Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyên nghiệp hóa bảo vệ tác quyền

Nguyễn Thanh - Mai Hoa| 15/06/2017 07:01

(HNM) - Không phải đến lúc Cục Bản quyền tác giả yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam dừng việc thu tiền bản quyền các tác phẩm âm nhạc đối với các doanh nghiệp khai thác qua ti vi thì câu chuyện liên quan đến tác quyền cũng như hoạt động của VCPMC mới ồn ã trong dư luận...

Việc thu phí tác quyền cần được tiến hành rõ ràng, hợp lý để nhận được sự đồng thuận của cả tác giả và người sử dụng tác phẩm âm nhạc.


Thu đúng để tránh "phí chồng phí"

Ngày 26-4-2017, Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam Đinh Trung Cẩn đã có văn bản gửi các khách sạn ở Đà Nẵng khẳng định: Việc chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã và đang sử dụng tác phẩm âm nhạc mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật là hành vi vi phạm quyền tác giả... Đồng thời đề nghị chủ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc khẩn trương liên hệ với Văn phòng đại diện của Trung tâm tại Đà Nẵng để tiến hành thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả khi sử dụng tác phẩm âm nhạc trong hoạt động kinh doanh...

Có thể thấy, việc thu tiền bản quyền âm nhạc không phải vấn đề mới ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam nên không cần phải "lời ra, tiếng vào". Vậy tại sao văn bản về việc thực hiện quyền tác giả âm nhạc của Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam gửi các chủ doanh nghiệp ở Đà Nẵng lại nhận nhiều phản ứng từ dư luận?

Trước hết, việc thu phí chỉ thực hiện được nếu thu đúng đối tượng phải thu. Ở đây, doanh nghiệp đã ký hợp đồng với các đài truyền hình để được sử dụng dịch vụ (số tiền trả tương ứng với số kênh sử dụng) nên đối tượng phải nộp tiền bản quyền là nhà đài, chứ không phải chủ doanh nghiệp. Do vậy "phản ứng" của các khách sạn tại Đà Nẵng là có cơ sở. Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: "Thu phí cần thu vào đúng khâu trung gian cung cấp dịch vụ mới hợp lý. Khâu trung gian ở đây cần hiểu là người phân phối lần thứ nhất, bởi nếu thu ở khâu thứ hai sẽ dẫn đến phí chồng phí". Việc thu phí của VCPMC gặp phản ứng là tất yếu, nhất là khi trung tâm chưa tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật về mức tiền quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng.

Thứ hai, VCPMC là tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận - tổ chức nghề nghiệp, thực hiện việc quản lý tập thể đối với quyền tác giả âm nhạc được ủy thác, chứ không phải là cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, VCPMC thừa hiểu họ không thể bắt buộc các doanh nghiệp phải trả tiền khi chưa có hợp đồng ủy thác của tác giả âm nhạc và không có quyền ra văn bản buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải nộp tiền bản quyền. Luật sư Vũ Ngọc Chi phân tích: "Ở đây, cần phải hiểu rõ là khi người chủ sở hữu tác phẩm có yêu cầu thì trung tâm mới được thu, vì quyền tài sản thuộc về chủ sở hữu tác phẩm".

Có lộ trình phù hợp trong bảo vệ tác quyền


Với nhiều nghệ sĩ, việc tác quyền trong âm nhạc không phải là chuyện "cơm áo gạo tiền", mà lớn hơn là những giá trị có được từ những "đứa con tinh thần", từ cách ứng xử chuyên nghiệp của nền công nghiệp âm nhạc hiện đại.

Nhiều nhạc sĩ không "cậy nhờ" VCPMC thu tiền bản quyền âm nhạc, cho nên trung tâm này không thể đại diện cho cả giới nhạc sĩ để "thu tiền cả gói", mà chỉ có thể "thu hộ" tiền cho hội viên theo sự ủy thác. Thực tế, việc bảo vệ quyền tác giả không đồng nghĩa với việc khai thác "dịch vụ ủy thác", mà không có sự truyền thông rộng rãi, thỏa thuận hợp lý nhằm tạo được sự đồng thuận, bảo đảm lợi ích quyền tác giả, quyền lợi bên khai thác, sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng, nhất là phải có lộ trình phù hợp với thực tiễn xã hội.

Mặt khác, thu tiền tác quyền âm nhạc không phải là câu chuyện kinh doanh để người ta "cò kè bớt một thêm hai", đặt chuyện tiền bạc, ăn chia lên sản phẩm nghệ thuật. Người đứng ra bảo vệ quyền tác giả không thể đặt đồng tiền lên trên tác phẩm nghệ thuật, càng không thể triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của người dân. Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 13-6, nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của VCPMC, như việc thu phí tác quyền qua ti vi ở các khách sạn và các quán cà phê có cần thiết không, khi nó sẽ phần nào khiến việc tiếp cận các tác phẩm của người dân bị hạn chế; hay việc VCPMC ra văn bản thu tiền là đúng hay sai? Trả lời các vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định việc sử dụng các bài hát vì mục đích thương mại thì phải trả tiền, nên việc thu tiền tác quyền là có cơ sở, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận hình thức thu, cách thu của VCPMC còn một số vấn đề cần làm rõ như: Thu thế nào, ai ủy quyền, mức thu đã được thỏa thuận chưa...

Rõ ràng, trong cách ứng xử với tác quyền trong âm nhạc, rất cần phải tôn trọng pháp luật và có lộ trình phù hợp trong bảo vệ tác quyền.

Việc thu tiền tác quyền âm nhạc, nếu tiến hành hợp lý, đúng đối tượng và có lộ trình phù hợp sẽ kích thích phát triển, hỗ trợ hiệu quả cho chủ thể sáng tạo tác phẩm. Nếu có việc khuất tất, hoặc khi chủ sở hữu quyền tác giả/quyền liên quan lên tiếng vì quyền lợi bị xâm hại, nhà nước có thể thanh, kiểm tra việc trung tâm thu và sử dụng tiền tác quyền có đúng và minh bạch không. Cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào chuyện thu - chi, vốn là thỏa thuận giữa tác giả và trung tâm theo hợp đồng dân sự.

Luật sư Hoàng Ngọc
(Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự)

Hoạt động của VCPMC thời gian qua thường xuyên gây tranh cãi trong dư luận, nhưng tôi nghĩ cơ chế thanh tra và kiểm tra chỉ cần thiết nếu có dấu hiệu không minh bạch về việc thu và sử dụng phí tác quyền, hoặc có văn bản yêu cầu từ chủ sở hữu quyền tác giả. Trong thực tế, Trung tâm chỉ cần làm rõ các yêu cầu về việc thu - chi một cách minh bạch.

Luật sư Vũ Ngọc Chi
(Công ty Luật Tam Anh)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên nghiệp hóa bảo vệ tác quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.