Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi kể chuyện nghề, chuyện làng

Minh Ngọc| 12/05/2017 07:21

(HNM) - Với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia bảo tàng, nhân dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung (Hoài Đức) đã xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.



Lai Xá được biết đến là làng nghề nhiếp ảnh nổi tiếng. Những năm cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, người dân Lai Xá đi lập nghiệp ở nhiều nơi, mở ra nhiều hiệu ảnh lớn. Nghề nhiếp ảnh phát triển hưng thịnh trong khoảng thời gian dài, góp phần mang lại cho người dân Lai Xá cuộc sống ổn định, đời sống tinh thần phong phú.

Mong muốn lưu giữ đầy đủ thông tin, tư liệu về nghề ảnh, đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đặc trưng của làng nghề nhiếp ảnh tới công chúng, từ cuối năm 2015 đến nay, nhân dân Lai Xá tự nguyện đóng góp kinh phí, hiến tặng tư liệu, hiện vật để xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Địa điểm xây dựng bảo tàng là khu nhà Hậu (cạnh đền Đụn), nằm ở vị trí trung tâm của làng, thuận lợi về giao thông. Hiện nay, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá đã hoàn thành, gồm 2 tầng với tổng diện tích gần 300m2. Tầng 1 là nơi đón tiếp khách và giới thiệu chung về nghệ thuật nhiếp ảnh, trong đó có không gian tái hiện phòng chụp ảnh theo phong cách xưa. Tầng 2 là nơi giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá thông qua hàng trăm tấm ảnh, hiện vật, pano bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đến đây, khách tham quan có thể tìm hiểu về Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá, các hiệu ảnh thời xưa, công việc “bếp núc” của nghề ảnh, sản phẩm ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng là người làng Lai Xá và nghề ảnh Lai Xá hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá có sự khác biệt so với các bảo tàng khác ở chỗ nó được lập nên bởi cộng đồng, thể hiện rõ tính chủ thể của cộng đồng. Từ không gian đến nội dung trưng bày đều được thiết kế theo hướng mở nhưng vẫn bảo đảm tính liên kết, không nằm ngoài mục đích mô tả lối sống, sinh hoạt, cách thức làm nghề của làng Lai Xá nói riêng, làng quê Việt Nam nói chung.

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 15-5 tới. Cùng với niềm vui vì quê nhà có bảo tàng riêng về nghề truyền thống, không ít người dân bày tỏ sự băn khoăn về hoạt động trong tương lai của bảo tàng này.

Ông Nguyễn Đình Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá kiêm nhiệm vụ quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho biết, theo thiết kế, công trình bảo tàng gồm 3 tầng, nhưng do nguồn kinh phí đóng góp chỉ đủ xây dựng 2 tầng nên nội dung trưng bày của bảo tàng chưa phong phú như mong muốn. Nguồn tư liệu, hiện vật được đưa ra trưng bày chỉ bằng 30% so với nguồn tư liệu mà bảo tàng đang lưu giữ.

Không chỉ có sự hạn chế về cơ sở vật chất, bộ máy quản lý, vận hành Bảo tàng Lai Xá cũng chưa hoàn thiện. Những người được giao nhiệm vụ quản lý tạm thời tuy có hiểu biết về nhiếp ảnh nhưng lại thiếu chuyên môn, nghiệp vụ bảo tàng. Công tác tập hợp, xử lý thông tin liên quan đến tư liệu, hiện vật trưng bày đều do đội ngũ sinh viên tình nguyện của Khoa Di sản văn hóa (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) thực hiện. Nội dung trưng bày do các chuyên gia nghiên cứu về bảo tàng tư vấn, hướng dẫn. Thực tế đó cho thấy, công chúng băn khoăn về hoạt động của bảo tàng trong tương lai cũng là điều dễ hiểu.

Dưới góc nhìn khoa học, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, làng Lai Xá có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, có thể trở thành điểm đến du lịch của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi kể chuyện nghề, chuyện làng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.