẻ vẫn luôn giữ mối liên lạc với quê hương. Khi biết được dự án khôi phục làng nghề gốm truyền thống Thanh Hà tại Hội An, Nguyễn Văn Nguyên đã trăn trở, suy tư, quyết theo đuổi giấc mơ về việc góp sức xây dựng một không gian sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa đời sống địa phương. Việc can đảm nhận trách nhiệm đầu tư, lên đề án, thuyết phục chính quyền, cộng đồng, tự bỏ vốn, tham gia xây dựng, mời các nghệ nhân cùng góp sức và tổ chức vận hành đời sống công trình từ năm 2015 đến nay, câu chuyện đó thật hấp dẫn và vô cùng thú vị của một tác giả được những đồng nghiệp thân thiết xếp vào diện "sống chết với KTVCĐ".

Làm đẹp cho đất nước bằng tấm lòng, kiến thức

Bàn về công trình Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An, KTS Nguyễn Thu Phong phân tích: "Đây là một dạng KTVCĐ có đời sống văn hóa và câu chuyện riêng. KTS Nguyễn Văn Nguyên có sự đam mê đối với quê hương ở Hội An, và là một KTS trẻ hiếm hoi dám nhận những dự án đầu tư của tỉnh, thành quê nhà mình".

Để được đầu tư và phát triển dự án Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An, KTS trẻ Nguyễn Văn Nguyên đã phải vượt qua "cửa ải" khó khăn - đó là phải thuyết phục được các bậc cao niên, nhân dân, nghệ nhân trong làng cho phép mình thực hiện dự án về sản phẩm đại diện hình ảnh và thương hiệu của cả làng nghề truyền thống. Đó không phải là việc dễ dàng, bởi xét về góc độ kinh doanh, nếu muốn lấy thương hiệu sản phẩm, sản vật quê hương của một làng nào đó, bạn phải là người thực sự xuất sắc mới có thể thuyết phục được các nghệ nhân trong làng giao cho thương hiệu.

Chủ tịch Hội KTS trẻ Việt Nam Nguyễn Thu Phong nhấn mạnh: "Với công trình gốm đất nung Thanh Hà, Hội An, KTS Nguyễn Văn Nguyên đã mang gần hai triệu USD của gia đình để đầu tư. Có thể nói, Nguyên và nhóm thực hiện ở Công ty Tư vấn thiết kế Nhà Việt NETCOM đã xây dựng không gian văn hóa qua dự án này với tất cả giấc mơ về nghề, bởi với số vốn đầu tư lớn ấy, nếu không chịu nổi gánh nặng chi phí, không được sự ủng hộ của cộng đồng thì dự án này sẽ bị quên lãng, bị phá sản, đầy rủi ro và thách thức".

Hoàn thành năm 2015, đến nay, Công viên gốm đất nung Thanh Hà, Hội An đã trở thành trung tâm văn hóa tinh thần, là điểm du lịch hấp dẫn nổi tiếng toàn vùng, có đóng góp kinh tế cho hoạt động địa phương, được sự nâng niu tự hào và tham gia của cả cộng đồng. Khách quốc tế đến rất nhiều, và nó trở thành một sân chơi văn hóa của các nghệ sĩ về điêu khắc, về hội họa, làm tái sinh không gian làm gốm của làng nghề truyền thống thông qua kiến trúc, thông qua sự đầu tư can đảm, một tấm lòng của một KTS không đặt lợi nhuận làm đầu trong việc đầu tư này.

Sức sống từ câu chuyện làng nghề xưa được phục dựng lại trong một công trình mới quả là đúng tinh thần đẹp đẽ của KTVCĐ - đúng như chia sẻ của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: "Giới KTS, đặc biệt là các KTS trẻ, đã và đang thành công trong việc cùng nhau làm cho đất nước đẹp hơn bằng tấm lòng, kiến thức, không thụ động mà hoàn toàn chủ động, tự nguyện đến với cộng đồng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kể chuyện làng nghề bằng nghệ thuật kiến trúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.