Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh Quỳnh - họa sĩ tài danh

Trần Văn Mỹ| 17/02/2017 07:12

(HNM) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của họa sĩ Mạnh Quỳnh (1917-2017), một người Hà Nội, các con ông đã tập hợp các tác phẩm tranh, ảnh, tư liệu liên quan đến cuộc đời họa sĩ để in sách “Mạnh Quỳnh họa sĩ - Cuộc đời và sự nghiệp mỹ thuật”. Lần giở 160 trang sách khổ lớn được in ấn công phu, người đọc hiểu thêm

Một tác phẩm của họa sĩ Mạnh Quỳnh.



Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, trong chương trình “Những bông hoa nhỏ” phát lúc 19h của Đài Truyền hình Việt Nam, thường xuất hiện gương mặt họa sĩ Mạnh Quỳnh dạy vẽ cho thiếu nhi. Gương mặt hồn hậu, cách thể hiện giản dị qua từng nét vẽ của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người học, người xem. Ở thời điểm đó, đa phần mọi người chỉ biết ông là một thầy dạy vẽ. Mãi đến ngày 2-4-1991, khi ông đột ngột từ giã cõi đời, các báo ở trung ương và Hà Nội lần lượt có bài viết về cuộc đời hoạt động sôi nổi của họa sĩ, thì nhiều người mới hiểu, ông như một “vỉa quặng” với trữ lượng tác phẩm khá lớn trong thế giới mỹ thuật.

Với năng khiếu đặc biệt, năm 1935, họa sĩ Mạnh Quỳnh trúng tuyển vào Khoa Sơn mài, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ Lê Minh Quốc cho biết, năm 1935, Mạnh Quỳnh đã là cây cọ chủ lực của tờ báo thiếu nhi “Cậu Ấm - cô Chiêu”. Năm 1942, ông tốt nghiệp, có bức “Lên chùa”, và sau đó năm 1943 có bức “Chùa Thầy”, đều là “những tác phẩm có kỹ thuật làm sơn ta bậc thầy ngang vai cùng Nguyễn Gia Trí, Lê Quốc Lộc...” (lời họa sĩ Thẩm Đức Tụ). Để giữ được hồn dân tộc trong mỹ thuật truyền thống, năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, ông lập một xưởng làm tranh sơn mài. Họa sĩ cũng là người vẽ 2 tờ giấy bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là niềm cảm hứng sáng tạo của họa sĩ Mạnh Quỳnh. Năm 1945, ông có bức “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ”; năm 1956 ông có bức “Hồ Chí Minh”; năm 1974 là bức “Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân” vẽ bằng chì than trên lụa tơ tằm. Trong nguồn cảm hứng vô tận về đất nước, họa sĩ Mạnh Quỳnh vẽ bộ “Tranh sử ký” (năm 1947) và bộ “Địa lý nước Việt Nam” (năm 1948), được Bình dân học vụ khu X xuất bản.

Suốt đời say mê với lịch sử và văn hóa nước nhà, ông đã vẽ minh họa các sách “Chinh phụ ngâm”, “Lục Vân Tiên” và đặc biệt những bức vẽ minh họa “Kim Vân Kiều truyện” được bạn đọc hào hứng đón nhận. 80 năm sau, các minh họa này được chọn trưng bày tại lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh cũng là dịp Đại thi hào Nguyễn Du được UNESCO công nhận là Danh nhân Văn hóa thế giới (cuối năm 2015). Năm 1990, ông Bùi Văn Bảo ở Canada soạn bộ “Việt sử bằng tranh” hơn 20 tập, trong đó toàn bộ tranh do họa sĩ Mạnh Quỳnh đảm nhiệm, đã được Nhà Xuất bản Quê hương in bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp.

Nói đến Mạnh Quỳnh, ai cũng biết ông có tài vẽ tranh thủy mặc, tạo được một phong cách rất Việt Nam, trong sách có in 24 bức mô tả cảnh đẹp Việt Nam, từ phong cảnh hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô đến cuộc sống muôn màu ở khắp các làng quê.

Sách “Mạnh Quỳnh họa sĩ - Cuộc đời và sự nghiệp mỹ thuật” còn giới thiệu nhiều tài liệu quý, trong đó có bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi họa sĩ ngày 7-9-1974: “Nhân dịp cảm ơn họa sĩ tôi thấy cần nói lại với anh chị em hoạt động trên mặt trận nghệ thuật một điều: Nước ta đẹp, dân ta đẹp, sự nghiệp ta đẹp, tâm hồn người nghệ sĩ phải đẹp mới sáng tạo ra tác phẩm đẹp”.

Lời căn dặn ấy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với họa sĩ Mạnh Quỳnh 43 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và suốt đời, họa sĩ Mạnh Quỳnh ứng xử với nghệ thuật, với quê hương xứ sở đúng với tinh thần ấy. Họa sĩ Thẩm Đức Tụ - người học Mạnh Quỳnh từ nét vẽ đầu tiên, sau làm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội đã viết trong Lời giới thiệu sách về thầy của mình: “Một tài năng lớn - một nhân cách Việt. Ông đã để lại cho đời sau một tài sản vô giá”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạnh Quỳnh - họa sĩ tài danh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.