Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Giấc mơ của Xiếc

Hoàng Lân| 08/07/2017 10:20

(HNMO) - Tiết mục “Cánh chim Việt” của hai học sinh Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam vừa giành giải Nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cu Ba vừa diễn ra tại thủ đô La Habana đã mang thêm vinh dự cho Xiếc Việt Nam trên đấu trường quốc tế...

Hồ Thị Thu Thùy và Nguyễn Ngọc Ánh giành giải Vàng trong LH Xiếc quốc tế Cuba
với tiết mục "Cánh chim Việt".


Chiến thắng nhờ “hồn dân tộc”

Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba là một trong 3 Liên hoan Xiếc quốc tế lớn và có uy tín nhất hiện nay. Liên hoan năm nay có 34 tiết mục của 16 nước, trong đó có những đoàn rất mạnh như Mỹ, Nga, Mexico và đặc biệt là Cuba. Ban giám khảo (BGK) của Liên hoàn Xiếc quốc tế Cuba 2017 gồm 12 trưởng đoàn trên tổng số 16 quốc gia tham dự. Việt Nam không nằm trong thành viên BGK.

Tiết mục “Cánh chim Việt” của hai thí sinh Hồ Thị Thu Thùy và Nguyễn Ngọc Ánh thuộc Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam được vinh danh tại Liên hoan xiếc quốc tế Cuba với số điểm cao nhất của Hội đồng giám khảo. Ngoài việc giành giải Nhất, tiết mục này còn nhận thêm giải “Mái bạt vàng” - giải thưởng riêng của Hội đồng chuyên môn.

Tiết mục "Cánh chim Việt" của Việt Nam (ảnh: TTXVN)


Ngày 7-7, trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam - TS Hoàng Minh Khánh, trưởng đoàn Việt Nam tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba cho biết, kết quả này không mấy bất ngờ vì ngay ở vòng ngoài, tiết mục của Việt Nam đã được BGK đánh giá cao. “Cánh chim Việt” được hai nữ sinh của nhà trường tập luyện hơn một năm nay với sự dàn dựng cầu kỳ, kỹ lưỡng của những người có chuyên môn. Điều làm nên chiến thắng gần như tuyệt đối của tiết mục này đó là sự tổng hòa của các yếu tố: kỹ thuật, nghệ thuật, cấu trúc tiết mục, âm nhạc, trang phục…

TS Hoàng Minh Khánh nhận định, xét về kỹ thuật, “Cánh chim Việt” của Việt Nam không quá nổi bật, nhất là khi kỹ thuật của các nước Cuba, Mexico rất mạnh. Tuy nhiên, “Cánh chim Việt” lại làm được một điều là thổi hồn dân tộc vào tiết mục. Trong khi tiết mục của các nước bạn tuy mạnh về kỹ thuật nhưng vẫn giống nhau về cách thể hiện thì “Cánh chim Việt” lại sử dụng đạo cụ là những ống tre, âm nhạc là bài “Bèo dạt mây trôi”, cùng trang phục mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt Nam. “Hồ Thị Thu Thùy và Nguyễn Ngọc Ánh trình diễn uyển chuyển, đẹp mắt và quan trọng hơn, các em đã thể hiện được tiếng nói Việt Nam trong tiết mục của mình. Đây chính là lý do tiết mục giành được số điểm gần như tuyệt đối ở cả phần kỹ thuật và nghệ thuật, bỏ xa tiết mục về nhì của Cuba về điểm số”, TS Hoàng Minh Khánh chia sẻ.

Giấc mơ ra biển lớn

TS Hoàng Minh Khánh cho biết, sau khi tiết mục “Cánh chim Việt” giành giải cao tại Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba, phía nhà trường đã nhận được lời mời biểu diễn của những đơn vị giải trí quốc tế. Một tập đoàn giải trí lớn của nước Anh muốn mời các diễn viên của nhà trường hợp tác biểu diễn trong 6 tháng và một đơn vị giải trí tại Mexico cũng ngỏ ý muốn hợp tác lâu dài với trường trong việc đưa học sinh đến đào tạo.


TS Hoàng Minh Khánh giới thiệu sàn tập trong cơ sở đào tạo mới khai trương của nhà trường. Diện tích của cơ sở đào tạo là 10.000m2, tuy nhiên thiết bị, đạo cụ vẫn còn khá sơ sài.


TS Hoàng Minh Khánh cho biết, hiện nay, nhà trường đang xin ý kiến của Bộ VH,TT&DL về vấn đề hợp tác với các đơn vị giải trí nước ngoài. Nếu hoạt động này được thông qua thì đó sẽ là một hướng đi mới của nhà trường trong việc đào tạo học sinh trường xiếc. Ngành Xiếc vốn là một trong những ngành nghề được cho là khắc nghiệt trong khâu tuyển chọn và đào tạo diễn viên. Với đặc thù về tuổi đời, tuổi nghề, quá trình tập luyện gian khổ nhưng không mấy ai sống được với nghề, ngành Xiếc luôn gặp nhiều khó khăn.

Theo TS Hoàng Minh Khánh, năm nay, Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam tuyển được 8.321 học sinh ở 113 trường tiểu học, 85 trường THCS, 12 trường THPT trong cả nước. Sau đó, nhà trường tiếp tục sàng lọc chọn được gần 800 em. Vào ngày 8-7, nhà trường tiếp tục tổ chức xét tuyển để chọn ra 35 em có năng khiếu để chính thức đào tạo. TS Hoàng Minh Khánh tâm sự, với điều kiện và khả năng đào tạo đặc thù, hằng năm, nhà trường chỉ có thể đào tạo được 35 học sinh. Trong quá học tập, học sinh phải rèn luyện gian khổ từ việc ép cơ, tập các động tác khó, áp lực từ phía gia đình…, số lượng học sinh sẽ còn “rơi rụng”, đến khi ra trường chỉ còn 25 em.

“Công tác đào tạo của chúng tôi cung không đủ cầu. Chúng tôi hy vọng, với sự cởi mở trong việc hợp tác quốc tế, trường Xiếc sẽ có thêm hướng đi mới để học sinh có nhiều cơ hội ra nước ngoài phát triển tài năng”, TS Hoàng Minh Khánh cho biết.

Hiện nay, Trường Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam vừa hoàn thành cơ sở đào tạo có diện tích được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á với 10.000m2 sàn tập. Tuy các trang thiết bị, đạo cụ tập luyện vẫn còn thô sơ nhưng trường hy vọng, thời gian tới sẽ mở được thêm nhiều lớp học kỹ năng cho học sinh để tiến tới thực hiện giấc mơ chuyên nghiệp hóa trong khâu đào tạo.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Giấc mơ của Xiếc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.