Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016: Gắn bó với đời sống!

Thu Minh| 05/02/2017 07:43

(HNM) -

Các tác giả nhận Giải thưởng Hội nhà văn năm 2016.


Nhìn lại Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016, có thể thấy đa số tác giả đoạt giải đều thể hiện trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút khi sáng tạo nên các tác phẩm gắn bó với đời sống, không xa rời các vấn đề thời sự của đất nước.

Sự mới mẻ từ những cây bút đã thành danh

Năm 2016, số tác phẩm được đề cử cho giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam là 174, trong đó, thơ có 66 tác phẩm của 62 tác giả, văn xuôi có 78 tác phẩm của 77 tác giả, lý luận phê bình có 19 tác phẩm của 18 tác giả và văn học dịch có 11 tác phẩm. Chung cuộc, có 7 tác giả được vinh danh ở 4 thể loại nói trên. Một điểm dễ thấy là hầu hết gương mặt đoạt giải đều là người đã thành danh. Có tới 3 thành viên Hội đồng được giải: Nhà văn Chu Lai ở Hội đồng Văn xuôi, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là thành viên Hội đồng Thơ và nhà thơ Y Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ.

Liệu đây có phải chuyện bất thường? Chia sẻ về điều này, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nói: "Không có gì bất thường ở đây, bởi Quy chế của Hội Nhà văn quy định rõ mọi nhà văn đều được quyền tham gia giải. Tất cả đều được thực hiện đúng quy trình, quy chế giải thưởng, thậm chí, chính sức ép vô hình từ sự việc đó càng khiến Hội đồng xét giải phải chọn lựa kỹ lưỡng hơn. Các tác giả đoạt giải không còn trẻ, nhưng họ vẫn mang lại sự mới mẻ. Cái mới mẻ đó đóng góp cho sự phát triển chung của văn học".

Nói kỹ hơn về các tiêu chí xét giải, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: "Thứ nhất, chúng tôi luôn đặt văn học trong tương quan mở với thế giới, mở với đời sống, mở với mọi tìm tòi nghệ thuật. Thứ hai là tác phẩm phải thực sự tiêu biểu, là sự kết tinh của chủ nghĩa nhân văn, làm cho con người hướng thiện và tốt đẹp lên. Thứ ba, tác phẩm phải có giá trị đóng góp, tác động vào tiến trình phát triển văn học. Một tác phẩm được khen thưởng có thể chưa toàn bích nhưng phải kích thích sự tìm tòi, sáng tạo mới, khám phá. Thứ tư, tác phẩm phải thể hiện dấu ấn cá nhân sâu sắc. Toàn bộ tiêu chí đó nói lên rằng văn học chúng ta đang được hiện đại hóa, đang đồng hành với văn học thế giới".

Đề cập trực diện đến những vấn đề của đất nước

Điểm qua các giải thưởng, có thể thấy các tác giả không hề xa rời thực tiễn cuộc sống. Giải thưởng về thơ được trao cho nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (tập thơ "Tổ quốc nhìn từ biển") và nhà thơ Y Phương (tập thơ song ngữ "Vũ khúc Tày"). Nhận xét về 2 tập thơ này, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá: "Các nhà thơ đoạt giải đã đề cập trực diện đến những vấn đề của đất nước. Hai giải thơ rất xứng đáng!". Thực vậy, với tập thơ “Vũ khúc Tày”, bằng cách nhìn, cách cảm và cách nghĩ của một người lớn lên với văn hóa Tày, nhưng với những trải nghiệm sâu sắc về hiện thực đời sống, Y Phương đã viết lên những câu thơ hiện đại, mang tính triết lý cao nhưng chứa đựng vẻ đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Còn với "Tổ quốc nhìn từ biển”, Nguyễn Việt Chiến đã thi ca hóa những vấn đề thời sự - vốn rất khó xử lý trong thơ. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: "Tổ quốc nhìn từ biển" gồm 50 bài thơ, trong đó, độc giả có thể thấy rất nhiều bài viết về biển đảo, chiến tranh giữ nước... Số phận dân tộc, số phận con người luôn là mối quan tâm hàng đầu của thi ca tôi trong những năm qua. Tôi nghĩ, mỗi nhà văn, nhà thơ hôm nay chỉ có thể chạm tới tinh thần cốt lõi của dân tộc khi những tác phẩm của họ nói lên tiếng nói yêu nước trong thời điểm đất nước gặp khó khăn, ở nơi tuyến đầu sóng gió nhất".

Ở giải thưởng dành cho văn xuôi, chủ đề chiến tranh được Chu Lai và Lê Minh Khuê đề cập với sắc thái rất riêng. Nhà văn Lê Minh Khuê, với "Làn gió chảy qua", bằng cái nhìn sắc sảo, trầm tĩnh và ấm áp về những vấn đề và con người trong đời sống đương đại, viết về cuộc sống sau chiến tranh với bao ngổn ngang, thương tổn, khắc khoải nhớ thương, qua đó đánh thức ý thức trách nhiệm, chống lại sự lãng quên quá khứ. Nhà văn Chu Lai viết "Mưa đỏ", nhìn lại những năm chiến tranh khốc liệt ở Quảng Trị bằng con mắt của một người lính thời hậu chiến, đề cập một cách trực diện những hy sinh, mất mát to lớn đồng thời khắc họa sống động hình tượng người chiến sĩ bình dị nhưng rất đỗi anh hùng.

Điều đáng ghi nhận là những người được giải thưởng đã không rời bỏ hiện thực, những vấn đề thời sự được nhân dân quan tâm, như khẳng định của nhà văn Chu Lai: "Có những đề tài tưởng như nhàm chán, cũ mòn, nhưng nếu sống hết mình với nó, thẩm thấu và đặt trọn vẹn nỗi vui buồn vào nó, đặt số phận của mình vào số phận của nhân vật, chúng ta sẽ viết ra được những câu chữ không khô cằn. Và như thế, tác phẩm của chúng ta chắc chắn sẽ đến được với bạn đọc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016: Gắn bó với đời sống!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.