Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vun đắp giá trị nhân văn

Mai Hoa| 06/08/2017 07:04

(HNM) -

Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện cùng dịch giả Hoàng Anh, người đã chuyển ngữ từ tiếng Pháp bộ sách hay và hấp dẫn này.

Dịch giả Hoàng Anh (trái) trong buổi ra mắt bộ sách “Mộng giới Oniria” tại Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh


- Ông có thể chia sẻ cảm nhận riêng của mình khi đọc và dịch bộ sách "Mộng giới Oniria"?

- Trong bộ sách, nhà văn Pháp Bénédicte Fleury Parry đã xây dựng nên một thế giới kỳ ảo, tạo cho trẻ em đôi cánh bay bổng của trí tưởng tượng, làm cho trẻ thấy yêu thích sự tưởng tượng, khám phá, nhận thức về cái thiện thắng cái ác, sẵn sàng chiến đấu để chống lại cái xấu để khẳng định sự lên ngôi của cái thiện, qua đó giúp trẻ nhận biết thiện, ác, thật, giả và các giá trị về cuộc sống.

Hiện nay các bậc cha mẹ do quá chú trọng việc học hành thường quên cho con mình tiếp xúc với sách và thế giới tưởng tượng mà sách mang lại. Điều hấp dẫn nhất ở bộ sách chính là ý tưởng độc đáo khi tác giả đã sử dụng nhuần nhuyễn sự tưởng tượng của mình về thế giới trong mơ - nơi hằng đêm hàng tỷ con người đi đến đó - và sáng tạo ra rất nhiều câu chuyện kỳ thú. Với tài hoa của tác giả, thế giới đó hiện lên rất chân thật và sống động. Khi dịch cuốn truyện này, chính khả năng sáng tạo ra một thế giới tuyệt đẹp như vậy của tác giả đã thực sự chinh phục tôi.

- Điều gì gây khó khăn nhất cho ông trong quá trình chuyển ngữ bộ sách này?

- Bộ sách này thuộc thể loại tiểu thuyết văn học phiêu lưu kỳ ảo "fantasy" đang rất phổ biến trên thế giới. "Fantasy" là dòng văn học lấy rất nhiều chất liệu từ truyện thần thoại, truyện cổ tích trong thế giới của phương Tây với những sinh vật huyền bí có những tên riêng tuy phổ biến ở phương Tây nhưng chưa quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Với sức sáng tạo của thế giới tưởng tượng, tác giả cũng sử dụng nhiều từ ngữ độc đáo mang dấu ấn riêng, vì vậy khi chuyển ngữ, tôi phải cố gắng giữ sự độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ rất khác biệt đó, đồng thời vẫn phải làm sao để tác phẩm phù hợp với độc giả nhỏ tuổi, để các em đọc có thể hiểu, cảm nhận được cái hay của sự độc đáo đó.

- Theo ông, bộ sách này giúp ích gì cho bạn đọc Việt Nam?

- Bộ sách được xếp vào "Tủ sách Văn học gia đình" của Nhà Xuất bản Phụ nữ, thực sự cung cấp chuyến phiêu lưu kỳ thú dành cho các bạn nhỏ, qua đó, tính giáo dục của các câu chuyện được thể hiện một cách tự nhiên, gần gũi. Hành trình phiêu lưu của nhân vật chính của bộ truyện - cậu bé Eliott trong xứ sở của những giấc mơ - không chỉ giúp phát huy trí tưởng tượng của các em nhỏ, mà còn là sự ngợi ca lòng dũng cảm, đề cao sức mạnh tập thể để chiến thắng cái xấu, cái ác...

Có rất nhiều bài học quan trọng dành cho bạn đọc, đó là sự học hỏi về lòng vị tha, rèn sự can đảm của một cậu bé 12 tuổi, hoặc như khó có thể thành công nếu chúng ta không biết tận dụng sức mạnh tập thể, không biết tiến lại gần nhau hơn.

- Ông nghĩ gì khi chọn dịch tác phẩm này, trong bối cảnh dòng văn học "fantasy" chưa thật sự phổ biến ở Việt Nam?

- Có nhiều yếu tố khiến dòng văn học này chưa phổ biến ở Việt Nam, nhưng một phần là do yếu tố thị trường, khi mà bạn đọc Việt Nam chưa có nhiều cơ hội tiếp cận các tác phẩm "fantasy" hay và nổi tiếng của thế giới. Đúng là chúng ta đã được tiếp cận với một số tác phẩm được dịch ra tiếng Việt như Chúa Nhẫn, Harry Porter... - nhưng đó mới chỉ là những hạt muối bỏ biển so với cả dòng văn học "fantasy" của thế giới rất mênh mông và có chiều sâu lịch sử rất dài.

Với tác phẩm này, tôi mong đặt một viên gạch trên con đường giúp các bạn độc giả cũng như các cây bút của Việt Nam sẽ có con đường khai phá, tìm hiểu về dòng văn học này, từ đó, biết đâu các bạn sẽ tìm được nguồn cảm hứng để tự sáng tác các câu chuyện "fantasy" mang chất Việt Nam dành cho độc giả Việt Nam.

- Trong hơn 20 đầu sách do ông dịch đã được xuất bản tại Việt Nam, ông xếp bộ sách này ở vị trí nào? Ông có thể chia sẻ đôi điều về kế hoạch dịch sách thời gian tới?

- Tôi yêu mến "Mộng giới Oniria", bởi nhân vật chính của bộ sách rất trong sáng, gần gũi thiếu nhi Việt Nam và tôi tin rằng bộ sách sẽ được độc giả Việt Nam đón nhận. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục dịch và xuất bản các tập còn lại trong bộ sách 13 tập "Những cuộc phiêu lưu bất tận" của nhà văn Mỹ Lemony Snicket. 4 tập đầu tiên của bộ sách này đã được tôi dịch và Nhà Xuất bản Kim Đồng cho ra mắt vào năm 2009 - mở đầu hành trình chuyên về dịch sách văn học của tôi.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vun đắp giá trị nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.