Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: "Chuẩn hóa" để tránh trục lợi

Hà Hiền| 09/04/2017 06:53

(HNM) - Sau khi “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản như thế nào trở thành băn khoăn của không ít địa phương.

Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cần được “chuẩn hóa” để tránh những biến tướng. Ảnh: Bá Hoạt


Vẫn còn biểu hiện sai lệch

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi nhận bởi di sản có giá trị nhân văn sâu sắc, gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng, gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Việc thực hành di sản này có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, mọi người đều có thể tham gia…

Theo thanh đồng Nguyễn Tuấn Lâm, trụ trì Kim Giang Linh Từ, đường Kim Giang (quận Hoàng Mai), tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ rất gần gũi, dân dã, dễ hòa nhập với đời sống con người. Quá trình thực hành, trao truyền di sản nếu được thực hiện đúng hướng sẽ tạo ra môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, góp phần gìn giữ, bảo tồn nhiều loại hình âm nhạc, nhiều điệu múa dân gian.

Trước mùa xuân hội 2017, các cơ quan chức năng đã yêu cầu chính quyền các địa phương thực hiện quản lý, phát huy giá trị di sản trên địa bàn đúng quy định; đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân không lợi dụng di sản để trục lợi dưới mọi hình thức. Tiếc rằng, việc thực hiện nghi lễ lên đồng (còn gọi là hầu đồng) sau khi di sản được UNESCO vinh danh vẫn có biểu hiện sai lệch, thương mại hóa.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức các khóa lễ lên đồng bài bản mới được thực hiện ở một số di tích lớn, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ như Phủ Tây Hồ (Tây Hồ), đền Nguyên Khiết, Lảnh Giang Vọng Từ (Hoàn Kiếm), Kim Giang Linh Từ (đền Lủ) - đường Kim Giang (Hoàng Mai)… thuộc TP Hà Nội; đền Sòng (Thanh Hóa); Phủ Dầy (Nam Định), Bắc Lệ (Lạng Sơn)… Nhiều di tích không thờ Mẫu, thậm chí các điện thờ tư nhân vẫn thường xuyên tổ chức hầu đồng vì mục đích trục lợi. Đáng lo hơn, không ít thanh đồng - người thực hành diễn xướng hầu đồng, đóng vai trò trung gian, thực hiện việc “giao tiếp” giữa con người với thần linh không hiểu đúng giá trị, ý nghĩa của di sản, dẫn đến thực hành sai, trao truyền sai. Một số cung văn tự thêm bớt lời cổ, sáng tác lời mới cho hát văn khiến di sản ít nhiều bị sai lệch giá trị.

“Những sai lệch, biến tướng trong quá trình thực hành, trao truyền di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không sớm được khắc phục sẽ gây nguy hại cho di sản”, thanh đồng Lưu Ngọc Đức, trụ trì Lảnh Giang Vọng Từ, số 16 Hàng Hành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận định.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Theo thanh đồng Lưu Ngọc Đức, ranh giới giữa văn hóa và mê tín của thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ rất mong manh, trong khi số đông công chúng không thể phân biệt rõ. Để di sản được bảo tồn, phát huy đúng hướng, các cơ quan chức năng nên tiến hành khảo sát, lập danh sách các điểm thờ Mẫu Tam phủ, trên cơ sở đó phân loại rõ cơ sở nào đủ điều kiện tổ chức nghi lễ hầu đồng, cơ sở nào không. Những người quản lý, trụ trì di tích thờ Mẫu cần được tập huấn, trang bị kiến thức về quản lý di tích nói chung, về giá trị, ý nghĩa của di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng để đối tượng này trở thành hạt nhân trong công tác quản lý, giữ gìn di sản.

Tại lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hành, trao truyền di sản đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp vốn có; không làm sai lệch, tầm thường hóa, thương mại hóa di sản.


Trước mắt, các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn cách thức thực hành nghi lễ hầu đồng, từ khâu chuẩn bị cho đến các bước vào hầu; từ trang phục, tác phong cho đến cách hành lễ của từng giá đồng. Việc có một hội đồng gồm các nhà nghiên cứu và những người thực hành di sản mẫu mực, giữ vai trò thẩm định, đánh giá, giám sát công tác quản lý, thực hành di sản trong giai đoạn này cũng rất cần thiết.

Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định Khúc Mạnh Kiên cho biết, cộng đồng không chỉ có vai trò tích cực trong quá trình truyền dạy, giữ gìn di sản, mà còn là những nhân tố tích cực chống lại những tác động tiêu cực đến di sản, đặc biệt là hành động “buôn thần bán thánh”. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về di sản cần được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần có chính sách vinh danh, động viên cung văn giỏi sưu tầm, truyền dạy hát văn; tạo điều kiện thuận lợi cho thủ nhang, thanh đồng gương mẫu thực hành, truyền dạy di sản đúng hướng.

Dưới góc nhìn khoa học, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng, cuộc sống sẽ tự đào thải, sàng lọc đi những điều không phù hợp và những biểu hiện sai lệch trong nghi lễ hầu đồng không phải là ngoại lệ. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý và mỗi người dân, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” sẽ dần đi vào “quỹ đạo”, góp phần làm lan tỏa nét đẹp văn hóa của người Việt tới bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt: "Chuẩn hóa" để tránh trục lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.