Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di tích cách mạng và bài học lịch sử sinh động

Hà Hiền| 30/04/2017 06:56

(HNM) - Hà Nội có hệ thống di tích cách mạng kháng chiến phong phú, nơi lưu giữ tư liệu, thông tin giá trị về những sự kiện lịch sử quan trọng, trong đó có cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân và dân ta.

Có vai trò quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, những di tích này cần được thường xuyên bảo tồn, bổ sung tư liệu, hoàn thiện phương án trưng bày nhằm phát huy tối đa giá trị.


Các cựu quân nhân, tù chính trị thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò.


Bài học lịch sử trực quan sinh động

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 300 di tích và địa điểm cách mạng kháng chiến, trong đó có nhiều di tích gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như Nhà tù Hỏa Lò, Nhà D67 trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - những di tích có giá trị nổi bật.

Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nhà tù Hỏa Lò được ví như “giảng đường trong ngục thép", nơi rèn luyện tinh thần, bản lĩnh đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt, đày ải, thì trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây trở thành nhà tạm giam phi công Mỹ. Thông qua các hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại khu vực trại giam E, khách tham quan phần nào thấy được mức độ khốc liệt của chiến tranh, sự tàn ác của quân xâm lược và ý chí quyết chiến quyết thắng của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Dù phải sống trong tù ngục, bị tra tấn dã man, họ vẫn một lòng sắt son với cách mạng.

Trái ngược với cảnh “địa ngục trần gian” ở nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng, phòng trưng bày tư liệu, hiện vật về cuộc sống của phi công Mỹ trong thời gian họ bị tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò (1964-1973) cho thấy điều ngược lại. Các sĩ quan phi công Mỹ được chăm sóc sức khỏe chu đáo, được chơi thể thao… Tham quan phòng trưng bày này, chị Tanja, du khách đến từ Thụy Sĩ cho biết: “Tôi xúc động khi thấy những phi công Mỹ được đối xử tốt ngay cả khi họ là người tàn phá đất nước Việt Nam. Điều đó cho thấy người Việt Nam nhân ái, yêu chuộng hòa bình”.

Nhà D67 trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là tổng hành dinh chỉ huy kháng chiến chống Mỹ. Từ tháng 9-1968 đến ngày 30-4-1975, tại di tích này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương… đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Đặc biệt, sáng 31-3-1975, Bộ Chính trị đã họp mở rộng để bàn về "đòn chiến lược thứ ba" - đòn đánh quyết định cuối cùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ngày 29 và 30-4-1975, đây là nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, thảo luận công việc và đón tin chiến thắng.

Ngoài những di tích tiêu biểu kể trên, Hà Nội còn nhiều di tích cách mạng liên quan tới thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Hầm chỉ huy tác chiến của Bộ Tổng tham mưu trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, hồ Hữu Tiệp - Ngọc Hà, nơi máy bay B52 Mỹ bị bắn rơi; Đài tưởng niệm Khâm Thiên… Chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, các di tích cách mạng kháng chiến ngày càng thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu. Mỗi năm, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nhà D67 đón hàng chục vạn lượt khách trong nước, quốc tế.

Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến luôn được TP Hà Nội và các ngành, đơn vị chức năng quan tâm. Nhờ đó, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Nhà D67 và các di tích khác được giữ gìn nguyên trạng, trở thành nguồn sử liệu trực quan sinh động. Tư liệu, hiện vật gắn liền với các di tích cũng được lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại chỗ để phục vụ khách tham quan.

Để giá trị của di tích ngày càng được lan tỏa, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích dành cho học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc giao lưu giữa nhân chứng lịch sử với thế hệ trẻ. Hiện nay, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đang nghiên cứu, sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh bổ sung cho phòng trưng bày nhằm tái hiện sinh động cuộc sống của phi công Mỹ tại đây.

Tương tự, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đang xây dựng kế hoạch chỉnh lý, bổ sung hiện vật tại Nhà D67, lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ khách tham quan. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về giá trị, ý nghĩa của di tích giúp du khách trong nước và nước ngoài hiểu hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đất nước, con người Việt Nam. Đó cũng là cách giáo dục hiệu quả về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tuy vậy, hiện nay, trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các di tích cách mạng, cái khó là làm sao bảo đảm được tính chính xác tuyệt đối của thông tin, tư liệu trong bối cảnh nhân chứng lịch sử không còn nhiều, một số tư liệu bị phân tán.

Nhằm hoàn thiện nội dung trưng bày, thuyết minh tại các di tích cách mạng, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, Sở đang phối hợp với các quận, huyện, thị xã nhằm tiếp tục sưu tầm, bổ sung tư liệu, tài liệu, nhân chứng liên quan; đồng thời mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thuyết minh, bảo vệ tại các điểm di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di tích cách mạng và bài học lịch sử sinh động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.