Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng mãi truyền thống nghệ sĩ - chiến sĩ Trường Sơn

Mai Hoa| 30/04/2017 07:40

(HNM) - Năm 2017 đánh dấu sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn, trực thuộc Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (gọi tắt là Hội Trường Sơn).

Hơn 40 năm đã trôi qua, những ngày khói lửa chiến tranh ác liệt đã lùi xa, mái đầu của những chiến sĩ Trường Sơn nay đã ánh bạc nhưng lửa nhiệt tình, khát vọng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật về một thời oai hùng vẫn luôn nung nấu trong tim, thắp sáng truyền thống nghệ sĩ - chiến sĩ Trường Sơn.

Thiếu tướng Võ Sở (phải) bên đồng đội thân thiết.


Nuôi dưỡng khát vọng sáng tác

Thật xúc động khi chứng kiến cảnh tay bắt mặt mừng giữa những nhà văn - chiến sĩ từng trải qua một thời hoa lửa tại Đại hội đại biểu Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Trường Sơn lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2017-2022, được tổ chức vào cuối tháng 3-2017 tại Hà Nội. Ông Nguyễn Xuân Hùng, sĩ quan quân đội về hưu năm 1992 sau 22 năm cống hiến cho Quân đội, chia sẻ: "Tôi đang điều trị ở Bệnh viện K3 - Tân Triều (Hà Nội) thì con gái gọi điện thoại nói bố có giấy mời dự Đại hội. Tôi nài nỉ bác sĩ trưởng khoa lui lại lịch truyền hóa chất, vì với tôi, được gặp đồng đội chung niềm vui sáng tác VHNT chính là liều thuốc tinh thần quý giá, tạo động lực vượt qua bệnh tật".

Nhìn vẻ ngoài vững vàng, tươi vui và hồn hậu, khó ai ngờ ông Nguyễn Xuân Hùng đã phải sống chung với bệnh tật nhiều năm qua. Từ khi về hưu, ông phát hiện mình bị sỏi thận, cứ 5 năm phải phẫu thuật một lần. Chưa kể, suốt 10 năm qua, ông còn phải kiêng khem nghiêm ngặt vì bệnh tiểu đường. Gần đây, bác sĩ nói ông Hùng bị ung thư hạch toàn thân. Nhưng người chiến sĩ ấy vẫn lạc quan, tự tin cho biết: "Tôi đã trải qua chiến tranh gian khổ nên hiểu rõ nhiệm vụ của mình lúc này là phải vươn lên chống lại bệnh tật. Tôi không cho phép mình buồn, nếu không sẽ bỏ dở công trình VHNT nung nấu bấy lâu". Ngưng một lát, ông hồ hởi khoe: "Tôi đã xuất bản được hai tập thơ, về chủ đề mưa Hà Nội và biển đảo quê hương, được nhiều độc giả, bạn bè và đồng đội đón nhận, đồng cảm với hồn quê - tình nước trong thơ".

Hiện, ông Nguyễn Xuân Hùng đang dự định xuất bản hai tập thơ nữa. Ở các cuộc thi về ký ức Trường Sơn do Hội Trường Sơn Việt Nam tổ chức mới đây, ông có 2 bài lọt vào chung khảo, "tuy đứng dưới 30 người nhưng vinh dự được xếp trên 4.000 người". Trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới, ông bộc bạch: "Được gặp đồng đội trong mái nhà chung là Hội VHNT Trường Sơn, tôi rớm nước mắt, vui sướng lắm. Trước là súng, nay là bút, bao gian khổ hy sinh là bấy nhiêu nung nấu để viết".

Những khoảnh khắc vô giá

Chung niềm khát vọng sáng tác mạnh mẽ như ông Nguyễn Xuân Hùng, họa sĩ Nguyễn Đức Dụ - một gương mặt tiêu biểu của cựu chiến binh văn nghệ Trường Sơn - không giấu nổi niềm xúc động khi nhớ về đồng đội thuộc Ban Văn nghệ Trường Sơn: "Chúng tôi, về thơ thì có Phạm Tiến Duật, văn có Lê Lựu... - Tất cả đều tạo được dấu ấn sáng tác VHNT trong và sau chiến tranh".

Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ có rất nhiều kỷ niệm khó quên về hội họa trong những năm tháng chiến tranh. Ông kể, thời kỳ đó có những cuộc triển lãm trong rừng, tranh không có khung, chỉ treo trên vách liếp nhưng xem xúc động vì thật lắm. Sau này, có lần, tại một cuộc triển lãm tranh ở Quảng Ninh, ông thấy một bà cụ cứ sờ mãi vào bức tranh "Cua chữ A". Khi người bảo vệ nhắc "cụ đừng sờ vào tranh", bà cụ khóc, nói: "Tôi nhận được tin báo con tôi hy sinh ở Cua chữ A. Tôi chưa đến đó bao giờ. Nay tôi sờ tranh, cảm nhận như xương cốt của con tôi ở đó". Vậy là không ai ngăn cụ nữa, mắt ai cũng ngấn nước.

Các tác phẩm của hội viên Hội VHNT Trường Sơn ít nhiều đều mang những giá trị riêng, như chia sẻ của Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Trường Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam thì "mỗi hội viên đều như pho sử sống về chiến tranh. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng để hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp đầy ý nghĩa của đội ngũ chiến sĩ hoạt động VHNT - những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các họa sĩ, chiến sĩ văn công Trường Sơn... Các tác phẩm của họ đã trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho cán bộ, chiến sĩ. Trường Sơn là nguồn cảm hứng sáng tạo làm nên nhiều tác phẩm văn học, nhiều ca khúc hào hùng sống mãi với thời gian".

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn tham gia sáng tạo VHNT trong phạm vi cả nước là khá đông đảo. Hội VHNT Trường Sơn chắc chắn sẽ là ngôi nhà chung thân thiện, giúp các nghệ sĩ - chiến sĩ tiếp tục sáng tạo nghệ thuật, công bố tác phẩm, góp phần tiếp tục lan tỏa truyền thống hào hùng của bộ đội Trường Sơn.

Hoạt động đáng chú ý của Hội VHNT Trường Sơn trong nhiệm kỳ 2017 - 2022

- Mở chuyên mục trên Trang Thông tin Trường Sơn của Hội Trường Sơn Việt Nam để hội viên công bố tác phẩm; tìm kiếm nguồn tài trợ, tuyển chọn các tác phẩm xuất sắc của hội viên để in sách (2 năm/lần).

- Vận động hội viên tham gia các cuộc thi sáng tác VHNT do Hội Trường Sơn Việt Nam phát động trong đợt kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), khen thưởng hội viên có tác phẩm chất lượng.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng mãi truyền thống nghệ sĩ - chiến sĩ Trường Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.