Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành VH-TT Hà Nội cần quyết liệt, tập trung xử lý những vấn đề “nóng”

Hoàng Lân| 23/03/2017 09:06

(HNMO) - Sáng 23-3, đoàn lãnh đạo TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn dẫn đầu đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội về những vấn đề của ngành VH-TT và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2017.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố.

Theo báo cáo của Sở VH-TT Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2017, Sở đã bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, đặc biệt là 8 chương trình công tác của Thành ủy. Ngành VH-TT cơ bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kế hoạch công tác đề ra như: hoàn thành tốt việc quản lý hoạt động quảng cáo; tham mưu cho thành phố xây dựng và ban hành hai bộ quy tắc ứng xử; nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật; quản lý, chỉ đạo tổ chức tốt các lễ hội trong năm 2017 trên địa bàn....

Tuy nhiên, Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động cũng nghiêm túc nhìn nhận, việc quản lý ở lĩnh vực quảng cáo, kinh doanh karaoke của Sở còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều đơn vị cố tình vi phạm, hoạt động khi chưa được cấp phép; vẫn còn để xảy ra tồn tại tại lễ hội đền Sóc, lễ hội chùa Hương, lễ hội Hoa hồng Bulgaria & Bạn bè... Nguyên nhân một phần là do năng lực, nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác VH-TT, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở, còn hạn chế.

Từ những khó khăn, vướng mắc này, Sở VH-TT kiến nghị, đề xuất Thành ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phối hợp với Sở triển khai hiệu quả chiến lược, quy hoạch phát triển VH-TT Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quan tâm chỉ đạo để từng bước tập trung phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là việc tu bổ các di tích lịch sử, di tích cách mạng kháng chiến...

Trước những vấn đề và nhiệm vụ đặt ra cho ngành VH-TT Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong gợi mở, thời gian tới, ngành VH-TT Hà Nội cần có định hướng cụ thể cho lĩnh vực văn hóa, thể thao đỉnh cao; xúc tiến nhanh phương án trưng bày cho Bảo tàng Hà Nội; xây dựng nền công nghiệp văn hóa để khai thác, thu hút đầu tư cho phát triển văn hóa, du lịch. Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị, Sở VH-TT Hà Nội siết chặt hơn việc quản lý hoạt động quảng cáo, tiến tới thực hiện đấu thầu những quảng cáo tấm lớn...

Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành VH-TT Hà Nội cũng còn một số hạn chế như: việc xây dựng các thiết chế văn hóa chưa tương xứng với đầu tư, chính sách thu hút nhân tài còn thiếu hấp dẫn, công tác quản lý nhà nước đôi lúc để xảy ra sai sót, công tác xã hội hóa trong một số lĩnh vực còn yếu kém…

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội tiếp tục phát huy giá trị những di tích lịch sử, cách mạng vì đây không chỉ là những địa chỉ giáo dục truyền thống cho người dân mà còn là điểm đến thu hút du lịch của Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân 2 bộ Quy tắc ứng xử; tiếp tục tham mưu cho TP về nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở.

Đặc biệt, liên quan đến hoạt động quảng cáo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội cần có những biện pháp mạnh tay hơn, thu hồi giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngành VH-TT Hà Nội cần quyết liệt, tập trung xử lý những vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.