Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để quảng cáo ngoài trời vào nền nếp

Hà Hiền| 23/04/2017 06:24

(HNM) - Một số địa phương, doanh nghiệp đã và đang tự giác giảm kích thước bảng quảng cáo, biển hiệu vi phạm... góp phần đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nền nếp.


Biển quảng cáo ngoài trời không theo quy chuẩn gây mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Anh Tuấn


Chuyển biến bước đầu...

Nhiều đợt ra quân xử lý tháo dỡ, xử phạt vi phạm hành chính trên các tuyến đường, phố từ khu vực nội thành đến ngoại thành Hà Nội cho thấy vẫn tràn lan biển quảng cáo (QC), biển hiệu vi phạm. Gần đây, Tổ kiểm tra liên ngành của thành phố tiếp tục phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm điển hình. Đó là việc lắp dựng bảng QC trên mặt tiền, mặt bên các công trình nhiều hơn số lượng cho phép; diện tích bảng QC lớn gấp nhiều lần diện tích quy định; nội dung QC chưa được chấp thuận bằng văn bản của Sở VH-TT Hà Nội. Không ít bảng QC của các thương hiệu lớn tồn tại nhiều năm không có giấy phép xây dựng khung, bảng, không có hồ sơ phòng cháy, chữa cháy.

Điều đáng nói, sau hơn 4 năm Luật Quảng cáo có hiệu lực thi hành, 12 quận nội thành và huyện Thanh Trì vẫn chưa thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho bảng QC, biển hiệu trên mặt tiền, bên hông các công trình có diện tích lớn hơn 20m2.

Khác với trước đây, trong đợt kiểm tra này, Tổ kiểm tra liên ngành “chỉ mặt, điểm tên” từng đơn vị, địa phương còn nhiều vi phạm về hoạt động QC và yêu cầu phải tháo dỡ, chấn chỉnh. Với các đơn vị kinh doanh có nhiều bảng QC vi phạm như: Thế giới di động, FPT Shop, Siêu thị điện máy HC, Siêu thị điện máy - máy tính Trần Anh, Kangaroo, Trung tâm thời trang dệt may xuất khẩu M2... Tổ kiểm tra liên ngành đề nghị các đơn vị chủ động điều chỉnh kích thước bảng QC, nếu không tự giác chấp hành, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo quy định.

Trước sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chuỗi cửa hàng Thế giới di động trên địa bàn thành phố đã và đang tự giác điều chỉnh kích thước bảng QC. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến ngày 21-4, bảng QC cửa hàng Thế giới di động trên đường Quang Trung (quận Hà Đông); đường Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Đông Các, Lê Duẩn (quận Đống Đa); Kim Mã (quận Ba Đình); Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)… chỉ còn lại một phần diện tích so với những tấm bảng khổng lồ trước đó. Ngoài ra, nhiều địa phương như Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai… tiếp tục ra quân tuyên truyền, tháo dỡ bảng QC vi phạm; vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không vi phạm các quy định về QC.

“Đó là những chuyển biến bước đầu trong công tác quản lý hoạt động QC ngoài trời. Những vi phạm này tồn tại đã lâu, ai cũng biết, nhưng chưa có ai tự giác thực hiện và quyết liệt chấn chỉnh đến cùng” - ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT Hà Nội) cho hay.

Để những quy định đi vào cuộc sống

Những vi phạm trong hoạt động QC ngoài trời tồn tại tràn lan, dai dẳng có phần nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm, thiếu sự phối hợp của các ngành, đơn vị liên quan. Khung pháp lý cao nhất đối với hoạt động QC là Luật Quảng cáo (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013) quy định rất rõ quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình QC ngoài trời. Theo Điều 31 Luật Quảng cáo, việc xây dựng biển hiệu, bảng QC có diện tích một mặt trên 20m2 gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng.

Như vậy, việc cấp giấy phép xây dựng đối với khung bảng QC, biển hiệu có diện tích từ 20m2 trở lên thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của ngành Xây dựng. Ngành Văn hóa thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về QC (Điều 5), thẩm định nội dung QC (Điều 9). Ngoài ra, hoạt động QC ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội còn được điều chỉnh bởi Quy chế quản lý hoạt động QC ngoài trời, ban hành tại Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND ngày 20-1-2016 của UBND TP Hà Nội.

Các quy định đối với hoạt động QC đã rõ ràng, cụ thể, song trong quá trình thực thi, các ngành đang đổ lỗi cho lỗ hổng pháp lý và “đá” quả bóng trách nhiệm cho nhau. Trong đợt kiểm tra liên ngành vừa qua, Phòng Văn hóa - Thông tin các quận, huyện đều khẳng định, ngành Văn hóa chỉ có thể quản lý nội dung QC và không thể xử lý được những vi phạm khác. Trong khi đó, đại diện Thanh tra xây dựng, Phòng Quản lý đô thị các địa phương lại cho rằng, việc cấp phép cho công trình biển hiệu, bảng QC gắn vào công trình có sẵn chưa có hướng dẫn cụ thể, nên các địa phương chưa thực hiện việc cấp phép. Hơn nữa, theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD ngày 20-12-2012 của Bộ Xây dựng, việc cấp phép xây dựng cho công trình QC chỉ được thực hiện khi đã có văn bản chấp thuận nội dung QC của ngành Văn hóa...

Trên thực tế, quy định về cấp phép xây dựng đối với công trình QC theo Thông tư số 10/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng đã không còn hiệu lực. Việc cấp phép xây dựng cần thực hiện trước khi có nội dung QC là hợp lý. “Phải cấp phép xây dựng thì các cơ quan chức năng mới thẩm định được chất lượng các công trình QC. Khi xảy ra vi phạm, các cơ quan chức năng tiến hành thu hồi giấy phép, yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng mặt bằng là có thể giải quyết tận gốc vấn đề” - luật sư Nguyễn Hồng Linh, Công ty Luật Link & Paratners nhận định.

Để những quy định về QC ngoài trời đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn UBND TP Hà Nội sẽ có văn bản giao rõ trách nhiệm cho từng ngành liên quan, trong đó ngành Xây dựng, Văn hóa và chính quyền cơ sở cần có sự thống nhất ngay từ khâu cấp phép xây dựng công trình QC, cho đến công tác quản lý hoạt động QC ngoài trời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để quảng cáo ngoài trời vào nền nếp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.