Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam

An Nhi| 09/04/2017 06:57

(HNM) - 80 bức ký họa của họa sĩ Lê Lam vẽ trong thời chiến, được Hiệp hội Nghệ thuật Đông Dương (Indochina Arts Partnership - IAP) chọn lọc và biên soạn thành cuốn sách “Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam” được gửi tới công chúng Việt Nam và thế giới.


Họa sĩ Lê Lam, một người con của Hà Nội (sinh năm 1931 tại Hải Bối, Đông Anh), tên thật là Vũ Quốc Ái. Ông theo học khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1950-1953) khi đó thành lập tại chiến khu Việt Bắc, trực tiếp được họa sĩ Tô Ngọc Vân truyền dạy. Ông cũng được cử sang Liên Xô học kỹ thuật vẽ tranh tuyên truyền vào năm 1958. Sáu năm sau, ông trở về giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và có triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1965.

Tuy được nhận quyết định cử đi học cao hơn tại Liên Xô nhưng Lê Lam lại xin vào chiến trường bởi lúc đó miền Nam đang cần sự chi viện và bản thân ông muốn tận mắt cảm nhận, ghi chép về cuộc chiến đấu ngoan cường của quân dân ta. Đầu năm 1966, Lê Lam lên đường vào Nam với hành trang chỉ toàn giấy vẽ, màu, cọ, chì… Từ đây là hành trình 9 năm, ông đi khắp các tỉnh thành Nam Bộ, ghi lại hàng nghìn bức ký họa và tranh khổ lớn về phong cảnh, đời sống, cuộc chiến đấu, chân dung chiến sĩ, người dân mà ông gặp và yêu mến.

Lê Lam chủ yếu vẽ tranh hiện thực, hầu hết từ phác thảo người thật, việc thật - mà theo nhà phê bình Bùi Như Hương, ông không chỉ tả thực đơn sơ mà đưa vào đó tính cách, bản sắc con người, dân tộc Việt Nam. Những bức phác thảo của Lê Lam đều ghi rõ địa điểm, thời gian thực hiện, giúp người xem không chỉ thấy hình ảnh mà cả thông tin, câu chuyện xung quanh nhân vật, sự kiện ông muốn ghi lại. Nhiều tác phẩm có ý nghĩa tuyên truyền mạnh mẽ bấy giờ. Ví dụ như bức tranh cổ động “Bảo vệ chính quyền nhân dân” được in thành 18 vạn bản, truyền đi khắp đất nước và cả thế giới để kêu gọi ủng hộ Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.

Bức tranh “Dừng lại” tạo tiếng vang lớn cho Lê Lam, từng trưng bày tại nhiều triển lãm, được vẽ từ phác thảo về nhân vật chị Tư Cào, một phụ nữ ở Long An đã dũng cảm chặn xe địch đang càn qua đồng lúa sắp chín. Bức “Ký họa những chiến sĩ trong phòng giam” bằng mực nho và bút chì lên giấy với lời đề: “Khám Cộng Hòa, chị em hoặc ngâm thơ, hát, thêu, kể chuyện Bác Hồ, chiến đấu dũng cảm”, được chọn làm bìa cuốn sách. Bức “Ký họa một nữ chiến sĩ” ông vẽ năm 1972 có lời đề: "Năm Tráng - kiện tướng thồ 250kg gạo"… Những bức ký họa này đều nằm trong cuốn sách “Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam”. Người xem sẽ cảm nhận sâu hơn tài năng và sự tinh tế của Lê Lam, bởi chỉ bằng nét phác thảo cảnh vật hay con người đơn giản với chì hoặc màu nước, ông đã thể hiện được chất Nam Bộ rõ nét.

Cuốn sách do chính người sáng lập ra IAP cũng là một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam David Thomas thiết kế, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức này. Trong quá trình này, David Thomas chú ý tới tranh của nghệ sĩ Việt Nam thời kỳ kháng chiến. “Tôi rất ngỡ ngàng khi xem các bức vẽ của Lê Lam. Những người bộ đội mà trước kia chúng tôi đối địch trong tranh của Lê Lam khác hẳn với ký ức, khiến tôi thấy đồng cảm và xúc động”, David Thomas chia sẻ. Người cựu chiến binh Mỹ cho rằng, những bức tranh của Lê Lam cần được giới thiệu rộng rãi hơn với nhân dân Mỹ.

Với người dân Việt Nam cũng vậy, những bức ký họa của họa sĩ Lê Lam ngoài giá trị nghệ thuật cao còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn, là nguồn tư liệu quý giá giúp thế hệ hôm nay hiểu về cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta. Người họa sĩ ở tuổi 86 ấy vẫn giữ gìn cẩn thận từng bức vẽ sau khi từ miền Nam trở về Hà Nội, "để cho ngày sau mọi người biết đến", như ông tâm niệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lê Lam - Những phác thảo từ miền Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.