Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đôi vợ chồng say mê tượng sáp

Tuệ Diễm| 03/04/2017 07:19

(HNM) - Bảo tàng tượng sáp đặt tại Nhà hát Hòa Bình TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 11-4.


Ngày mở cửa bảo tàng đã cận kề, vợ chồng anh Đông đang tất bật để hoàn tất những khâu cuối cùng. Tại xưởng sản xuất đặt ở xã Phước Kiểng (huyện Nhà Bè), anh Đông chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi du lịch nước ngoài, được thăm các bảo tàng tượng sáp trên thế giới, chúng tôi rất ấn tượng nên đã học cách làm...”.

Năm 2001, vợ chồng anh Đông bắt tay vào làm tượng sáp. Anh Đông mò mẫm nhập nguyên liệu từ nước ngoài về và đúc khuôn, nhưng mẻ đầu tiên là hình mẫu của 2 vợ chồng đã không thành công. Tượng làm ra vừa kém thẩm mỹ vừa thô cứng như thạch cao.


“Hai vợ chồng tiếp tục ra nước ngoài, hy vọng học được nghề nhưng họ từ chối chuyển giao công nghệ” - anh Đông kể. Khi trở về nước, anh tiếp tục mày mò cách pha chế, đúc tượng. Nguyên liệu nhập về đắt đỏ, trong khi số lượng tượng làm ra không đạt nét thẩm mỹ phải đem bỏ đi rất tốn kém.

Công việc khắc tượng để giống người thật khá gian nan nhưng anh không lùi bước. Từ các việc nhỏ như cấy tóc, trang điểm cho tượng phải làm tỉ mỉ. Mỗi bức tượng làm mất 3-4 tháng mới có thể thành hình. Để tạo hình nhân vật chân thật và sống động nhất, anh Đông đã cạo trọc đầu của chính mình để nhìn được đường xoáy tóc làm cơ sở gắn tóc lên tượng. Còn việc trang điểm cho khuôn mặt tượng được chị Diện đảm nhiệm. Từ một người chưa từng học qua lớp trang điểm, chị Diện trở nên thuần thục tạo ra khuôn mặt cho 100 nghệ sĩ, từ những nghệ sĩ lớn tuổi như: NSND Huỳnh Nga, Út Bạch Lan, Hồng Tơ cho đến các ca sĩ trẻ như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Lý Hải...

Anh Đông cho biết, làm tượng sáp nghệ sĩ để trưng bày trong bảo tàng là một thử thách lớn vì tượng làm ra phải đẹp, phải giống để được nghệ sĩ và khán giả công nhận. Vì áp lực này mà 4 năm trở lại đây vợ chồng anh không có thời gian ra khỏi xưởng sản xuất.

Những cố gắng cuối cùng cũng được đền đáp. Từ năm 2016, các ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng đã sử dụng bức tượng sáp của anh Đông làm điểm nhấn giới thiệu các đêm nhạc. Khán giả đến nghe nhạc rất thích chụp hình cùng tượng sáp của các nghệ sĩ. Từ thành công bước đầu, vợ chồng anh Đông và chị Diện tin tưởng về bảo tàng tượng sáp sắp tới sẽ trở thành điểm đến thú vị cho du khách trong nước và quốc tế.

Hiện anh Nguyễn Văn Đông đã ký hợp đồng với Nhà hát Hòa Bình để thuê mặt bằng trưng bày 100 bức tượng sáp của nghệ sĩ Việt trong 5 năm. Dù bảo tàng chưa mở cửa nhưng nhờ sự quảng bá từ các nghệ sĩ tên tuổi nên anh Đông đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Tượng sáp đã được xuất khẩu sang Mỹ vì giá tượng của anh Đông làm ra rẻ hơn 5-6 lần so với thế giới. Ở trong nước, họ đã nhận được đơn hàng từ một gia đình đúc 5 bức tượng sáp.

Anh Nguyễn Văn Đông tâm sự: "Tính từ lúc bắt đầu nghiên cứu đến nay tôi đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Những thành quả đầu tiên là tiền đề cho chúng tôi tiếp tục thực hiện những dự án mới". Theo dự định của anh Đông, tới đây anh sẽ triển khai dự án làm bảo tàng tượng sáp 54 dân tộc với quy mô mỗi dân tộc đúc 20 bức tượng để tái hiện các sinh hoạt văn hóa tiêu biểu. Từ đó người dân, du khách sẽ có cái nhìn trực quan, sinh động nhất về văn hóa các dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đôi vợ chồng say mê tượng sáp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.